Trên trang cá nhân mới đây tôi có viết dường như "bóng ma" – nổ bong bóng dot-com lần thứ 2 (2.0) đang xảy ra, bắt đầu tư phát súng của WeWork - start-up chia sẻ văn phòng tại Mỹ và sẽ lan ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Điều này, ở Việt Nam, được biểu hiện ở một số vụ vỡ nở start-up đã ầm ĩ trên báo chí như Món Huế hay Wefit (nền tảng công nghệ cho phép người dùng có thể trải nghiệm luyện tập tại hàng trăm phòng tập khác nhau trong hệ thống đối tác của Wefit tại Hà Nội và Tp.HCM -PV), và cũng có những vụ vỡ nở start-up khác đang âm thầm diễn ra.
"Cà phê cuối tuần" kỳ này, VnEconomy trao đổi với Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech về việc "thổi giá" và gọi vốn của start-up Việt hiện nay.
"Bong bóng start-up" đang diễn ra ở Việt Nam?
Cú "ngã ngựa" của start-up chia sẻ văn phòng WeWork tại Mỹ có định giá lên đến 47 tỷ USD, sau vài tuần rớt còn chưa đến 10 tỷ USD và phải huỷ IPO, cũng như dùng các cụm từ mạnh như "ngáo giá", "ngáo bóng" khi nói về việc định giá của các start-up Việt trong chương trình Shark Tank Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về định giá và gọi vốn của các start-up Việt thời gian gần đây?
Có rất nhiều start-up ở Việt Nam hiện nay (bị đồng dạng với thế giới) hậu quả của bệnh "ngáo giá" do các nhà đầu tư "ngáo bóng" và chạy theo giá trị tăng trưởng áo để gây quỹ, gọi vốn và đốt tiền. Tôi nghĩ năm sau sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều cho các start-up kiểu này và sẽ là thời đi lên của các start-up căn cơ, biết kiếm tiền.
Ngay ở Việt Nam, chúng ta thấy nhiều bài học gần đây khi có nhiều start-up sụp đổ với mô hình kiểu như vậy, như một số đã công khai trên báo chí như Món Huế - chính là một loại hình start-up và một số start-up khác nữa. Một số start-up lâm vào hoàn cảnh khó khăn tài chính như Wefit bị "tố" chậm tiền.
Hay vừa rồi trong giới có cơn "sốc" khi một start-up lớn từng gọi vốn hàng vài chục triệu USD đã sa thải phần lớn nhân viên.
Đấy là bài học rất lớn cho môi trường start-up Việt Nam, phải tập trung vào chân giá trị thay vì gây quỹ, gọi vốn. Việt Nam biết đâu năm sau lại có một vài vụ vỡ như vậy nữa trong giới start-up. Do vậy, tất cả các câu chuyện "ngáo giá", gây quỹ, gọi vốn, đốt tiền đều có quan hệ biện chứng với nhau.
Và quả bom sẽ chỉ nổ khi thị trường vốn có vấn đề. Ví dụ cụ thể như thị trường vốn có vấn đề sau vụ Softbank, Wework, khiến tất cả các nhà đầu tư giật mình, rụt tay lại, và lập tức các start-up đang hừng hực trên con đường đốt tiền tự nhiên bị hẫng. Nhà đầu tư có vấn đề gì, mất bầu sữa mẹ là start-up lập tức sụp đổ.
Thậm chí chơi chứng khoán còn bớt rủi ro hơn start-up rất nhiều vì thị trường đại chúng thích là "bấm nút" bán, còn start-up muốn bán nhưng còn lâu mới bán được, mất sạch...
Nhưng theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến thực tế như trên?
Start-up "ngáo giá" là do nhà đầu tư "ngáo bóng", tức thị trường start-up này nhìn bản chất nó không khác gì thị trường bất động sản, chứng khoán, là kỳ vọng cao. Ví dụ thị trường bất động sản, các "ông" cứ xông lên một khu đất nào đấy, mới buổi sáng mua buổi chiều sang tay đã lãi 5-10%, chẳng hạn vậy. Nó là cơn sốt, là bong bóng và mỗi nhà đầu tư như vậy đều góp phần thổi một ít vào bong bóng đó.
Start-up ở đây có thể nói là chính ông chủ đất. Chính các nhà đầu tư không thông thái thổi những quả bong bóng này và dẫn đến làm hư làm hỏng start-up, founder, tiền dễ quá, tiếp tục đi đốt tiền và kết quả tài chính cực kỳ tệ hại, chỉ biết đốt tiền để mua khuyến mại, mua KPI thôi. Đấy chính là bong bóng trong lĩnh vực start-up.
