Tôi là phụ nữ đã có gia đình, con gái 10 tuổi, là tác giả bài viết “Có con là mong muốn ích kỷ nhất của con người”. Đọc các chủ đề về việc sinh con thời gian gần đây, tôi muốn viết thêm một bài. Tôi có vài câu hỏi đáp vui như sau:

Khi quyết định sinh con, các bạn đã suy nghĩ thấu đáo về vận mệnh của chủng loài, tồn vong của dân tộc, vì màu xanh của trái đất thân yêu? Các bạn thật vĩ đại! Một nghiên cứu với tiêu đề thực phẩm, đất đai, dân số và kinh tế Mỹ cho biết để có được một nền kinh tế bền vững và tránh thảm họa, phù hợp với “khả năng chống đỡ của trái đất” thì nước họ ít nhất phải giảm 1/3 dân số, và dân số thế giới sẽ phải giảm đi 2/3. Nghiên cứu khác ở đại học London cho biết con người đang đông gấp 10 nghìn lần so với số lượng đáng ra phải có. Đây là sự phát triển không cân xứng giữa dân số và các nguồn tài nguyên tối cần thiết cho sự sống.

Không sinh con là đi ngược lại với quy luật tự nhiên? Các bạn biết về triết học biện chứng? Biết về quy luật phản phục của giới tự nhiên? Biện chứng là quy luật tồn tại của các mặt đối lập, “có và không” đối lập không phải để triệt tiêu mà để tương sinh lẫn nhau. Quy luật phản phục là quy luật trở về gốc, là những quá trình lặp đi lặp lại một cách tuần hoàn trong vũ trụ, lên rồi xuống, trăng tròn rồi khuyết, xuân hạ thu đông… Vậy nên có người sinh con thì sẽ có người không con. Chẳng có thứ gì phát triển một cách vô hạn, bất biến cả, đến đỉnh điểm nó sẽ bão hòa và suy thoái. Những thập kỷ qua dân số thế giới gần như tăng đến mức tới hạn và nay đến lúc nó giảm dần về số lượng là điều hoàn toàn thuận với tự nhiên. Con người đã và đang là nguyên nhân của đại tuyệt chủng thứ 6 (gây biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái, mất đa dạng sinh học…); nếu tự nhiên mượn tay con người để tiếp tục tiến trình "Thử" và "Sai", để tái thiết lại trật tự thế giới mới, thậm chí con người có tuyệt chủng thì cũng là điều hoàn toàn “tự nhiên”.

Còn mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội hiện nay thì sao? Từ Âu sang Á mỗi nơi rối loạn mỗi kiểu, nhu cầu an toàn (tâm lý, thể chất) trong xã hội hiện nay khó mà đạt được. Vậy dựa vào đâu các bạn nghĩ con cái sẽ như mình kỳ vọng nếu mình muốn và cố gắng? Các bạn có thể thâu tóm vận mệnh thời cuộc, bảo vệ gia đình bằng niềm tin? Vậy nên nếu không sinh con vì những lý do trên cũng là hoàn toàn hợp lý về mặt xã hội.

Không lập gia đình và sinh con, các bạn sẽ làm gì với cuộc đời mình? Đã, đang và sẽ có rất nhiều cuộc đời vô nghĩa đấy. Nếu cả hai phe đều hối hận về lựa chọn của mình trước khi chết thì phe nào thiệt hại, khốn khổ hơn, rối hơn, chết không nhắm mắt?

Mục đích tối hậu của hôn nhân là có con? Các bạn tự tin vào sự gắn kết từ tâm hồn đến thể xác của mình với đối phương? Nếu không có sự gắn kết thật sự của hai tâm hồn thì con cái cũng không giúp được, thậm chí nó khoét sâu, bẻ gãy mối liên kết lỏng lẻo ấy. Nếu chồng/vợ không yêu các bạn nữa, vì con cái mà duy trì hôn nhân với các bạn đó là thành công rực rỡ hay sao?

Chưa làm mẹ chưa cảm nhận được cái hạnh phúc ấy? Các bạn biết có bao nhiêu người hối hận vì có con chưa? Quá ít người có can đảm thừa nhận thất bại, nhưng làm sao có thể dối trá với chính mình được. Thế các bạn có biết cảm giác hạnh phúc của tự do, hạn chế tối đa sự ràng buộc của người luôn làm chủ cuộc sống chưa?

Các bạn biết gì về tâm bệnh học mà nói người không muốn sinh con là lệch lạc, bệnh hoạn? Con người ai cũng có “bệnh”, chỉ là nặng hay nhẹ, kiểm soát được hay không, có thể chung sống hòa bình với nó hay không mà thôi. Các bạn tự sướng rằng mình có tâm trí lành mạnh sao?

Không có con là bất hiếu. Thế có hiếu là sinh con sao? Hay càng sinh nhiều con thì càng có hiếu? Thế thì quá nhiều người có hiếu. Mình quyết định có con vì niềm vui, an toàn của bản thân thì đừng lôi cha mẹ, xã hội, nhân loại vào để tăng thêm phần giá trị cho sự lựa chọn đó.

Một bài viết không thể phản biện lại tất cả, tôi túm lại thế này: Trên đời ngoài cái chết ra chẳng có gì chắc chắn cả, vậy nên nếu đã chọn con đường cho riêng mình, lên kế hoạch cho những điều tồi tệ nhất, chuẩn bị tâm thế đương đầu, chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó thì chẳng ai có tư cách lên tiếng bình luận. Triết gia Kristnamuti nói: “Tất cả những tầm cầu tưởng chừng như rất đạo đức của con người chẳng qua đều là biến hiện của một tâm thức thèm khát thành tích, mong chờ ân sủng, tìm kiếm sự an toàn và tiện nghi nội tâm. Tất cả những thứ đó đều là biểu hiện của một cái tôi ranh mãnh đang chờ... Một nửa mẩu bánh mì thì vẫn còn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật và không có con đường nào dẫn đến sự thật cả”.

Trâm

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top