Trong vài ngày qua, hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam lục tục “chuyển nhà” từ Facebook sang Minds. Cùng lúc, tranh cãi nổ ra xung quanh các công nghệ, chính sách của Minds và khả năng Minds sẽ bắt tay với chính quyền trong tương lai để bán đứng người dùng. Luật Khoa tạp chí phỏng vấn Bill Ottman – giám đốc điều hành và đồng sáng lập viên của Minds – xoay quanh các mối quan tâm này của cộng đồng mạng xã hội Việt Nam.
• Nguyễn Thanh Anh – Phạm Đoan Trang
Trước khi có “cuộc di tản” của hàng nghìn người dùng Internet Việt Nam từ Facebook sang Minds, thì ông biết gì về Việt Nam? (về thể chế, kinh tế, thị trường, tình hình nhân quyền, vân vân).
Tôi biết Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, nhưng không may là lại nằm dưới sự lãnh đạo của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, một chính quyền cộng sản với quyền lực vượt quá giới hạn. Tôi đã nghiên cứu khá nhiều về cuộc chiến tranh Việt Nam và phong trào phản chiến tại Mỹ. Tôi rất vui nếu được tìm hiểu thêm về Việt Nam. Thật tuyệt nếu chúng ta có thể trò chuyện trực tiếp, hoặc livestream với nhau, để thảo luận về nhận định của bạn về quốc gia này, cả hai mặt tiêu cực và tích cực.
Ông nghĩ sao về Luật An ninh Mạng vừa mới ban hành tại Việt Nam?
Tôi biết đạo luật này có chủ ý nhằm đàn áp mạnh mẽ tự do ngôn luận và quyền riêng tư. Nó trao cho nhà nước quyền lực quá giới hạn để coi một nội dung bất kỳ nào đó là “nội dung bị cấm”, tức là cho nhà nước năng lực để trở thành một cỗ máy kiểm duyệt. Luật này cần phải bị dẹp bỏ trước khi có hiệu lực vào năm 2019. Nó chắc chắn sẽ thất bại.
Chính sách của Minds đối với quyền riêng tư của khách hàng là gì?
Bạn có thể đọc bài viết gần đây của chúng tôi về cách Minds bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng như thế nào. Chúng tôi cam kết 100% về chuyện bảo mật. Đây là triết lý cốt lõi của chúng tôi. Nguyên tắc “zero-knowledge”, mã hóa đầu cuối và phi tập trung hoá là những điều tối quan trọng để bảo vệ nhân quyền.
Các điều khoản của Minds đều nói rõ rằng chúng tôi tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ. Vì vậy những gì là hợp pháp đối với Hoa Kỳ, thì tồn tại trên Minds. Chúng tôi sẽ không cung cấp thông tin người dùng cho các chính phủ nước ngoài, cũng không kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của ai đó.
Minds có chính sách nào đối với việc cân bằng giữa quyền riêng tư và cái gọi là “an ninh quốc gia”, như cách gọi của công an trong các xã hội độc tài?
Orwell (LK: nhà văn, nhà báo người Anh, tác giả tiểu thuyết “1984” nổi tiếng về chế độ toàn trị) đưa ra cụm từ “an ninh công cộng”, tương tự khái niệm “an ninh quốc gia” ngày nay. Nhưng bạn biết không, quyền riêng tư và bảo mật càng được tăng cường thì quốc gia lại càng an toàn hơn chứ không bất ổn; càng có tự do ngôn luận thì xã hội càng lành mạnh hơn chứ không yếu đi.
Thông tin sai sự thật và tuyên truyền quả là vấn đề, nhưng nghiên cứu cho thấy kiểm duyệt làm cho những vấn đề đó thậm chí càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi vừa viết xong một bài về việc này. Điều đó đã được chứng minh từ lâu bởi các chuyên gia về mật mã, các chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng như Bruce Scheiner và EFF.
Chỉ đáp ứng yêu cầu của toà án Mỹ
Ông nghĩ sao về sự cân bằng giữa nhân quyền và việc các nhà nước phải chống lại nguy cơ khủng bố (có thật hoặc tưởng tượng, ngụy tạo)?
