Tôi 40 tuổi, gia đình gốc Bắc nhưng định cư ở Sài Gòn từ năm 1980, còn gia đình chồng vẫn ở ngoài Bắc. Sau khi lập gia đình, chúng tôi sinh sống ở Hà Nội vì công việc của cả hai đều ở ngoài ấy. Quan niệm của tôi về Tết cổ truyền: Tết là dịp để mọi người được vui chơi giải trí, sum vầy, hưởng thụ những niềm vui lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Là phụ nữ và gia cảnh cũng không phải dư dật, khấm khá, tôi rất hiểu mặt trái của ngày Tết là những lo toan, bận rộn, tốn kém và mệt mỏi trút lên vai người phụ nữ. Thế nhưng đó không phải là lỗi của Tết, đó là lỗi của mỗi chúng ta, do chúng ta không thu vén, sắp xếp và điều hành tốt cuộc sống của cá nhân, của gia đình thì đúng hơn.
Với bản thân tôi, Tết luôn là những kỷ niệm vui tươi và đáng nhớ. Khi còn nhỏ, gia đình tôi khá nghèo, cha mẹ luôn phải làm lụng vất vả để kiếm sống. Thế nhưng mẹ tôi bao giờ cũng thu vén dành dụm một món tiền để tiêu Tết, để đây luôn là dịp vui nhất năm. Dù nghèo, chúng tôi vẫn háo hức mong Tết đến, rồi cả nhà chung tay chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ đạc... Tết bắt đầu vui từ ngày mẹ sửa soạn cúng ông Công ông Táo cho đến tận ngày rằm tháng Giêng. Tôi nhớ mãi mùi thơm của những bông cúc vạn thọ mẹ thường mua để cắm trên bàn thờ. Dù nghèo, năm nào mẹ cũng cố mua vài chậu hoa bình dân. Sau này gia đình dần khá giả hơn, đã có của ăn của để, chúng tôi vẫn giữ được tình yêu với ngày Tết, giữ được những nề nếp chuẩn bị Tết của gia đình, cả nhà cùng sum vầy trong mâm cơm cúng 30, thức đón giao thừa cùng với chương trình tivi rộn ràng, đi lễ chùa ngày đầu năm, rồi mùng 3 cùng nhau cúng hóa vàng. Tất nhiên cũng không thể thiếu những phong bì đỏ để lì xì cho con cháu và người già.
Năm đầu tiên đi lấy chồng, tôi sốc nặng. 29 Tết mới được nghỉ nên chúng tôi sấp ngửa lo dọn dẹp rồi lái xe về quê. Mẹ chồng bảo không cần sắm gì cả, mẹ đã lo hết rồi, chúng tôi chỉ mang về ít quà bánh. Thế nên tôi hết sức ngạc nhiên khi về đến nhà bố mẹ chồng, bởi trong nhà đúng thật là không có gì để đón Tết cả: không hoa lá, không bánh trái, không bánh chưng, cũng không gà qué, rau quả. Sáng 30 Tết, mẹ chồng bảo tôi đi cùng ra chợ, chỉ mua đúng 2 chiếc bánh chưng, một bó hoa, một con gà và ít rau củ nữa là xong việc mua sắm. Bữa cơm chiều 30 Tết cũng chỉ hơn bữa cơm ngày thường là có món bánh chưng và đĩa thịt gà luộc, cũng chẳng ai thức đón giao thừa. 10 giờ đêm, cả nhà tắt tivi lên giường đi ngủ.
Trong cái rét buốt của đêm đông, không đèn đóm, tôi nằm co ro lắng nghe những âm thanh rộn ràng từ nhà hàng xóm, lòng nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cái Tết ở nhà mình da diết, nước mắt tôi cứ thế trào ra không sao ngăn được. Sáng mùng một Tết, cả nhà lục đục thức dậy, ăn bữa sáng bằng mấy miếng bánh chưng và gà luộc còn thừa lại từ hôm qua, tôi đã tự nhủ rằng đây sẽ là cái Tết đầu tiên và cũng là cái Tết cuối cùng mình chấp nhận kiểu nhạt nhẽo, vô vị và vô duyên như thế này. Tôi sẽ thay đổi nó, hoặc là từ bỏ nó mãi mãi.
