Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa thông tin kết luận về kết quả cuộc họp chiều 19/12 của Bộ này với các Bộ, ngành, địa phương về các giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn có giá trị đạt QCVN 05:2013/BTNMT.

Một số nguyên nhân chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường không khí bước đầu được xác định là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Đồng thời, do nguồn thải phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông.

Ngoài ra, còn là do nguồn thải phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu. Ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh bởi nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt.

Về giải pháp trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các địa phương phải ưu tiên bố trí ngay nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường.

Đặc biệt, các đô thị lớn như phải tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính, nhất là khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường.

Từ đó, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trường hợp cần thiết yêu cầu ngừng ngay hoạt động sửa chữa, xây dựng nếu không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bộ cũng cho rằng, cần xây dựng và triển khai ngay kế hoạch vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, tiến tới cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021.

Một giải pháp cấp bách quan trọng khác nữa là, thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Đối với các xe ngoại tỉnh vào nội đô cần được chia làn, rửa xe, che chắn để hạn chế bụi.

Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cần đẩy nhanh tiến độ hơn và mức cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh….

Hiện nay, chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc quốc gia cũng được cập nhật và công khai 24/24h tại địa chỉ cem.gov.vn. Uỷ ban nhân dân Tp Hà Nội cũng thực hiện công bố và cảnh báo về chất lượng không khí tại địa chỉ moitruongthudo.vn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top