Tôi sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, nhà chỉ có mẹ nuôi 4 anh em. Tôi là con gái út nên được học cao nhất và có bằng đại học. Ra trường, tôi không thể kiếm được việc làm, đang lúc không biết hướng đi thì gặp anh, là chồng tôi bây giờ. Chúng tôi yêu nhau, có bầu rồi cưới. Hoàn cảnh gia đình chồng cũng giống như gia đình tôi, trong nhà chỉ còn mẹ anh, các em anh đã lập gia đình và ở riêng hết. Cưới xong, tôi cùng chồng sinh sống trên thành phố. Anh đi làm còn tôi ở nhà dưỡng thai. Trong thời gian bầu bì, ngoài giờ làm chồng cũng rất nhiệt tình chăm sóc tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Vì gia đình bên ngoại không có điều kiện chăm sóc nên trước khi sinh một tháng chồng bắt tôi về quê nội để sinh đẻ, còn chồng vẫn ở thành phố làm việc. Tôi có cãi chồng vì muốn được sinh ở thành phố, anh bảo ở đây không có ai phụ giúp. Gia đình hai bên nội ngoại đều neo người nên không thể ra thành phố giúp đỡ, vì thế tôi mới phải về quê nội, nơi đó có anh em họ hàng xa gần nhiều, có thể đỡ đần được.
Tôi nghe chồng về quê chuẩn bị sinh. Thường ngày vì bầu bì mệt mỏi nên tôi chỉ ăn rồi nằm trong phòng, mẹ chồng lo cơm nước, giặt giũ, đến giờ cơm bà gõ cửa phòng gọi ra ăn cơm. Tắm xong quần áo tôi để lại thì sáng mẹ chồng đã giặt. Lúc đó tôi cũng cảm thấy yên ấm dù đôi lúc tủi thân vì một mình ở với toàn người xa lạ, thiếu chồng bên cạnh. Lúc tôi sinh, chồng tôi về và ở bên cạnh hai mẹ con 10 ngày. Hàng ngày mẹ chồng vẫn cơm nước và bê vào tận giường cho tôi, ăn xong bà dọn. Quần áo tôi và con mẹ chồng cũng giặt hết. Sau 10 ngày, chồng tôi lại lên thành phố đi làm, tôi ở nhà với mẹ chồng và các cháu (ngoài chăm sóc mẹ con tôi thì mẹ chồng còn phải chăm sóc 3 đứa cháu con của 2 người em gái chồng). Vì đẻ thường nên phải chích, rạch sau khi sinh, tôi rất đau. Có một đêm tôi đau quá, lại mất ngủ nên có gọi điện đòi chồng về chăm con và sau đó tôi bỏ con chưa đầy một tháng tuổi lại cho mẹ chồng trông rồi chạy lên phòng khác ngủ đến sáng.
Chồng tôi rất yêu con, cứ 2 tuần thì về quê một lần (vì quê tôi lên thành phố 300 km). Về nhà chồng tôi bế, ẵm con cho tôi có dịp ngủ, con đái ị chồng lo hết. Khi con được gần 2 tháng, mẹ chồng đổ bệnh không thể đi đứng được nên không phụ giúp được việc giặt giũ, còn việc phụ bế con tôi bà vẫn hỗ trợ mặc dù rất đau. Vì họ hàng thương mẹ chồng tôi nên vào nhà tôi có nói ra nói vào, cố tình để tôi nghe rằng hết cữ rồi thì tranh thủ làm việc nhà chứ sao cứ ỉ lại mẹ chồng. Tôi bắt đầu có ác cảm với gia đình chồng từ đó.
Trong một lần hai vợ chồng cãi vã, tôi gọi điện về cho mẹ đẻ ngay trước mặt mẹ chồng và bảo với mẹ đẻ rằng ở đây người ta bắt tôi làm, không cho tôi ngủ. Mẹ chồng bắt đầu phản ứng: "Mẹ chưa nói thôi, giờ con nói gia đình mẹ không cho con ngủ, bắt con làm nhiều việc thì mẹ nói luôn không có người nào như con. Con bỏ đứa con mình sinh ra chưa đầy một tháng tuổi để kiếm chỗ khác ngủ, rồi sáng sớm mẹ gọi dậy cho con bú thì mới xuống ôm con bé". Trước những câu nói này của mẹ chồng, tôi vô cùng căm phẫn.
Sau khi được 2 tháng, chồng đưa mẹ con tôi về lại thành phố để sinh sống. Mặc dù hai vợ chồng chăm con nhưng tôi thấy rất thoải mái. Con ngủ tôi có thể lướt web, xem phim, đến giờ nấu cơm chờ chồng về ăn. Khi con được 3 tháng, mẹ chồng ốm nặng phải đi viện phẫu thuật. Vì sợ chăm sóc con một mình không nổi nên tôi không cho chồng về chăm mẹ trong lúc mổ, tuy nhiên anh vẫn quyết về. Đêm hôm mẹ chồng mổ, con khóc quá, tôi gọi điện đòi chồng về trông con (khoảng cách 300 km) nhưng chồng bảo tôi nên cố gắng giúp đỡ anh một vài ngày để chờ kết quả bà nội mổ. Tôi lúc đó rất ức chế và nhắn tin bảo với chồng rằng: Mẹ con tôi vô phúc mới có một người cha người chồng như anh. Chúng tôi cãi cự qua lại bằng tin nhắn. Mẹ chồng mổ nằm đó tôi cũng không thèm hỏi han luôn.
Giờ con đã được một tuổi, tôi rất căm phẫn gia đình và họ hàng chồng. Những lúc căng thẳng, cãi cọ với chồng thì anh im lặng nhưng sau đó nhắn tin qua lại xin lỗi hết người này đến người khác ở bên nội khi tôi đụng chạm đến họ. Khi đã không sống được với gia đình như thế thì tôi có nên chia tay chồng không?Mong mọi người cho ý kiến. Chân thành cảm ơn.
Vân
Post a Comment