Hai thập niên sau ngày ra đời của chú cừu nổi tiếng nhất lịch sử, nhân bản vô tính vẫn là một đề tài nhạy cảm của giới khoa học, hấp dẫn những bộ óc hàng đầu trong giới chuyên gia...
KỲ VỌNG, HOÀI NGHI VÀ SỢ HÃI
Kỳ tích chấn động thế giới
Ngày 5/7/1996, cả thế giới chấn động khi các nhà khoa học Scotland phá vỡ quy luật tự nhiên để tạo ra một sinh vật có vú bằng phương pháp nhân bản vô tính.Từ gien của một con cừu cái 6 tuổi, các nhà khoa học đã tạo ra cừu Dolly, một phiên bản sao chép chính xác của nguyên mẫu gốc.
Đây không phải là lần đầu tiên giới nghiên cứu thành công trong việc nhân bản vô tính.Thật ra, việc tạo ra các sinh vật từ mô phôi đã xuất hiện từ năm 1958 với loài ếch Xenopus laevis. Tuy nhiên, Dolly là sinh vật nhân bản đầu tiên được tạo ra từ một tế bào động vật trưởng thành, điều trước đó tưởng như là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với công nghệ hiện đại.
Dolly là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài của Viện Roslin dưới sự tài trợ của Chính phủ Anh. Việc tạo ra Dolly sử dụng công nghệ chuyển nhân tế bào soma, trong đó nhân tế bào từ một tế bào trưởng thành (lấy từ một con cừu cái giống cừu Dorset Phần Lan - Finnish Dorset) được chuyển sang một tế bào trứng đang phát triển - lấy từ một con cừu cái giống Blackface). Tế bào lai sau đó được kích thích phân chia bằng phương pháp sốc điện và phát triển sang dạng phôi bào rồi được cấy vào tử cung của một con cừu thứ ba. Sau khi được sinh ra, Dolly giống hệt mẹ Finnish Dorset.
Dolly trải qua cả cuộc đời ở Viện Roslin, nơi nó được đặt dưới sự giám sát và theo dõi nghiêm ngặt. 10 tháng đầu đời, Dolly được cho sống chung với hai con cừu bình thường nhưng nó tỏ ra hung hăng giành hết thức ăn trong chuồng và sau đó được nuôi trong chuồng riêng. Dolly có ba lần sinh nở với một con cừu đực giống Welsh Mountain (tên là David) và có tổng cộng sáu đứa con: Lần đầu sinh một con mang tên Bonnie vào năm 1998, sau đó là sinh đôi năm 1999 và sinh ba vào năm 2000.
Nhưng từ năm này, các nhà khoa học phát hiện các tế bào của Dolly bắt đầu suy thoái nhanh, triệu chứng của một con vật có tuổi. Ngoài chứng béo phì, Dolly mắc bệnh viêm khớp, bệnh phổi và nhiều chứng bệnh khác liên quan đến tuổi tác. Thấy không thể kéo dài sự sống của Dolly, Giáo sư Wilmut - cha đẻ của dự án - đã quyết định cho Dolly chết nhân đạo vào ngày 14/2/2003.
Cũng như khi sinh ra, cái chết của Dolly lúc mới 6 tuổi thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Thông thường một con cừu giống Finnish Dorset có vòng đời từ 12 đến 15 năm, tuy nhiên Dolly chỉ sống được đến 7 tuổi. Những nhà khoa học ở Roslin cho rằng không có mối liên quan giữa bệnh tật và việc Dolly là một con vật nhân bản. Tuy nhiên, một số người tin rằng tác nhân gây ra cái chết của Dolly là việc nó được sinh ra với bộ gine của một con cừu 6 tuổi, tương đương với tuổi của con cừu Finn Dorset khi được dùng để nhân bản. Điều này có nghĩa là khi mới sinh ra, cừu Dolly có tuổi thật là 6 tuổi về mặt gien. Cộng với 6 tuổi đời kể từ ngày sinh ra, có thể nói tuổi thật của cừu Dolly là 12 tuổi, đạt tuổi thọ trung bình của loài cừu. Cơ sở của ý kiến này là việc phát hiện ra rằng đoạn cuối ADN của Dolly rất ngắn, một điều được coi như kết quả của quá trình lão hóa.
