Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Philippines ngày 12/7/2016 - Ảnh: Reuters.
Sau 3 năm kể từ khi Manila đâm đơn kiện Bắc Kinh, PCA cuối cùng đã công bố quyết định về vụ kiện Biển Đông. PCA nói rằng không có cơ sở pháp lý nào cho các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra đối với phần lớn diện tích của Biển Đông. Điều này đồng nghĩa với việc yêu sách “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị PCA thẳng thừng bác bỏ.
Trao đổi với hãng tin CNN, giáo sư luật Natalie Klein thuộc Trường Luật Macquarie (Australia), nhận định phán quyết này là một “thắng lợi mang tính quyết định” của Philippines.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy ở Sydney (Australia) nói, phán quyết này đã “phủ nhận lập trường của Trung Quốc rằng họ có các quyền lịch sử bên trong “đường chín đoạn”.
Tờ Wall Street Journal cũng nhận định, phán quyết của PCA là “một trở ngại nghiêm trọng” đối với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.
Phản ứng của Trung Quốc
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đã “nhảy dựng” sau khi phán quyết của PCA được đưa ra.
“Trung Quốc sẽ không chấp nhận hay công nhận phán quyết này. Đây là một phán quyết vô căn cứ và không có hiệu lực ràng buộc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói các lực lượng vũ trang của nước này sẽ bảo vệ chủ quyền và các quyền trên biển của đất nước. Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường mới đã chính thức nhận nhiệm vụ tại một căn cứ hải quân ở Hải Nam.
Trước khi phán quyết được PCA công bố, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc nói một máy bay dân sự Trung Quốc đã thực hiện thành công các cuộc kiểm tra về căn chỉnh tại hai sân bay mà nước này xây dựng trái phép ở đá Vành Khăn và đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Về phán quyết của PCA, ông Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc phàn nàn trên mạng xã hội Weibo: “Phán quyết này tồi tệ hết mức có thể. Đây là kịch bản tồi tệ nhất, cực đoan nhất trong số những kịch bản được đề ra”.
Tuy vậy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Với tư cách là một nước xây dựng trật tự quốc tế và một nước duy trì hòa bình trong khu vực, Trung Quốc sẽ giải quyết các tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình với các bên liên quan”.
Phản ứng của các nước khác
Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau phán quyết của PCA, Chính phủ Philippines, nguyên đơn của vụ kiện, nói nước này “khẳng định mạnh mẽ sự tôn trọng đối với quyết định mang tính cột mốc này với tư cách một đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông”.
“Nếu ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc là bất hợp pháp đối với Philippines, thì nó cũng bất hợp pháp như vậy đối với các nước khác [cũng có tranh chấp trên biển Đông], cũng như đối với toàn thể cộng đồng quốc tế”, các luật sư trong nhóm pháp lý của Chính phủ Philippines nói trong một tuyên bố.
Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ đồng thời là láng giềng của Trung Quốc, ra một tuyên bố nói Tokyo “rất kỳ vọng việc các bên tuân thủ phán quyết này sẽ dẫn đến giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông”.
Tương tự, Chính phủ Mỹ nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ thực thi các nghĩa vụ của mình và kiềm chế”.
“Phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc là một sự đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung về tìm ra ra giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên biển Đông”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói.
Là một bên tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông vào ngày 12/7/2016. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at fivefilters.org/content-only/faq.php#publishers.
Recommended article from FiveFilters.org: Most Labour MPs in the UK Are Revolting.
Post a Comment