Mối nghi ngờ về phong độ phòng the của một trong những vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Ma-rốc tồn tại trong hàng trăm năm qua rốt cục cũng đã được làm sáng tỏ nhờ một nghiên cứu.
Là một đất nước nhỏ bé nằm ở phía Bắc châu Phi xa xôi, cái tên Ma-rốc dường như khá lạ lẫm với rất nhiều người. Ít ai biết rằng, quốc gia này từng trải qua một thời kỳ oanh liệt đầy đẫm máu dưới thời cai trị của một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử: Sultan Moulay Ismail. Trong 55 năm ngồi trên ngai vàng, ông đã gây dựng cho mình một thân thế lừng lẫy nhờ những chiến tích khét tiếng cả trên chiến trường lẫn tình trường.
Sinh năm 1645, những tưởng Moulay Ismail sẽ an phận suốt đời là một vị vương gia khi ngôi báu đã được truyền cho người anh trai cùng cha khác mẹ là thái tử Moulay Al-Rashid. Nhưng bất ngờ, vị vua trẻ tuổi mới lên ngôi được ít năm bất ngờ qua đời vì một lý do lãng xẹt: Ngã chết khi cưỡi ngựa đi săn. Vậy là, Moulay Ismail trở thành người kế vị ngai vàng ở độ tuổi 27.
Ngay sau khi tiếp quản quyền lực, ông đã lập tức tiến hành một chiến dịch đàn áp đẫm máu nhằm vào các đối thủ chính trị và cả những công thần đang lộng quyền. Lúc này, đất nước Ma-rốc phong kiến đang lún sâu vào các cuộc nội chiến liên miên giữa các bộ lạc và sự cát cứ của các lãnh chúa địa phương. Hầu hết các nhà sử học đều phải công nhận, việc chấn hưng đất nước bằng bàn tay sắt của Moulay Ismail là điều cần thiết cho đại cuộc vào thời điểm đó. Chỉ trong vòng một năm, tân vương đã chứng tỏ được năng lực của mình khi vãn hồi trật tự, kỷ cương phép nước được thiết lập trên toàn cõi Ma-rốc, với sự tập trung quyền lực tuyệt đối về tay nhà vua và triều đình trung ương. Chỉ có điều, đã có quá nhiều đổ máu. Theo sử sách ghi lại, ông đã cho bêu đầu từ 400 đến 1.000 thủ lĩnh các bộ lạc và đối thủ không tuân phục mình.
Trong những năm trị vì tiếp theo, ước tính có khoảng 32.000 người đã chết dưới tay của ông vua khát máu này. Khi cho rời kinh đô từ thành cổ Fez đến tòa thành mới xây dựng Meknes, để “nắn gân” kẻ thù, ông còn ra lệnh trang trí các bức tường thành bằng … 10.000 đầu lâu của những kẻ phản loạn từng chết dưới tay mình. Dù vậy, Sultan Ismail cũng được sử sách nước này cũng như các nước láng giềng ca ngợi như một vị vua anh dũng khi thường xuyên đích thân cầm quân chiến đấu chống lại sự xâm lược của đế chế Ottoman hùng mạnh vào các năm 1679, 1682 và 1695-1696. Vị thế của vương quốc Ma-rốc dưới thời của ông được nâng cao, trở thành một thế lực đáng gờm trong khu vực.
Kỷ lục phòng the vô tiền khoáng hậu
Ngoài việc nổi tiếng tàn bạo, tên tuổi của Sultan Moulay Ismail còn gắn liền với giai thoại về khả năng giường chiếu siêu hạng không ai bì kịp. Dẫu đã được Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness chính thức công nhận là người có nhiều con nhất trên thế giới với tổng cộng 888 hoàng tử và công chúa, nhưng từ nhiều thế kỷ nay, nhiều người vẫn không thể tin vào kỷ lục này của ông. Bởi để có thể sinh được cả một “binh đoàn con” đông đảo nhường ấy, không những bản thân ông phải có khả năng “truyền giống” siêu phàm mà các bà vợ của Sultan cũng đồng thời là những chiếc “máy đẻ” siêu năng suất. Cả hai yếu tố này đều khó có thể đạt được do giới hạn sinh học của con người.