Chính sách chung của Minds là gì, là chúng tôi đòi hỏi phải có trát/lệnh của tòa hoặc một văn bản nào khác với giá trị tương đương trát của tòa. Quan điểm chung của chúng tôi là không hy sinh quyền tự do để đổi lấy an ninh, vì khi đó, chúng ta sẽ mất cả hai thứ – như Benjamin Franklin đã nói.
Làm thế nào để người dùng Việt Nam – với tư cách một cộng đồng mới hình thành (và có lẽ còn khá nhỏ) – bảo đảm được rằng Minds sẽ đấu tranh cho tự do Internet của chúng tôi mà không hợp tác với chính thể độc tài?
Một là hãy liên tục nêu câu hỏi, chất vấn, và liên hệ với chúng tôi khi có những lo ngại như vậy, và hãy buộc chúng tôi phải chịu trách nhiệm.
Hai là hãy kiểm tra mã (code) của chúng tôi, và đề nghị các chuyên gia công nghệ thông tin phát triển giúp chúng tôi làm sao để Minds an toàn hơn và không bị kiểm duyệt.
Chúng tôi nghe nói nhiều về công nghệ mà Minds đang sử dụng. Có đúng là Minds đang sử dụng công nghệ phi tập trung hoá, mã hóa và blockchain hay không? Nếu đúng, vui lòng nói rõ thêm để người dùng chúng tôi hiểu hơn về các điểm mạnh của Minds. Nếu không phải vậy thì xin cho biết Minds có gì khác với Facebook?
Đúng vậy, chúng tôi không ngừng cố gắng để Minds trở nên phi tập trung hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi hiện đang tận dụng các công nghệ như Ethereum và Webtorrent. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung thật nhiều nữa vào phân cấp và p2p.
Facebook đang ngày càng gây khó chịu bởi sự giám sát, xâm phạm quyền riêng tư, các thuật toán thao túng người dùng, những vụ bê bối dữ liệu, tư duy đặt lợi nhuận lên hàng đầu, kiểm duyệt nội dung, và khai thác tâm lý người dùng. Minds làm điều ngược lại.
Về công nghệ blockchain, dường như Minds đang sử dụng nó chỉ cho những hoạt động liên quan đến Token. Có đúng không?
Đúng. Chúng tôi sử dụng token ERC20 trên blockchain Ethereum. Sách trắng của Minds nêu cách chúng tôi tạo ra một loạt giao dịch khác nhau đối với những hợp đồng thông minh cho các sản phẩm Boost và Wire của chúng tôi. Chúng tôi có hệ thống phần thưởng lớn cho những người đóng góp tạo ra các token và sau đó có thể sử dụng token để “đẩy” nội dung lên nhằm có thêm lượt xem (view).
Xin lỗi vì câu hỏi có thể rất ngốc nghếch: Token là để làm gì vậy?
Chúng tôi tạo ra token để thưởng cho những người dùng có đóng góp cho mạng, và để chuyển từ hệ thống quảng cáo mạng (dựa trên nội dung) và thanh toán peer-to-peer, gây quỹ từ đám đông (crowfunding) thành những hợp đồng thông minh trên nền tảng công nghệ blockchain.
Chúng tôi cũng tạo ra token để chống lại những thuật toán khắc nghiệt khiến cho phạm vi tiếp cận thật sự của người đọc với bài viết bị giảm đáng kể trên facebook. Một token hiện nay thưởng cho một người dùng 1000 điểm ấn tượng, hay 1000 lượt xem (view), về nội dung của họ, bằng cách bấm vào nút boost trên bài đăng của họ.
Nói cách khác, chúng tôi tạo ra Token để chống lại các thuật toán khó chịu của Facebook – thứ làm giảm khả năng lan tỏa thực sự (không ảo) của bài đăng và quyền biểu đạt của người viết, vốn là một hình thức kiểm duyệt mềm. Minds sẽ luôn tạo khả năng lan tỏa thật sự, 100%, và thưởng cho người dùng quyền được tham gia, quyền lên tiếng nói nhiều hơn. Các bạn có thể tìm hiểu về cơ chế thưởng tại đây.
