Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Như vậy, việc quản lý các đơn vị cung ứng dịch vụ như Uber và Grab sẽ được Bộ Giao thông Vận tải siết chặt hơn sau 2 năm thí điểm ở Việt Nam. Các đơn vị này sẽ không được dùng pháp nhân ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam.
2 năm thí điểm lộ nhiều bất cập
Sau 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện cả nước có 4 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Tp.HCM, Khánh Hoà, Quảng Ninh. 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm.
Việc triển khai thí điểm đã quản lý được việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng của hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ của taxi.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc triển khai thí điểm còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.
Chẳng hạn như: Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty TNHH Grab Taxi chưa phối hợp tốt với các sở giao thông vận tải.
Nhu cầu của hành khách tăng dẫn đến phương tiện tăng nhanh, khiến khó quản lý tổ chức giao thông. Đồng thời, chưa có chế tài xử lý đối với đối tượng cung cấp phần mềm như Uber, Grab. Điều này dẫn đến việc các đơn vị này triển khai ứng dụng "đi chung xe" mà không thể xử lý.
Siết chặt quản lý Uber và Grab
Từ những hạn chế trên, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử thông qua các phần mềm như Uber, Grab.
Bộ Giao thông siết chặt quản lý Uber và Grab - Ảnh minh hoạ.
Thay vì những quy định sơ sài như kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện 2 năm qua, dự thảo còn quy định nhiều điều kiện cụ thể của cả đơn vị cung cấp ứng dụng hợp đồng điện tử lẫn đơn vị vận tải sử dụng hợp đồng điện tử.
Theo đó, các đơn vị cung cấp các ứng dụng phải đáp ứng 10 điều kiện.
Thứ nhất, đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử phải được cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong đó có ngành nghề phù hợp để hoạt động về thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận: Ứng dụng đã hoàn thành thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương.
Thứ hai, phải đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải trước khi cung ứng dịch vụ các nội dung gồm: địa chỉ trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam; người đại diện theo pháp luật; số điện thoại giao dịch; số tài khoản giao dịch tại ngân hàng có trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh tại Việt Nam; địa chỉ trang web hoặc ứng dụng truy cập vào phần mềm, giao diện chính của phần mềm…
Các đơn vị phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm và chỉ được cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh mà không cung cấp cho hộ kinh doanh vận tải, cá nhân.
Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Cung cấp thông tin điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Phải có biểu trưng (logo) của đơn vị mình và cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để niêm yết theo quy định. Kích thước tối thiểu của biểu trưng là 90 mm x 80 mm.
11 điều kiện cho doanh nghiệp vận tải
Với các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng vận tải điện tử, dự thảo nghị định quy định cũng đưa ra 11 điều kiện.
Trong đó có các quy định mới gồm: chỉ được sử dụng phần mềm của các đơn vị cung cấp đã đăng ký và được Bộ Công Thương xác nhận; gửi hoá đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản của hành khách và thông tin hoá đơn điện tử về Tổng cục Thuế; giải quyết các khiếu nại của hành khách.
Các doanh nghiệp vận tải phải dán biểu trưng của đơn vị cung cấp ứng dụng trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải cũng phải cung cấp các thông tin chuyến đi như lái xe, người thuê vận tải, giá trị hợp đồng…
Post a Comment