Mùa đông năm 1946. Khi ấy, một nước Việt Nam mới đã bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ nền độc lập của mình. Cũng mùa đông năm ấy, ngoài biển khơi, quân đội Trung Hoa bắt đầu ra tay.
Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) – nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974
Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) – nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974
Họ, với tư cách phe đồng minh thắng cuộc, đã đưa một hạm đội hải quân xuống vùng biển phía nam, vạch đường lưỡi bò 11 đoạn và tuyên bố thuộc Trung Hoa.
Họ khảo sát, tiêu hủy tất cả công trình, miếu mộ, dấu vết của Việt Nam, Pháp, Nhật. Họ đặt tên 4 đảo lớn nhất Hoàng Sa – Trường Sa bằng tên 4 chiến hạm.
Một cuộc xâm lăng không tiếng súng, mượn cớ giải giáp quân Nhật
Rồi thời thế đổi thay.
Quân Tưởng Giới Thạch bị hồng quân Trung Quốc đánh dạt ra khỏi đại lục và phải rút sang Đài Loan.
Thời thế đổi thay, nhưng tham vọng độc chiếm Biển Đông không thay đổi.
Năm 1956, quân đội Trung Quốc đưa quân từ Hải Nam xâm chiếm đảo Phú Lâm và các đảo phía đông Hoàng Sa. Ba năm sau, họ tiếp tục đổ bộ xâm nhập các đảo phía tây, nhưng bị hải quân và thủy quân lục chiến VNCH tăng viện quét sạch….
Sang năm 1974, mọi chuyện đã khác.
Mỹ bắt tay Trung Quốc bằng những thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Thượng Hải 1972. Rồi người Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam bằng Hiệp định Paris 1973.
Quân đội Trung Quốc chớp thời cơ và quyết định cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực.
Trận hải chiến đầu tiên của hải quân Việt Nam Cộng hòa ngày 19-1-1974 đã không giành được thắng lợi. Hơn 70 người lính hi sinh. Có một đám tang lớn giữa Sài Gòn, ngày 27 Tết năm Quý Sửu.
Ngày ấy mãi mãi đi vào lịch sử Việt Nam như một trang đau thương, khi một phần đất tổ tiên gìn giữ bao đời phải rời đất mẹ.
Đã 43 năm trôi qua…
Chúng ta không coi ngày 19-1 như ngày mất Hoàng Sa. Những hòn đảo thân thương, được gìn giữ bao đời bởi những chàng trai Lý Sơn và đất Quảng dũng cảm, mãi mãi là máu thịt Việt Nam.
Đã 43 năm tưởng nhớ Hoàng Sa, mỗi khi Tết đến…
BÙI THANH / TTO
Post a Comment