Chúng tôi tin rằng tiếng nói của mỗi người dân cần phải được lan tỏa rộng hơn nữa chứ không phải bị bịt đi. Lan tỏa, chứ không phải lợi dụng.
Chúng tôi thấy trong chính sách bảo mật của Minds có nói rằng Minds “có thể tiết lộ danh tính cá nhân và thông tin cá nhân khi có trát của tòa, lệnh của tòa án hoặc CÁC YÊU CẦU KHÁC CỦA CHÍNH QUYỀN (tôi nhấn mạnh), hoặc khi Minds cho rằng việc tiết lộ này là cần thiết, chính đáng để bảo vệ tài sản và quyền lợi của Minds, của các bên thứ ba hoặc của cộng đồng nói chung”. Chúng tôi khá lo lắng về điều này bởi vì nó ngụ ý rằng những người dùng chúng tôi vẫn có thể bị nhà nước truy cập thông tin cá nhân trong khi chính quyền Việt Nam hiện tại là một nhà nước độc đảng và công an trị. Ông nghĩ sao về quy định này của Minds?
Điều này không áp dụng đối với chính quyền Việt Nam, và chúng tôi sẽ không cung cấp thông tin cá nhân cho họ. Chúng tôi sẽ thảo luận với đội tư vấn pháp lý của chúng tôi để sửa lại cách diễn đạt này cho rõ. Về cơ bản, Minds ra đời dựa trên quan điểm bảo vệ tự do ngôn luận, và rồi các bạn sẽ sớm thấy là Minds không hề bị kiểm duyệt như bất cứ mạng nào khác mà bạn từng biết.
Có phải Minds được nhóm hacker nổi tiếng Anonymous hỗ trợ không?
Đúng vậy, bởi vì chúng tôi chấp nhận cho những tài khoản ẩn danh tồn tại (khác với Facebook có chính sách hướng đến buộc tất cả người dùng phải sử dụng danh tính thật – NV). Mặc dù Anonymous là một nhóm phi tập trung và không có lãnh đạo, nhưng họ có rất nhiều nhánh và tôi không muốn nói về tất cả họ. Tôi hình dung rằng không phải tất cả các thành viên của họ đều ủng hộ chúng tôi. Nhưng chắc chắn là một số thành viên của họ ủng hộ Minds.
Chỉ xin lưu ý bạn là chúng tôi chỉ tán thành việc hack với mục đích tử tế.
Quyền con người gắn với kỹ thuật số
Minds mong đợi gì từ Việt Nam, hay nói đúng hơn, từ cộng đồng các mindser Việt Nam?
Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều nhà lãnh đạo có tư tưởng, nhiều công dân mạng (netizen) tiếp tục chuyển sang Minds, vì tự do Internet. Chúng tôi cam kết không ngừng phát triển và cải thiện nền tảng công nghệ, dựa trên những phản hồi từ các bạn. Đó là lý do tại sao chúng tôi dùng mã nguồn mở 100%.
Cách tốt nhất để xây dụng một cộng đồng tự do cho tương lai là hãy để những người có sức ảnh hưởng sử dụng các công cụ của chúng tôi như blog, video, post, các nhóm, wallet, token và mang người đọc đến với nhau.
Ông có nghĩ đến việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và/hoặc cung cấp một phiên bản tiếng Việt của Minds cho người dùng Việt Nam không? (Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ hai của chúng tôi vì thế hầu hết mọi người cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng Minds bằng tiếng Anh).
Vâng, phiên bản tiếng Việt sẽ sớm được thực hiện trong một vài tuần tới. Có thể sớm hơn.
Chiến lược của Minds đối với Trung Quốc, Việt Nam, châu Á, và thế giới, là gì?
Chiến lược của chúng tôi là trung thành với các nguyên tắc mà chúng tôi đã đặt ra, tiếp tục xây dựng các công cụ tốt hơn nữa, và hy vọng sẽ tiếp tục được kết nối với các nhà lãnh đạo có tư tưởng trên toàn châu Á – những cá nhân có thể góp phần giúp đỡ, thúc đẩy để những người dân của họ thoát khỏi việc bị theo dõi, giám sát. (Nguyên văn: thought leaders all throughout Asia who can help migrate their audiences off of surveillance platforms).