Mới đây, nhân sự kiện WeWork, trên trang cá nhân tôi có viết dường như "bóng ma" - nổ bong bóng dot-com lần thứ 2 (2.0) đang xảy ra, bắt đầu tư phát súng của WeWork sẽ lan ra toàn thế giới, tất nhiên trong đó có Việt Nam. Như tôi nói ở trên, nó bắt nguồn từ một sự kiện nào đấy dẫn đến hoảng loạn toàn cầu và nhà đầu tư đua nhau tháo chạy và rút vốn, và không cấp vốn nữa.
Thậm chí người ta còn bình luận về một thủ phạm hiện nay ở Silicon Valley và kết tội cho một ông trùm trong việc thổi bóng chính là Softbank. Tức ông thổi giá, thổi bóng lên không đúng giá trị thật của nó, và khi chưa kịp bán cho người khác thì "bóng" đã nổ trên tay ông rồi.
Hay ở Việt Nam, một số fintech đua nhau khuyến mại để lấy người dùng, giờ dẫn đến thị trường bị làm hỏng, khách hàng cũng bị làm hỏng. Vì cứ có khuyến mại thì khách hàng mới dùng, tức dùng vì khuyến mại chứ không phải vì giá trị thật đem lại, đồng thời các start-up đổi mới sáng tạo thật sự thì lại không địch lại nổi vì bị "tiền đè chết người".
Như vậy, lúc đó là cuộc chơi của dân tài chính chứ không phải là cuộc chơi của đổi mới sáng tạo nữa. Đó là nhận định về thị trường start-up trong vòng vài năm qua và có vẻ như "ngày phán xét" đã đến.
Sóng ngầm
Ông có nói về bong bóng dot-com 2.0, cụ thể là trong lĩnh vực start-up, trong đó có Việt Nam. Nhưng chỉ một vài trường hợp như vậy thì đã đủ cơ sở để đưa ra nhìn nhận như vậy chưa?
Tôi nghĩ là về mặt sóng ngầm. Thực ra bong bóng 2.0 hiện nay đang nổ ra, và sức ảnh hưởng của nó đối với kinh tế thế giới không quá mạnh, lý do vì người ta đã rút được kinh nghiệm từ thời bong bóng dot-com năm 1999 rồi. Đó chính là lý do vì sao mà WeWork bị phán xét.
Bởi vì WeWork trước khi lên sàn và lúc đấy thị trường đại chúng ở Mỹ người ta đã tỉnh táo hơn, chứ còn như năm 1999 là người ta sẽ ào ạt mua vào để tiếp tục thổi nó lên một tầm "ngáo" mới. WeWork chính là một trường hợp như vậy.
Trong giới đầu tư và start-up, tôi biết đang có một sự "hoảng loạn" ở cả thế giới và Việt Nam. Chúng ta đã nhìn những trường hợp như vậy, nếu không người ta đã tiếp tục bơm tiền, vì đã đầu tư vài chục triệu USD thì sẽ chơi tiếp. Bản chất chính là hệ quả của vụ đấy (WeWork) xảy ra. Bản thân nó giống như mồi lửa. Nó rất lớn và gây chấn động giới đầu tư toàn cầu, làm cho họ giật mình, tỉnh ra, và khi tỉnh ra thì một đống "ông" start-up "đi".
Thế còn nhận định năm 2020 sẽ còn là năm khó khăn hơn rất nhiều cho các start-up theo kiểu "ngáo giá" như ông nói, thì sao?
Ở Việt Nam nhìn thấy ngay trong năm vừa rồi xảy ra nhiều vụ vỡ start-up, từ ầm ĩ đến âm thầm, và điều đấy ảnh hưởng rất lớn tâm lý nhà đầu tư.
Từ thực tế, quy luật, và có thể dự đoán tương lai, đó là khi bong bóng vỡ và thị trường đi xuống thì không "ông" nào sẽ xuống tiền cả, "ông" nào cũng chờ cho thị trường xuống đáy thì mới mua vào nên dẫn đến giá giảm liên tục. Bản chất là quy luật kinh tế, hết sức dễ hiểu, từ những hậu quả những sự việc của ngày hôm nay có thể dự đoán và áp câu chuyện của vỡ bong bóng trong quá khứ, của các ngành khác, bởi vì bản chất đều là con người, đều là thị trường, đầu tư start-up không khác đầu tư các công ty ở trên sàn.
Thậm chí chơi chứng khoán còn bớt rủi ro hơn start-up rất nhiều vì thị trường đại chúng thích là "bấm nút" bán, còn start-up muốn bán nhưng còn lâu mới bán được, mất sạch, thế nên lại càng làm cho người đầu tư lo ngại, e sợ và có xu hướng đầu tư vào các tài sản có thanh khoản cao hơn, hoặc an toàn hơn.
