Tôi đang sống trong những tháng ngày bình yên và bồi đắp cho cuộc sống mới của chính mình sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ tử cung cách đây hơn một năm ở tuổi 27. Đối với nhiều người, có lẽ câu chuyện này nên được giấu càng kín càng tốt để không bị cười chê, dị nghị và soi mói vào cuộc sống riêng tư. Ấy vậy mà tôi muốn phơi bày những gì mình trải qua với hy vọng sẽ giúp phần nào đó cho những người phụ nữ giống mình có chút an ủi, những người âm thầm lặng lẽ chịu đau đớn về mặt tinh thần và tủi hổ vì mình không làm tròn nghĩa vụ của người phụ nữ do xã hội đặt lên vai.
Tôi phát hiện ra mình bị u xơ tử cung cách đây 3 năm, khi đó còn là một cô sinh viên vừa ra trường, mới có việc làm, mơ ước xây dựng một gia đình nhỏ của mình. U xơ tử cung là u lành tính thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nhìn chung, đó là bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại gây khó khăn cho chuyện sinh nở. Tưởng đơn giản mà lại phức tạp hơn nhiều khi tôi biết rằng thể u xơ của mình là dạng ít gặp ở độ tuổi còn trẻ (đa nhân xơ), khiến tôi bị mất máu kéo dài triền miên dẫn đến suy kiệt sức khỏe. Dĩ nhiên lúc đó điều tôi lo sợ nhất đó là khả năng sinh con của mình và khó lấy chồng.
Sau một thời gian giấu kín, tôi cho bố mẹ và người yêu biết. Anh khi ấy ngay lập tức hoang mang và dần xa mặt cách lòng vì “cuộc sống của anh còn có gia đình, họ hàng...”. Bố mẹ thương con ốm yếu, nhưng phần nhiều các cụ lo nhất là chuyện khó sinh nở thì tôi không thể lấy được chồng tử tế. Sức khỏe và tinh thần suy sụp, chủ yếu vì con đường tương lai tôi vẽ ra đơn giản vậy mà sao khó thực hiện quá. Khi không nhận được sự đồng cảm từ những người gần gũi nhất, tôi tìm đến bạn bè để trút hết nỗi lòng và được đón nhận những lời an ủi khiến bản thân đau theo cách khác. Họ khuyên tôi có thể yêu một người đàn ông đã có con và ly dị vợ rồi, hoặc lấy Tây vì chắc người nước ngoài không quan trọng chuyện con cái đâu. Vậy đó, có nghĩa là sự lựa chọn bạn đời của tôi thật hạn chế và không được phép động đến lãnh thổ “trai tân”.
Những ngày đi khám, sự khởi đầu của hy vọng và tính nhẫn nại là điều đã cứu tôi trong những căn phòng khám vô sinh hiếm muộn chật ních người. Mỗi người mỗi cảnh, từ đây tôi biết được rằng vô sinh xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau: buồng trứng đa nang, xoắn ống dẫn trứng, hay vị trí của tử cung không thuận lợi cho đậu thai… Lý do thì muôn vàn nhưng tâm trạng của những người phụ nữ ngồi đây đều có một: Hy vọng. Có chị cầm tập hồ sơ chờ duyệt thụ tinh trên tay kể rằng: “Cố nốt lần này nữa thôi, nếu không được thì em cho chồng đi lấy vợ khác”. Nhiều người chị tuổi không còn trẻ nhưng khuôn mặt còn héo úa hơn số tuổi chị có, bởi có một cuộc chiến trong tâm can còn cam go hơn những buổi khám bệnh và thủ thuật dài đằng đẵng.
Là một người con gái trong một gia đình truyền thống, tôi luôn được nuôi dạy thành một người phụ nữ không chỉ có sự nghiệp mà còn biết quán xuyến công việc gia đình, biết sinh con và nuôi dạy con tốt. Vậy nên, như một con rô bốt được lập trình sẵn, cuộc sống của tôi sẽ mặc định mình phấn đấu trở thành người vợ đảm, mẹ hiền, đẻ con chẳng được vỗ tay khen hay mà đó là bổn phận. Khi lộ trình sai sót ở khâu lớn nhất: đẻ con, hẳn nhiên đó là lỗi của tôi vì cơ thể không đáp ứng được nhu cầu mong muốn của xã hội. Lắm lúc đọc báo hay nghe phong thanh hàng xóm cãi nhau “có mỗi việc đẻ thôi cũng làm không xong”, hoặc nghe mấy gã đàn ông ngồi trà đá rủ rỉ với nhau “hình như vợ thằng đấy tịt rồi”, tôi muốn ứa nước mắt, thương thay cho người phụ nữ được nhắc tới trong câu chuyện, rồi tự thấy tủi cho chính mình. Hóa ra giá trị của một người phụ nữ được đánh giá bằng cái phần phụ ấy thôi sao?
