Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về chính sách tiền lương mới đối với phi công.

Theo chính sách trả lương mới, từ 1/6, Vietnam Airlines chính thức tăng lương cho giáo viên và phi công. Với nhóm phi công lái máy bay B787 và A350, cơ trưởng sẽ được nhận mức lương từ 205 - 246 triệu đồng, cơ phó 124 -150 triệu/tháng.

Nhóm phi công lái A321, cơ trưởng sẽ được nhận 176 -236 triệu đồng/tháng, cơ phó là 100 - 135 triệu đồng/tháng. Phi công lái ATR cơ trưởng sẽ được trả 156-186 triệu đồng, cơ phó 75 - 91 triệu đồng đồng/tháng.

Đối với giáo viên kiểm tra năng định (DPE), mức lương dao động 210 - 297 triệu đồng/tháng, giáo viên năng định (TRI) 198 - 284 triệu/tháng.

Dự kiến, năm 2019, mức lương phi công sẽ được tăng thêm 1-6 triệu đồng/tháng, tùy loại máy bay.

Mức thu nhập trên của phi công dựa theo phân loại máy là mức thu nhập trước thuế được tính bình quân năm. Với mức này, phi công Việt của hãng có thu nhập sau thuế bình quân bằng 70% phi công nước ngoài đang khai thác cho công ty.

Hiện nay phi công nước ngoài, lái chính cho máy bay B787 nhận lương 265-268 triệu đồng/tháng, lái phụ 181-199 triệu đồng. Với máy bay A350, lái chính 238-266 triệu đồng, lái phụ 163-187 triệu đồng/tháng.

Đối với phi công lái máy bay A321 và ATR72, mức lương từ 155 - 212 triệu đồng, lái phụ 98 -162 triệu đồng. Đây là mức thu nhập sau thuế của nhóm phi công nước ngoài và không bao gồm phí bảo hiểm, môi giới.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, việc điều chỉnh tăng này là theo kế hoạch, lộ trình từ trước, thông qua Đại hội cổ đông, không phải cứ thích tăng là tăng. Phần tăng cho phi công nhiều hơn cũng là trong kế hoạch chứ không phải vì có người nghỉ, có người xin thôi việc mà phải điều chỉnh. Đợt điều chỉnh lương lần này đã được nghiên cứu từ năm 2017, căn cứ vào nguồn thu cũng như kế hoạch đầu tư phát triển của tổng công ty.

Về chế độ đãi ngộ, ông Thành cho rằng điều kiện làm việc mà Vietnam Airlines đang áp dụng với phi công nước ngoài là căn cứ trên mặt bằng chung của thị trường lao động quốc tế. Hợp đồng lao động của phi công ngoại cũng ghi rõ điều này.

Theo Vietnam Airlines, 3 năm qua, ngành hàng không toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á, Trung Quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á phát triển mạnh dẫn đến tình trạng khan hiếm phi công. Cũng chính vì thiếu nhân lực nên lượng phi công nhảy việc cao tạo áp lực cho các hãng hàng không.

Tại Vietnam Airlines, 2015 - 2017 có 223 phi công thôi việc. 5 tháng đầu năm nay có 33 phi công thôi việc và dự kiến có khoảng gần 20 phi công nộp đơn. Để bổ sung nguồn nhân lực kịp thời, hãng cũng đã tuyển dụng được 64 phi công đủ bù đắp cho số đã nghỉ và đang nộp đơn xin nghỉ.

Tính đến 1/6, hãng này có 1.087 phi công, trong đó có 802 người Việt và 285 người nước ngoài. Bên cạnh số lượng phi công đang thực hiện lái, hãng còn có thêm 51 học viên đang trong quá trình huấn luyện.

Trước đó, hồi tháng 5, hàng loạt phi công của Vietnam Airlines đã gửi đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phản ánh về việc hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động. Trong đơn kiến nghị, các phi công đã phân tích những bất cập trong Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải vi phạm Luật Lao động, gây khó dễ cho những người muốn xin thôi việc.

Tại buổi gặp mặt phi công với ban lãnh đạo Tổng công ty ngày 30/5 để giải quyết những vướng mắc, vấn đề lương thưởng thấp đã được đại diện các phi công đem ra trao đổi. Hãng này cho biết, sẽ giải quyết thôi việc cho phi công căn cứ theo Luật Lao động, Thông tư 21 của Bộ Giao thông vận tải và quy chế của tổng công ty.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airline gặp phải phản đối của phi công về mức thu nhập thấp. Trước đó, vào 2015, nhiều phi công hãng đã cáo ốm và xin thôi việc. Cuối năm 2017, Jetstar Pacific cũng có gần 10 phi công cáo ốm và nghỉ việc, sau đó chuyển sang làm cho hãng khác.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top