Nghe nói ông từng là một nhà hoạt động nhân quyền, cụ thể là đấu tranh vì quyền tự do thông tin, tự do Internet. Ông đã là nhà hoạt động như thế nào?
Tôi có khoảng 10 năm tham gia làm truyền thông độc lập, cổ súy tự do thông tin và quyền riêng tư. Đối với tôi, minh bạch tuyệt đối, mã nguồn mở, công nghệ mã hóa đầu-cuối và các quyền con người gắn với kỹ thuật số là những điều quyết định sống còn để có một xã hội tự do. Tôi từng giúp các tổ chức mới thành lập trên facebook có được hàng triệu người theo dõi (follower), nhưng đến khi thuật toán và chính sách của Facebook xâm phạm quá nhiều (vào quyền riêng tư), thì đã đến lúc #deletefacebook (xóa Facebook).
Ông nghĩ sao về xu hướng các tập đoàn đang cấu kết với nhà nước để trở thành một thế lực nguy hiểm, đe dọa người dân, ở các nước như Việt Nam?
Lằn ranh giữa các tập đoàn toàn cầu và chính quyền bị xóa nhòa, đó là một xu hướng không thể chấp nhận được. Người dân cần hoạt động mạnh mẽ trên các mạng xã hội để phá đi sức mạnh của những tập đoàn tham nhũng, và gia tăng sức mạnh của những thực thể thay thế, đang nổi lên và có đạo đức hơn.
Bill Ottman (sinh ngày 02/11/1985) là một doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông, và là nhà hoạt động về quyền tự do thông tin. Ông tốt nghiệp Đại học Vermont, ngành tiếng Anh và âm nhạc, năm 2010.
Tháng 2/2011, Bill Ottman sáng lập Minds – dịch vụ mạng xã hội nguồn mở và phân tán, tích hợp công nghệ blockchain. Một số người đồng sáng lập: John Ottman, Mark Harding, Ian Crossland và Jack Ottman.
Tháng 6/2015, Minds ra mắt công chúng như một mạng xã hội “cực kỳ bảo vệ quyền riêng tư” (super-private) và công khai việc họ được hỗ trợ bởi các thành viên của nhóm hacker nổi tiếng Anonymous. Minds cũng công khai bày tỏ hy vọng sẽ thế chỗ Facebook và các mạng xã hội khổng lồ khác để trở thành một mạng xã hội mới, cam kết bảo vệ quyền riêng tư, an ninh (an toàn) của người sử dụng, và sự minh bạch.
Ngày 1/7 vừa qua, Bill Ottman viết trên trang mạng cá nhân của ông ở Minds: “Chào mừng tất cả các bạn đến từ Việt Nam. Tôi là người đồng sáng lập Minds, vậy nên các bạn hãy thoải mái liên hệ với tôi. Tự do Internet rất quan trọng. Cảm ơn các bạn đã đến đây”.
Vào buổi tối cùng ngày, ông viết thêm: “Xin chào. Hãy bảo các nhà báo hàng đầu nhắn tin cho tôi để phỏng vấn hoặc nêu câu hỏi của các bạn về Minds, Tuấn, v.v. Chúng tôi cực lực phản đối đạo luật mới ở Việt Nam (luật An ninh mạng – NV) và chúng tôi có mặt ở đây là để đấu tranh cho quyền tự do Internet của các bạn”.
Ông cũng chia sẻ trên trang cá nhân một bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh về “cuộc di tản vĩ đại” thời @ của người Việt Nam từ Facebook sang Minds, và bức hình cô Huỳnh Thục Vy dán băng đen lên miệng để “phản đối luật An ninh mạng, phản đối Facebook sách nhiễu người dùng Việt Nam”.
Bạn có biết…
… Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.
Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.
Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.
By Đoan Trang
https://www.luatkhoa.org/2018/07/ceo-minds-bao-ve-tu-do-ngon-luan-chi-dap-ung-yeu-cau-cua-toa-an-my/
Post a Comment