6 tháng cuối năm Chính phủ sẽ hoàn thành dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi trình Quốc hội.
Phần đầu báo cáo, Chính phủ nhận định: cùng với việc tăng cường bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt.
Sau đó, báo cáo nêu một số con số đáng chú ý. Như, trong 6 tháng đầu năm 2016, có 5 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Hay, số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015 là 932.146 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn ngành thanh tra đã triển khai 3.302 cuộc thanh tra hành chính và 123.807 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.035 tỷ đồng, 2.828 ha đất; kiến nghị thu hồi 7.621 tỷ đồng và 824 ha đất (đã thu hồi 2.288 tỷ đồng, 423 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 4.414 tỷ đồng, 2.004 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 3.546 tỷ đồng.
Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân, ban hành 82.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 30 vụ, 45 đối tượng.
Cũng trong 6 tháng, cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 173 vụ án, 481 bị can phạm tội về tham nhũng.
Nêu xong kết quả, phần đánh giá chung, báo cáo viết: công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện thường xuyên và tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, đạt nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tuy nhiên "công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp".
Báo cáo cũng nêu rõ, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy hiệu quả thực tế. Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn chưa thực sự quan tâm thực hiện, còn hình thức. Hiệu quả một số cuộc thanh tra trách nhiệm chưa cao. Việc xử lý đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát hiện hành vi tham nhũng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng hiệu quả thấp. Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng không hợp lý, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Post a Comment