Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Chế tài bầu cử sẽ chặt hơn
Một trong các câu hỏi là, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có hai quốc tịch từ khi còn đang là đại biểu Quốc hội khoá 13, vậy việc rà soát tiêu chuẩn đại biểu giữa kỳ như thế nào?
Và nếu đang là đại biểu Quốc hội mà có hai quốc tịch, thì xử lý ra sao?
“Theo Hiến pháp và luật pháp Việt Nam, đã là công dân Việt Nam chỉ được phép mang một quốc tịch thôi, còn kiều bào có thể có nhiều quốc tịch, khi vào Việt Nam thì kê khai quốc tịch nào thì được sử dụng quốc tịch đó. Còn anh đang sống và làm việc ở Việt Nam thì chỉ được mang một quốc tịch. Bà Hường tự động đăng ký một quốc tịch nữa thì là vi phạm. Quốc tịch này bà Hường mới đăng ký, chứ trước đây chưa có”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội trả lời.
“Sự việc ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được xác nhận tư cách đại biểu cho thấy một lỗ hổng lớn, vậy trách nhệm của các cơ quan liên quan là gì và khắc phục thế nào?”, ông Phúc nhận được câu hỏi khác.
Nhấn mạnh đây là “sự việc đáng tiếc”, ông Phúc nói, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận công khai và qua đó cho thấy ông Thanh không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, nên 100% thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đồng ý không xác nhận tư cách đại biểu của ông Thanh.
“Với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, là đại biểu tái cử, khoá thứ 3 trúng cử đại biểu, là doanh nhân thành đạt, nhưng đã vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam, cơ quan chức năng phát hiện đăng ký thêm một quốc tịch nữa ở nước ngoài, nên Hội đồng Bầu cử Quốc gia kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật”.
“Qua đây, khi sửa Luật Bầu cử, cần có chế tài chặt chẽ hơn nữa”, ông Phúc trả lời.
Một phóng viên khác đề nghị ông Phúc bình luận trước ý kiến cho rằng cần xem xét chất lượng đại biểu doanh nhân, khi trước đó Quốc hội khoá 13 cũng đã có hai doanh nhân là đại biểu bị bãi nhiệm.
Theo ông Phúc thì đây chỉ là ngẫu nhiên. “Quốc hội là của nhân dân, đại biểu là của nhân dân, khi ứng cử phải trung thực chứ không phải vào Quốc hội để tránh cái này cái kia, thì điều đó rất sai lầm, rất đáng tiếc”, ông nói.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, trách nhiệm liên quan đến sai sót của Bộ luật Hình sự cũng được đặt ra tại cuộc họp báo.
Ông Phúc cho biết, đây là việc rất đáng tiếc, khi bộ luật chưa có hiệu lực đã phải dừng lại và xem xét để sửa hơn 90 điều. Các đại biểu sẵn sàng nhận trách nhiệm, Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận trách nhiệm về điều này và tới đây sẽ xem xét trách nhiệm công minh, không né tránh gì cả.
Về công tác nhân sự, ông Phúc cho biết hồ sơ nhân sự sẽ được cung cấp nhiều hơn để đại biểu có điều kiện nghiên cứu kỹ hồ sơ, dành thời gian thoả đáng để các đoàn đại biểu nghiên cứu thảo luận. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến và giải trình thấu đáo.
Với lễ tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, theo ông Phúc về cơ bản vẫn như trước. Song để đảm bảo tính trang nghiêm, thì khi tuyên thệ thì sẽ mời tất cả đại biểu đứng lên, không quay phim chụp ảnh, mà đứng nghiêm như chào cờ.
Kỳ họp “đặc biệt quan trọng”
Tại cuộc họp báo, giới thiệu về chương trình kỳ họp, ông Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp sẽ khai mạc ngày 20/7 và bế mạc ngày 29/7/2016.
Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng, Quốc hội sẽ dành 6/8 ngày làm việc để xem xét quyết định về nhân sự cao cấp của Nhà nước, hai ngày còn lại xem xét những vấn đề quan trọng khác.
Về nhân sự, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, phê chuẩn các thành viên khác của Chính phủ…
Cũng liên quan đến nội dung kỳ họp, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị báo cáo Quốc hội về vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông,
“Nhưng đây là việc quá mới, nên để đảm bảo chuẩn bị kỹ thì sẽ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ hai”, ông Phúc cho biết.
Post a Comment