Trước đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, chiều 5/6 cả Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã hồi âm về giải pháp ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em.

Phiên chất vấn buổi sáng, bà Nga cho biết riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ.

Chủ nhiệm Nga cũng nói thêm là sau phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về xâm hại trẻ em, hai uỷ ban đã có kiến nghị với 3 cơ quan tư pháp. Nhưng kiến nghị đó chưa được trả lời.

Bà Nga đề nghị trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết giải pháp nào để giải quyết những bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Phát biểu trong phiên chất vấn chiều cùng ngày, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh vấn đề xâm hại tình dục hết sức bức xúc, 6 tháng đầu năm đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ với 805 bị can và đã xét xử hơn 600 bị can.

Theo ông Trí thì cần quyết tâm của cả hệ thống chính trij để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em song quan trọng là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để đấu tranh bằng pháp luật, đặc biệt khi phát hiện thì xử lý nghiêm minh để răn đe.

Cho rằng thực thi pháp luập đòi hỏi đồng bộ, ông Trí nhấn mạnh tầm quan trọng của "nhạc trưởng" cho sự phối hợp từ 17 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Theo Viện trưởng nếu có sự phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì rõ trách nhiệm.

Viện trưởng cũng cho biết tháng 12/2017 đã xây dựng thông tư liên tịch về phối hợp xử lý các hành vi phạm tội với trẻ em trong đó có tội xâm hại tình dục trẻ em và đang chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn thi hành luật tố tụng hình sự xử lý những vụ việc với trẻ dưới 18 tuổi.

Phát biểu ngay sau đó, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình nói, với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nếu cơ quan tố tụng thất nghiệp thì càng tốt.

Chánh án cho biết, 5 năm toà đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến tội này gồm 5 tội danh khác nhau, đã trả hồ sơ 6%, còn 93% xét xử đúng người đứng tội, hơn 7.600 vụ. Với 6% số vụ trả lại, Chánh án nhận định dù số lượng không nhiều nhưng gây bức xúc trong xã hội, và đây cũng là những vụ việc không khó xét xử nhưng khó trong thu thập chứng cứ. Vì thường không có người làm chứng, gia đình thậm chí còn che dấu, không hợp tác, có loại tội gia đình từ chối giám định.

Về giải pháp, Chánh án cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Toà án đã làm rất nhiều việc, đã ban hành nhiều hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng giáo trình riêng để tập huấn xử các tội xâm hại  tình dục trẻ em, ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng toà thân thiện với trẻ em.

Ông Bình cũng cho biết, đã triển khai toà chuyên trách về hôn nhân gia đình và vị thành niên thân thiện đã ở 1 số nơi với sự giúp đỡ của chuyên gia quốc tế, sắp tới sẽ triển khai  toàn quốc. Việc này đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng ủng hộ xây dựng phòng xử án thân thiện với vị thành niên, thậm chí trẻ không phải ra toà.

Sau đề nghị của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có ý kiến.

Nhấn mạnh tình trạng xâm hại trẻ em vừa qua đã gây nhiều bức xúc, Bộ trưởng cho biết 5 tháng qua có 682 vụ với 735 trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm 84%.

Diễn biến xâm hại tình dục trẻ em theo Bộ trưởng là rất phức tạp, cả trẻ em trai cũng bị xâm hại, có cả đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam phạm tội, thậm chí nuôi dưỡng trẻ em để rồi thực hiện hành vi xâm hại.

Theo Bộ trưởng thì luật pháp về bảo vệ trẻ em rất chặt chẽ rồi, Bộ luật Hình sự quy định rất rõ 6 tội và hành vi rất cụ thể, mức án rõ ràng.

Về phương hướng chỉ đạo, Bộ trưởng nêu nhiều giải pháp, theo đó, đối với các cơ quan điều tra thì sẽ tiếp tục chấn chỉnh việc tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Trước đó, trả lời đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu thực tế còn một số vụ xét xử kéo dài chưa nghiêm minh, thậm chí còn nhiều vụ phải có ý kiến của lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước mới tiến hành.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top