Nhiều ý kiến ủng hộ có chính sách đặc thù cho Đà Nẵng.
Sáng 11/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc phiên họp thứ 50, dự kiến diễn ra trong hai ngày.
Và ngay chiều ngày làm việc đầu tiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.
Tờ trình về nội dung này sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình, còn báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trình bày.
Cuối tháng 4/2016, tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành Uỷ Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh đã kiến nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch nước sớm có chỉ đạo để Chính phủ ban hành nghị định về một số cơ chế ưu đãi đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch nước ủng hộ có chính sách đặc thù để Đà Nẵng bứt phá đi lên.
Vẫn liên quan đến nội dung nói trên, theo Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã có buổi làm việc với các bộ, ngành và UBND thành phố Đà Nẵng về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng chủ trương cho phép nâng mức trần dư nợ huy động vốn của thành phố Đà Nẵng từ 30% lên mức 100% số thu ngân sách thành phố được hưởng và mức ưu đãi bổ sung có mục tiêu cho thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng giao là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho thành phố có thêm khả năng khai thác được nguồn vốn đầu tư nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cơ chế phân cấp quản lý về các lĩnh vực quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị cũng được đề xuất với cơ chế giao quyền tự chủ cho thành phố được quyết định một số vấn đề cụ thể trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và ý kiến thống nhất của các bộ ngành.
Bên cạnh nội dung nói trên, tại phiên họp thứ 50, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét nhiều vấn đề khác.
Như, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Hay, thảo luận dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2017.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 cũng là nội dung được xem xét tại phiên họp này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Post a Comment