Nói là làm, Tết sau đó, tôi không phải về quê ăn Tết với bố mẹ chồng nữa vì đang mang bầu, chúng tôi ở lại Hà Nội. Dù chồng tôi không hưởng ứng (anh ấy đã quen với lối ăn Tết nghèo nàn, nhạt nhẽo của nhà mình) nhưng tôi vẫn thực hành những nghi thức Tết như mẹ đã làm bao năm qua. Tôi rủ chồng đi mua sắm Tết, bày biện bàn thờ, thức đón giao thừa và chuẩn bị các mâm cỗ cúng thật tươm tất. Chồng bảo bày vẽ làm gì cho khổ thân, nhưng khi được tận mắt thấy nhà cửa đẹp đẽ, sáng bừng lên màu của các loài hoa, mâm cỗ thơm lừng, món ăn ngon miệng, chồng bảo chưa bao giờ ăn cái Tết to như vậy. Đấy cũng là năm đầu tiên chồng tôi thấy vui khi đi thăm họ hàng, mừng tuổi cho các cháu nhỏ, rủ bạn bè đồng nghiệp đến ăn bữa cơm đầu năm.
Giờ tôi đã có hai con đang học cấp 2, bố mẹ chồng đã ra Hà Nội ở cùng chúng tôi, ông bà giờ quen với nếp sống và cách đón Tết của gia đình tôi. Phải nói là tôi rất biết ơn mẹ đẻ, người đã dạy cho tôi cách hưởng thụ ngày Tết. Mẹ gần 80 tuổi nhưng năm nào cũng vui vẻ đón Tết, tổ chức rất chu đáo như bà từng làm suốt 70 năm qua. Còn tôi, dù đã 40 tuổi nhưng vẫn thấy Tết là những ngày vui và có ý nghĩa nhất trong năm, dù rằng số tiền gia đình bỏ ra để tiêu Tết không phải ít, cũng thừa để cả nhà đi du lịch nước ngoài. Tôi sẽ không chọn cách trốn Tết, vì như thế chẳng khác nào ta từ chối món quà vô giá mà thiên nhiên và tổ tiên đã trao tặng. Tôi chấp nhận những sự phiền hà, tốn kém, vất vả ngày Tết, đổi lại con tôi được thưởng thức và hưởng thụ Tết, hòa mình vào không khí vui cùng bao người. Tôi rất vui khi con hào hứng chờ mong Tết, nói về cái Tết như những kỷ niệm đẹp và tôi tin sau này khi trưởng thành, con sẽ cố gắng duy trì những ngày này theo cách thức mà mẹ và bà ngoại từng làm. Tôi gọi đó là truyền thống gia đình.
Thực ra, tôi không phải người cổ hủ hoặc cố chấp nên sẽ không phản đối nếu sau này con tìm được cách khác vui hơn, thích thú hơn để hưởng thụ kỳ nghỉ Tết. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu con không thích đi thăm họ hàng, không thích cho và nhận tiền lì xì, không thích ngồi ăn những mâm cỗ Tết na ná như nhau từ nhà này sang nhà khác rồi phải trả lời những câu hỏi “Bao giờ lấy chồng”, “Bao giờ có con” hoặc “Làm ở đâu, lương bao nhiêu”. Người ta chỉ có thể hưởng thụ Tết khi họ thấy thoải mái về tinh thần, cảm xúc và vật chất. Do đó, mọi người cứ chủ động lựa chọn cách chơi Tết theo khả năng và hoàn cảnh của mình, không cần phải cố làm hài lòng người khác mà hy sinh những nhu cầu, mong muốn chính đáng của bản thân.
Huyền
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)
Post a Comment