Năm 2008, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ kết luận “thực phẩm từ gia súc, lợn và dê nhân bản vô tính an toàn đối với người dùng tương đương như sản phẩm từ động vật thông thường”.
TIẾN VÀO THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
Từ những dự án tham vọng
Mới đây, công ty Boyalife Group của Trung Quốc tuyên bố xây dựng một nhà máy nhân bản vô tính động vật và trong tương lai có thể nhân bản người. Nhà máy này sẽ được xây ở thành phố Thiên Tân và dự kiến đi vào sản xuất từ giữa năm 2017. Mục tiêu của nhà máy là đến năm 2020 sẽ tạo ra hàng triệu con bò nhân bản vô tính cùng hàng loạt ngựa đua thuần chủng, thú cưng và chó nghiệp vụ bằng phương pháp này. Boyalife Group hợp tác với công ty Hàn Quốc Sooam và Học viện Khoa học Trung Quốc để nâng cao khả năng nhân bản vô tính các loài linh trưởng, dùng cho mục đích nghiên cứu.
Tuyên bố của Boyalife đã tạo ra cơn bão chỉ trích nặng nề và một lần nữa thổi bùng mối lo ngại xung quanh vấn đề nhân bản vô tính. Đặc biệt, khi Quỹ Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Sooam, đơn vị hợp tác với Boyalife, không phải là một cái tên xa lạ. Người sáng lập và đứng đầu công ty này là nhà khoa học Hwang Woo Suk - người từng tuyên bố đã nhân bản thành công phôi người đầu tiên trên thế giới trước khi bị lật tẩy và kết án về tội tham ô và vi phạm đạo đức sinh học do gian lận trong nghiên cứu.
Nhưng bất chấp vụ bê bối gây chấn động hàng đầu trong làng khoa học thế giới, trong hơn một thập kỷ qua, hoạt động kinh doanh của Sooam không ngừng “đơm hoa kết trái”. Công ty này cung cấp dịch vụ sinh sản vô tính thú nuôi, giúp những người chủ tìm được “sự thay thế hoàn hảo” cho những chú chó đã qua đời. Từ năm 2006, cơ sở này đã nhân bản gần 800 chú chó với mức giá “giật mình” lên đến 100.000 USD/lần. Không mấy ngạc nhiên khi khách hàng đến với Sooam chủ yếu là các thành viên hoàng tộc, người nổi tiếng và các tỷ phú.
Sau vụ ồn ào của ông Hwang Woo Suk, trung tâm này đã ngừng các hoạt động nghiên cứu tế bào gốc ở người sau nhiều lần không thể xin giấy phép từ chính phủ. Dù vậy, Sooam vẫn đang thúc đẩy hàng loạt các dự án tham vọng khác, đáng chú ý nhất trong số đó là chương trình nhân bản voi ma mút đã tuyệt chủng. Từ năm 2012, cơ sở này đã theo đuổi giấc mơ hồi sinh loài động vật cổ đại này từ các bộ phận cơ thể đóng băng tìm thấy tại Siberia.
Đến các sản phẩm đời thường
“Rời mắt” khỏi các dự án tham vọng ở tầm cao, hai thập kỷ sau cừu Dolly, các sản phẩm sinh sản vô tính đang ở gần với cuộc sống hàng ngày của con người hơn là chúng ta nghĩ.
Năm 2008, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ kết luận “thực phẩm từ gia súc, lợn và dê nhân bản vô tính an toàn đối với người dùng tương đương như sản phẩm từ động vật thông thường”. Theo cơ quan này, ngay cả các chuyên gia cũng không thể phân biệt hai loại sản phẩm và không bắt buộc phải dán nhãn thịt hay sữa từ động vật có nguồn gốc nhân bản vô tính cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu của Mỹ không phải để khuyến khích thành lập các dây chuyền sản xuất quy mô lớn vì nhân bản vô tính rất khó thực hiện và với chi phí đắt đỏ (11.000 USD/lần) mà tỷ lệ thành công lại rất thấp. Thay vào đó, tiềm năng của nhân bản vô tính tập trung vào việc tạo ra bản sao các chủng loài có gien ưu việt để chúng sinh sản ra lứa vật nuôi năng suất vượt trội. Những con vật này không được tạo ra để tham gia trực tiếp vào chuỗi cung cấp thực phẩm, tuy nhiên khả năng này không phải là không thể xảy ra.
Trong khi đó, tại châu Âu, nơi được cho là có quy định nghiêm ngặt nhất về nhân bản vô tính đối với gia cầm, sự phản đối gay gắt từ cộng đồng người tiêu dùng đối với các sản phẩm nhân bản vô tính đã buộc Liên minh châu Âu phải ra lệnh cấm hoạt động nghiên cứu này tại các trại chăn nuôi động vật. Nhưng giới chức EU thừa nhận rằng thịt hoặc sữa thu hoạch từ các con bò có tổ tiên là động vật nhân bản có khả năng đã “len lỏi” vào thị trường nội khối.
“Người dân châu Âu rất có thể đang tiêu thụ thịt từ những động vật là con của các sinh vật nhân bản vô tính mà hoàn toàn không hay biết”, bà Pauline Constant, người phát ngôn của Hiệp hội Người tiêu dùng thuộc Văn phòng châu Âu thừa nhận.
Chật vật trong ứng dụng y học
Mặc dù vẫn phát triển và được ứng dụng trong nhiều mặt của đời sống, nhưng nhân bản vô tính lại đang gặp khó khăn trong đáp ứng kỳ vọng mà nhóm dự án cừu Dolly đặt ra ban đầu: Phát triển công nghệ mới phục vụ cho y học và chăm sóc sức khỏe. Thực tế là cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa tìm được ứng dụng trực tiếp nào của nhân bản vô tính trong việc điều trị và chữa bệnh.
Một tiềm năng mà sinh sản vô tính mở ra là nhân bản tế bào gốc phôi, những tế bào nguyên thủy của phôi có khả năng phát triển thành bất cứ mô nào trong cơ thể. Nếu thành công, giới khoa học có thể tạo ra mô tái tạo thay thế cho các tế bào hay cơ quan bị bệnh tật hủy hoại. Vì những tế bào gốc này là phiên bản ADN của chính bệnh nhân, chúng sẽ không bị hệ miễn dịch đào thải.
Một triển vọng khác là phương pháp chuyển gien ty thể, cấy DNA của cha mẹ vào một trứng khỏe mạnh để tạo ra một phôi không bị di truyền các biến dạng gây hại từ người mẹ.
Nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi những phương pháp này có thể hoàn thiện để áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh. Ít ra, giới khoa học giờ tin rằng nhân bản người không có một tương lai sáng sủa. “Tôi cho rằng nhân bản người sẽ biến mất, sẽ chẳng mấy ai có nhu cầu”, chuyên gia Aaron Levine của Viện Công nghệ Georgia, Mỹ, khẳng định.
This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at fivefilters.org/content-only/faq.php#publishers.
Recommended article from FiveFilters.org: Most Labour MPs in the UK Are Revolting.
Post a Comment