Tổ chức Guinness đầy danh giá vì thế cũng phải đối mặt với nghi án đã “đếm nhầm” trong hàng trăm năm qua. Chỉ đến khi các nhà khoa học vào cuộc tính toán, mối nghi ngờ bấy lâu của Guinness mới được làm rõ: Đúng là tổ chức này đã đếm nhầm, nhưng là ... đếm thiếu. Sự thực còn “khủng khiếp” hơn nhiều: Sultan Moulay Ismail đã có tới 1.171 người con, chứ không phải 888 người. Và để đạt được con số khó tin đó, trung bình ông phải “gieo giống” mỗi ngày ít nhất một lần trong ròng rã 32 năm liên tục, với khoảng 500 bà vợ.
Con số 1.171 được nhóm các nhà sử học thuộc đại học Vienna (Áo) công bố dựa trên tài liệu của nhà ngoại giao người Pháp Dominique Busnot, người từng là sứ thần Pháp tại Ma-rốc vào năm 1704. Cũng theo mô tả của Dominique Busnot thì vị vua này chỉ có … 4 bà vợ chính thức và 500 cung tần mỹ nữ trong hậu cung, một con số khá khiêm tốn nếu so với các vị vua khác cùng hoàn cảnh lịch sử.
Từ các dữ liệu này, các nhà khoa học đã tính toán được rằng, để có thể sinh được hơn một nghìn đứa con, ông đã phải quan hệ tình dục với tần suất ít nhất 1 lần/ngày. Nhưng không phải tất cả 504 bà vợ và thê thiếp đều sinh con cho ông. Theo sử sách để lại, 1.171 đứa con này chỉ do từ 65 đến 110 bà vợ sinh ra, vì thế, tần suất “gieo giống” cho mỗi bà còn phải lớn hơn nhiều. “Đáng sợ” hơn, các tính toán chỉ ra rằng, Sultan Moulay Ismail cần tới 11.700 ngày “làm việc”, tương ứng với… 32 năm liên tiếp mới có thể lập được kỷ lục chưa từng có trong lịch sử loài người này. Còn nếu theo con số so Guinness đếm thiếu, tức là 888 đứa con, ông sẽ phải “lao động” ít hơn, mỗi ngày ít nhất một lần trong khoảng … 28 năm.
Những con số này được xác định bằng phương pháp tính toán khoa học, dựa trên các tài liệu có tính chính thống, độ tin cậy cao khiến không ai còn có thể nghi ngờ về độ chính xác của chúng. Nhưng dù rõ ràng như vậy, chúng cũng vẫn rất khó có thể khiến người khác lập tức tin tưởng, đơn giản vì … quá khủng khiếp.
Phát biểu trên tờ Livescience, tiến sĩ Elisabeth Oberzaucher, trưởng nhóm nghiên cứu, cũng phải thừa nhận chính ông và các cộng sự cũng phải kinh ngạc về các kết quả tính toán này. Làm sao một người đàn ông có thể quan hệ tình dục mỗi ngày một lần liên tục trong 32 năm liền? Rồi còn thọ đến tận 85 tuổi, trong đó có 55 năm trị vì đất nước ? Đây đang là bí ẩn đặt ra cho các nhà khoa học khác tìm câu trả lời.
Một số giải thích ban đầu cho rằng, Sultan Moulay Ismail vốn có một thể trạng cực kỳ sung mãn, và tinh trùng của ông rất khỏe nên chỉ cần “gặp gỡ” bà nào một lần là bà đó có bầu ngay tắp lự. Thân phận của một vị vua cũng khiến ông được tẩm bổ đủ loại thức ăn vị thuốc giúp “chuyện ấy” vô địch thiên hạ. Bằng chứng là ông vua của một nước châu Phi nhỏ bé này còn cả gan cử sứ thần sang tận Pháp để hỏi cưới công chúa nước này về làm … thê thiếp. Tất nhiên, lời cầu hôn hỗn hào này đã bị từ chối, nhưng qua đó, có thể đánh giá độ tự tin của ông về khả năng “làm chuyện ấy” của mình.
Có một thực tế rằng, tại Ma-rốc ngày nay, khi muốn khoe khoang về năng lực “đàn ông” của mình, cánh mày râu nước này đều tự ví mình khỏe như … Sultan Moulay Ismail.
Một số bài thuốc dân gian chuyên về cường dương cũng được quảng cáo gắn liền với tên tuổi của ông. Một khi tồn tại và lưu truyền được qua hàng trăm năm như vậy, thì “công phu” của vị vua này chắc hẳn không phải là “hư truyền”. Chỉ có điều, làm sao để đạt được đến những con số khó tin ấy, thì giới khoa học hiện đại vẫn còn đang đi tìm câu trả lời.
Post a Comment