Quãng thời gian cố gắng cứu vãn chiếc tử cung đã xơ hóa trở nên nặng nề, bởi các khối u xơ của tôi ngày một phát triển giống như bào thai. Việc đi lại cũng khiến tôi đau bụng, kỳ kinh nguyệt tới thì thật kinh khủng khi máu ra ồ ạt và tôi luôn trong trạng thái mơ màng không tỉnh táo do mất máu nhiều. Khi sức khỏe khiến tôi không thể đáp ứng được công việc, hồng cầu chỉ bằng 1/3 người bình thường và chỉ cần 1-2 lần băng kinh nữa sẽ dẫn đến đột tử. Lúc đó, tôi chọn sự sống chứ không muốn cứu bộ phận sinh sản đã vô dụng kia nữa.
Hơn một năm trôi qua sau cuộc đại phẫu, tôi đã trở nên khỏe mạnh hơn và viết lại kế hoạch cho cuộc đời mình. Không chỉ nhìn nhận lại bản thân, tôi may mắn được gặp và lắng nghe từ những người phụ nữ bất hạnh và mạnh mẽ hơn mình rất nhiều. Tôi muốn chia sẻ một chút về câu chuyện của những người xung quanh do mẹ kể lại. Cô từng có một khởi đầu hôn nhân hạnh phúc với người chồng yêu mình. Khi phát hiện mình khó khăn trong sinh nở, cô tìm mọi cách làm thêm kiếm tiền để chữa bệnh. Song có lẽ chỉ cần lý do không sinh được con là quá đủ để mẹ chồng đuổi đánh cô ra khỏi nhà, ném quần áo xuống hố vôi và buộc con trai mình có bầu với người giúp việc. Giờ đây thì sao? Cô đang hạnh phúc với người chồng thứ hai và cô con gái nuôi đã trưởng thành. Cô xinh đẹp và ánh mắt rạng ngời niềm vui hơn ngày trở về nhà với hai bàn tay trắng. Nhưng cô không muốn chia sẻ điều này với tôi, đơn giản vì điều tiếng xã hội.
Bố tôi có bác bạn thân vào sinh ra tử ở chiến trường. Bác hiền lành, tốt bụng và có người vợ đảm đang. Tôi vẫn thầm ngưỡng mộ tình cảm của hai bác ở độ tuổi xế chiều mặc dù không con cái. Rồi một ngày, bố tôi nhận được cú điện thoại nức nở của bác gái, rằng bác trai có con riêng đã lớn và người phụ nữ ấy đến tận nhà đòi danh phận. Trong tình cảnh đó, lòng tôi chắc như đinh đóng cột rằng bác trai sẽ không bao giờ bỏ người vợ tào khang của mình chỉ vì sự phút giây lầm lỡ. Ấy mà không, bác trai đã ly dị bác gái vì muốn giữ đứa con. Thật đắng ngắt và xót xa cho người phụ nữ đã yêu thương người chồng bội bạc ấy và ở vậy cô đơn khi đã sống quá nửa đời người.
Hiện tại, tôi chuẩn bị cho đám cưới của mình với một người đàn ông chỉ hơn một tuổi. Anh là người đã nắm tay và không buông bỏ khi biết tôi đang chiến đấu với bệnh tật và chính bản thân mình. Một phần tôi quyết tâm cắt bỏ tử cung vì anh đã nói chỉ cần tôi thôi, còn đường con cái có nhiều cách khác. Tôi biết rằng để thay đổi quan niệm của xã hội về người phụ nữ thật khó biết bao. Trong môi trường và xã hội độc hại hiện nay, nhiều bệnh tật xuất hiện là điều không ai mong muốn. Song tôi luôn có niềm tin và nuôi hy vọng về xã hội tương lai sẽ có cái nhìn “con người” hơn với những phụ nữ như tôi, cho chúng tôi quyền quyết định cơ thể của mình và cởi mở hơn trong vấn đề hôn nhân gia đình.
Loan
Post a Comment