Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, chỉ số nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đang có xu hướng hồi phục trong những tháng gần đây, báo hiệu lĩnh vực sản xuất dệt may, giày dép có thể chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, với thông tin đáng chú ý là tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn mức 6,28% cùng kỳ.
Ủy ban cho biết, nguyên nhân GDP tăng chậm chủ yếu do sự suy giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và khai khoáng. Vốn đầu tư toàn xã hội vẫn đảm bảo 32,9% GDP, nhưng ngành nông nghiệp và khai khoáng có dấu hiệu suy giảm, tăng trưởng âm.
Cụ thể, nông nghiệp giảm 0,18% (cùng kỳ 2015 là 2,36%) và khai khoáng giảm 2,2% (cùng kỳ 2015 là 8,18%).
Suy giảm tăng trưởng của hai khu vực này khiến cho tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,8% so với mức tăng trưởng của cùng kỳ 2015.
Ngoài ra, GDP giảm tốc còn do lượng hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2015 tăng 13,4%).
Trong khi đó, chỉ số nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép có xu hướng hồi phục trong những tháng gần đây, báo hiệu lĩnh vực sản xuất dệt may, giày dép có thể chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chỉ số nhập khẩu máy móc thiết bị không cải thiện trong những tháng qua chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ chưa có sự cải thiện mạnh hơn trong quý 3 năm 2016.
Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 7,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 8,3% của năm 2015.
“Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2016 chưa có sự cải thiện mạnh mẽ. Nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,9% trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% so với cùng kỳ”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, xu thế tăng trưởng dài hạn vẫn tiếp tục được duy trì, nhờ vào những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Song, tăng trưởng ngắn hạn (chu kỳ kinh tế) vẫn đang trong giai đoạn suy giảm kể từ quý 3/2015 và chưa có dấu hiệu thoát đáy chu kỳ trong năm 2016, chủ yếu do chịu tác động của các yếu tố chu kỳ kinh tế và suy giảm về tổng cung.
“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016, cần có biện pháp hỗ trợ về tổng cầu để bù đắp sự suy giảm của tổng cung, nhất là việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 16-18% và mở rộng thị trường hàng xuất khẩu”, cơ quan này nhấn mạnh.
Post a Comment