Hoặc muốn đầu tư vào start-up thì cũng phải đợi qua cơn bão này xem anh nào tồn tại được thì mới mua, chứ giờ ai cũng sợ đầu tư vào các start-up đang lỗ. Vì thế tôi dự đoán năm sau sẽ là năm khó khăn đối với các start-up nói chung và đặc biệt là các start-up công nghệ kiểu đang đốt tiền.
Về mặt xã hội cần phải tuyên truyền start-up là rất nguy hiểm, phải học tập thật kỹ, kể cả các bạn không start-up còn tốt hơn, vì start-up giờ còn mất tiền, mất niềm tin, mất cơ hội, như thế còn lãng phí cơ hội hơn, tạo ra nhiều hệ lụy hơn...
Làm start-up, phải chăng quá dễ?
Trong một tọa đàm tại sự kiện Internet Day 2019 mới đây, ông có dẫn một thông tin khảo sát trên thế giới rằng 47% start-up chết vì làm các sản phẩm thị trường không cần hoặc có cũng được hoặc không có cũng được. Vậy còn ở Việt Nam, theo góc nhìn của ông, thì sao?
Thông tin đó được tôi dẫn từ báo cáo của World Startup Report, rằng trong 50 triệu start-up ra đời hàng năm trên thế giới thì 92% không quá được sinh nhật thứ 2. Ở trong nước cũng tương đồng. Hiện theo thống kê có 3.000 start-up đổi mới sáng tạo thì tôi nghĩ cũng sẽ phải hơn 2000-2500 không tồn tại được và sẽ… ra đi.
Nói chung, Việt Nam không thể là cái gì đặc biệt xuất sắc hơn thế giới. Thế giới nó như thế nào thì Việt Nam cũng chỉ xung quanh đấy thôi, có hơn thì hơn tí, kém thì kém tí, thực tế nó sẽ như thế.
Việc start-up ở Việt Nam nở rộ và ra đi cũng rất nhiều, rất nhanh như vậy, phải chăng làm start-up dễ dàng quá?
Cá nhân tôi nghĩ có thể do được cổ vũ nhiều quá, bị ảnh hưởng của các câu chuyện thành công nhiều quá. Như tôi nói kinh nghiệm thành công thì không dạy được, không copy được, chỉ có kinh nghiệm thất bại mới dạy được, mới truyền đạt được. Vì kinh nghiệm thành công nó lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau của từng trường hợp một.
Quan trọng các start-up cần phải học kinh nghiệm thất bại.
Giả sử đưa ra một nhìn nhận không mấy vui vẻ về tỷ lệ "rụng" start-up trong năm tới hoặc vài năm tới ở Việt Nam, thì theo ông?
Tôi nghĩ vẫn phải hơn 90%, tức 10 "ông" lao ra đường thì 9 "ông" không trở về.
Gọi được vốn, nhiều khi lại khởi đầu cho… thất bại
Những gì ông chia sẻ ở trên là góc nhìn vĩ mô, về thị trường start-up và về gọi vốn, gây quỹ nói chung, vậy cụ thể hơn ở chính doanh nghiệp của ông cũng có một quỹ (Next100) được lập ra để đầu tư vào các start-up, việc rót vốn vào start-up thì sao? Liệu các doanh nghiệp được Next100 đầu tư có đúng "long mạch" như mục tiêu mà các ông đặt ra không?
Chúng tôi đã đầu tư được vào 4 start-up.
Tất nhiên là mình nhìn thấy "long mạch", cảm nhận được "long mạch" và cái quan trọng hơn khi kết hợp với hệ sinh thái của mình thì "long mạch" sẽ nhanh chóng lộ ra hơn nữa. Nó cũng phải tùy nhà đầu tư cơ.
Tôi nói công thức định giá start-up là quá khứ cộng hiện tại nhân tương lai. Nhân với tương lai tức là cái gì đấy cực kỳ lớn, tương lai chính là "long mạch" nhưng lũy thừa sự hợp lực và sự hợp lực còn quan trọng hơn.
Nhưng cơ sở để đo đếm hay đến một mốc nào đó thì được xem khoản đầu tư của Next100 là thành công?
Thực ra tiêu chuẩn đo đếm thành công của NextTech hay Next100 nó cũng đơn giản, là quay về chân giá trị với các chỉ số tài chính, như doanh nghiệp này biết kiếm tiền, nhỏ thôi nhưng làm ra tiền chứ không chỉ chăm chăm đốt tiền.
Tất nhiên ví dụ như trường hợp WhatsApp không có doanh thu mà Facebook vẫn bỏ 17 tỷ USD ra mua là hoàn toàn hợp lực và hệ sinh thái để thâu tóm người dùng, không những thế họ còn chặn tương lai khả năng trở thành một đối thủ. Chính vì vậy họ mua luôn để triệt tiêu khả năng đấy.
Với mỗi một nhà đầu tư sẽ có những góc nhìn riêng phù hợp với khẩu vị của họ.