Cơn ác mộng về “nhân bản người”
Giáo sư Ian Wilmut của Viện Khoa học Roslin tại Edinburg cho biết mục tiêu của công trình nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ mới phục vụ cho sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nhưng thực tế lại không đơn giản như mong muốn của nhóm nghiên cứu. Ngay sau khi được công bố, cừu Dolly đã thổi bùng lên những dự đoán “không tưởng đến đáng sợ” về tương lai của nhân loại.
Arthur Caplan, một chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Đạo đức Sinh học tại Đại học Pensylvania, cho rằng cừu Dolly “là một câu chuyện thực sự chấn động, một phiên bản đời thực của câu chuyện nhân bản nổi tiếng trong ‘Công viên Kỷ Jura’”. Các nhà khoa học như Caplan tin rằng thí nghiệm trên chứng tỏ họ có thể thực sự “hồi sinh” khủng long trong thời hiện đại mặc dù các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ khẳng định họ chỉ có thể nhân bản từ tế bào sống.
Nhưng hơn cả khủng long, khía cạnh đáng sợ nhưng cũng kích thích trí tò mò nhất mà kỳ tích của cừu Dolly mang tới là khả năng về “sản xuất con người”. Theo Patrick Dixon, một chuyên gia về công nghệ gien hiện đại, “Hầu hết mọi công nghệ ứng dụng được trên động vật có vú có thể sử dụng được trên con người. Công nghệ mới cho chúng ta cơ hội để tạo ra bản sao của người sống và thậm chí hồi sinh người chết sử dụng vật liệu đông lạnh”.
Tại sao người ta coi nhân bản người là “trái cấm”? Nhân bản vô tính là một quá trình vô cùng phức tạp, một thách thức đầy cám dỗ đối với những bộ óc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những thí nghiệm nhân bản vô tính có tỷ lệ rủi ro vô cùng lớn. Ở loài vật, chỉ khoảng 1% số cá thể nhân bản sống sót và thường có sức khỏe rất kém, bị ốm đau và chết sớm. Trong trường hợp của Dolly, từ 277 quả trứng thì chỉ có 29 phôi được tạo thành, trong đó chỉ có 3 con cừu được sinh ra và có duy nhất Dolly sống sót.
Nhiều con sinh ra với bất thường gien khiến việc cấy phôi vào tử cung trở nên khó khăn, dễ gây sẩy thai. Ngoài ra, quá trình cấy phôi vô tính có thể tạo ra nhau thai quá khổ, khiến máu khó lưu thông bình thường, bào thai khó phát triển. Việc để cho những tình huống này xảy ra với bào thai người là một điều đáng sợ, khó chấp nhận về mặt đạo đức. Hơn thế nữa, không ai có thể đảm bảo rằng người nhân bản vô tính sẽ không có khuyết tật lớn.
Trên quan điểm đạo đức, nhân bản vô tính biến tướng việc sinh sản của loài người thành một quá trình sản xuất sản phẩm; các bào thai bị đối xử như những vật liệu thô cho quá trình cung ứng vật liệu để phục vụ nghiên cứu y sinh học. Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng sẽ có những trường hợp lạm dụng công nghệ này.
Ngày Dolly chết, giáo sư Richard Gardner, Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia Anh đã tuyên bố: “Nếu việc Dolly chết non có liên quan tới công nghệ nhân bản, thì đây là bằng chứng cho thấy sự nguy hiểm tiềm tàng trong việc tạo bản sao người, và sự thiếu trách nhiệm của những ai đang ra sức mở rộng loại hình nghiên cứu này trên người”.
Kỳ cuối: Tiến vào thế giới hiện đại
This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at fivefilters.org/content-only/faq.php#publishers.
Recommended article from FiveFilters.org: Most Labour MPs in the UK Are Revolting.
Post a Comment