"Đến thời điểm này, có thể nói nợ công của chúng ta nằm trong giới hạn an toàn và ngày càng tích cực. Chúng ta đã có sự thay đổi rất căn bản về phương pháp, cách thức quản lý nợ công. Từ sau Đại hội 12 của Đảng, tình hình đã thay đổi hẳn", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Thay đổi căn bản

Sau 10 năm "vượt rào", lần đầu tiên năm 2017, bội chi trong giới hạn cho phép và bắt đầu thấy tương lai sáng hơn cho nợ công. Theo ông, đã có thể yên tâm về sự an toàn của "túi tiền" quốc gia?

Có thể khẳng định đến thời điểm này, nợ công của chúng ta nằm trong giới hạn an toàn và ngày càng tích cực. 

Trước đây, sức ép nợ công của chúng ta rất cao, có những lúc nợ công, nợ trực tiếp phải trả hàng năm vượt qua giới hạn cho phép, lên mức 26,2% so với số thu ngân sách (theo quy định giới hạn không quá 25%).

Có được kết quả này trước hết do có sự thay đổi rất căn bản về phương pháp, cách thức quản lý nợ công. 

Trước đây, chúng ta chưa bao giờ có kế hoạch tài chính trung hạn, gần như năm nào biết năm đó. Nhưng sau Đại hội 12 của Đảng, tình hình đã thay đổi hẳn. 

Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, bắt đầu có tầm nhìn dài hạn với lĩnh vực tài chính, ngân sách, với yêu cầu tối thiểu phải có kế hoạch tài chính 3 năm, 5 năm. Tức là cùng với kế hoạch hàng năm, chúng ta bắt đầu có cái nhìn trung hạn.

Chính phủ cũng đã thực hiện rất tốt nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại toàn bộ nợ công. Từ chỗ tỷ lệ nợ ngắn hạn, lãi suất cao, không được ưu đãi dồn ép, thì bây giờ đảo lại và chuyển thành chiếm tỷ trọng lớn là nợ trung và dài hạn. 

Một điểm cần được đánh giá rất cao, đó là vừa qua, lẽ ra chúng ta phải phát hành trái phiếu quốc tế nhưng đã không phải phát hành mà tự giải quyết được thông qua cơ cấu các khoản nợ vay. Đây là kết quả rất đáng mừng.

Năm 2018 được xác định là năm đỉnh của nợ công. Chúng ta đã sẵn sàng cho điều này chưa, thưa ông?

Đây là điều đã nhìn thấy và được tính trong kế hoạch tài chính trung hạn, nhất là vấn đề vay ODA. 

Quốc hội cũng đã quyết tâm thực hiện sửa Luật Quản lý nợ công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thống nhất đầu mối quản lý nợ công về một cơ quan là Bộ Tài chính trong điều phối ký kết việc vay nợ, còn các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp và do Chính phủ phân công, khắc phục tình trạng "một nhà 3 cửa vay". 

Đây là quyết định rất cương quyết của Quốc hội và chắc chắn sẽ góp phần làm cho câu chuyện quản lý nợ công tốt hơn trong tương lai.

Thu đúng, thu đủ

Có thể giảm nỗi lo nợ công, nhưng vì sao thời gian qua liên tục đưa ra bàn thảo các chính sách thuế, khiến có không ít ý kiến trong dư luận cho rằng, vì sợ "thủng túi" nên Chính phủ ngày càng tìm cách tận thu?

Nếu nói Chính phủ ngày càng tìm cách tận thu là không đúng. Có thời kỳ chúng ta huy động đến 27 - 28% GDP, nhưng bây giờ cả năm huy động về thuế, phí chỉ có 19,2%. Rõ ràng là giảm rất sâu.

Khi bàn về chính sách thuế, thì cần phải nhận diện đúng rằng, không phải Chính phủ tìm cách tận thu, mà là Chính phủ bàn để cơ cấu, xác định lại được cái lõi bên trong của từng sắc thuế.

Thuế của chúng ta bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, mất dần tính trung lập, sự cân đối giữa hai loại thuế trực thu và gián thu đã có sự bất hợp lý; lõi bên trong của cơ cấu có những cái cần tăng thì không tăng, có những cái cần giảm thì không giảm. 

Vì vậy, cần sắp xếp lại các loại thuế để thu tốt hơn. Thuế thu đúng sẽ kích thích kinh tế phát triển, còn ngược nó sẽ cản trở sự phát triển. Cho nên phải thu đúng.

Thuế thu đúng không chỉ kích thích kinh tế phát triển mà còn giúp tăng thu đáng kể ngân sách, thưa ông?

Đúng là như vậy. Tất nhiên chúng ta không lấy chuyện gánh nặng thuế để giải quyết việc phát triển kinh tế mà lấy tăng thu từ quy mô của nền kinh tế làm chính. 

Song trong bối cảnh hàng loạt nguồn thu giảm, như thu từ thuế nhập khẩu sẽ phải thực hiện theo những cam kết của hiệp định trong WTO và 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), nên phải giảm rất nhanh, thu từ dầu thô cũng như các khoản thu từ tài nguyên cũng bắt đầu giảm nhanh, thì các chính sách về thuế càng phải được tính toán lại để thu đúng, thu đủ.

Như với thuế giá trị gia tăng, thực tế trong nền kinh tế của chúng ta, một phần không nhỏ các hoạt động mua bán không có hóa đơn, thì làm sao kiểm soát được. 

Chưa kể hóa đơn còn không phản ánh đúng giá trị mua bán, ví dụ mua nhà mất 30 tỷ đồng, nhưng chỉ khai hóa đơn 14 tỷ đồng, thì rõ ràng là Nhà nước thất thu. 

Tại sao người dân các nước chỉ chi tiêu nhỏ như uống một tách cà phê, hay chi tiêu lớn như mua ôtô cũng phải lấy hóa đơn và lưu lại để chứng minh với cơ quan thuế khi cần thiết. Nếu chúng ta làm tốt những việc này sẽ tăng thu rất nhanh.

Mặt khác, chúng ta cần đề xuất thêm một số khoản thuế khác có thể điều chỉnh, như thuế tài sản. Vì đây là loại thuế không đánh vào tất cả các loại tài sản của người dân, mà chủ yếu là đánh vào nhà và đất. 

Việc điều chỉnh thuế này không đánh vào cuộc sống của những người dân bình thường, mà tập trung vào những người có nhiều nhà, đặc biệt là những nhà không đưa vào kinh doanh mà để đầu cơ. 

Tiếp đến, cũng cần đánh thuế mạnh với đất đai không sử dụng, để hoang hóa. 

Ngoài ra, theo tôi dứt khoát phải đánh mạnh thuế vào việc sử dụng tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top