Dưới danh nghĩa là chủ đầu tư của một quỹ cho start-up, vậy ông thường kỳ vọng hay đặt mục tiêu sau bao lâu sẽ thu lại được vốn?
Khi đầu tư tôi đặt kỳ vọng trong vòng 1-2 năm là thu đủ bù chi. Ở NextTech đều rất căn cơ như vậy, chỉ trong vòng từ 1-2 năm là đã tự (start-up) kiếm tiền nuôi được bản thân và sinh lợi nhuận để hoàn trả cho các chủ đầu tư. Chính vì thế, gần đây Next100 rất đắt hàng và được nhiều start-up tìm đến.
Tất nhiên, theo tôi, nhiều khi gọi được vốn lại là khởi đầu cho sự thất bại. Trước đây, PeaceSoft (tiền thân của Tập đoàn NextTech hiện nay) cũng gọi vốn được từ eBay, nhưng sau đó khi Lazada vào, họ đổ nhiều tiền, thế là eBay rút. Khi đó PeaceSoft rất khó khăn và sau đó mình phải tự xoay xở, tự hai bàn tay trắng, thì lại làm nên.
Tính toán căn cơ và quan điểm sâu sát về "ngáo giá", "thổi giá" hay "ngáo bóng" như trên của ông, hẳn việc đầu tư các start-up của Next100 sẽ không có những rủi ro?
Cái gì chả có rủi ro. Nhưng khi tham gia vào hệ sinh thái của NextTech thì khả năng rủi ro sẽ thấp hơn. Thỉnh thoảng cũng có start-up mà chúng tôi đầu tư vẫn chết như thường, không công bố thôi.
Phải xác định lao vào start-up là lao ra chiến trường
Theo số liệu của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ công bố rằng năm 2019 có khoảng hơn 800 triệu USD được rót vào cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Với sự phát triển của start-up Việt cũng như bối cảnh như đã nói trên, theo ông khoản đầu tư này đã tương xứng với tiềm năng của thị trường start-up Việt chưa?
Theo suy tính của tôi, số vốn đầu tư vào start-up Việt trong năm 2019 có thể thấp hơn nhiều so với số công bố trên. Nhưng thôi, quan trọng là tiêu chí thống kê.
Cứ giả dụ như con số trên thì, thứ nhất, thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn sau "cơn sốt Indonesia" vì ai cũng muốn có một phần của miếng bánh ở Việt Nam. Nhưng, tất nhiên chưa xứng đáng với tiềm năng nếu so với Indonesia, vẫn còn nhiều tiềm năng hơn nữa.
Nhưng năm sau chưa biết thế nào và tôi nghiêng về khả năng sẽ thấp hơn. Vì kinh tế thế giới năm sau rất nhiều người cũng dự đoán tiêu cực.
Vậy trong những tín hiệu "bong bóng start-up" như những phân tích và góc nhìn của ông thì theo ông, cần có những điều chỉnh, thay đổi như thế nào ở chính start-up, nhà đầu tư và chính sách, để thị trường start-up Việt tránh hoặc giảm thiểu trước những nguy cơ như trên?
Tôi nghĩ chính sách quản lý cũng không can thiệp được gì.
Chúng ta, bên cạnh tuyên truyền cổ vũ start-up thì cũng phải tuyên truyền cho các bạn start-up, tất nhiên đây không phải gọi là bàn lùi, không phải là làm nhụt chí - là có trách nhiệm phải rất cẩn thận, vì lao vào trận chiến start-up là lao ra chiến trường và biết trước 10 đi thì chỉ 1 thành danh, nên là phải học tập, rèn luyện thật kỹ và nên phối hợp với nhau.
Về mặt xã hội cần phải tuyên truyền start-up là rất nguy hiểm, phải học tập thật kỹ, kể cả các bạn không start-up còn tốt hơn, vì start-up giờ còn mất tiền, mất niềm tin, mất cơ hội, như thế còn lãng phí cơ hội hơn, tạo ra nhiều hệ lụy hơn.
Thứ hai cần phải vận động lứa start-up, doanh nghiệp đi trước đã thành công quay lại hướng dẫn, trợ giúp lứa đi sau để dìu dắt.
Thứ ba là nên kết hợp với nhau thành các hệ sinh thái. Tôi quan sát thấy càng ngày start-up, fresh start-up càng khó hơn, lý do mọi mặt của xã hội đã hiện đại hơn đồng nghĩa cơ hội càng ít hơn, mà phải làm những cái mới thực sự xuất sắc, thực sự mới, nó không dễ như cách đây 5-10 hay 15 năm, vì chưa có cạnh tranh, làm cái gì cũng đi đầu, tiên phong nhưng bây giờ thì phải thực sự khác biệt.
Post a Comment