Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương (tỉnh Quảng Ninh) có tổng chiều dài 38,5 km. Dự án do Công ty Cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư, với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Dự án này được nâng cấp trên cơ sở quốc lộ 18A cũ bắt đầu tại km 132 330 thuộc phường Hà Tu (thành phố Hạ Long), điểm cuối là nút giao giữa quốc lộ 18A với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (thành phố Cẩm Phả).

Điều tra gây rối

Ngày 13/2, Công ty Biên Cương đã bắt đầu vận hành thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ qua đây.

Mặc dù mới đưa vào sử dụng được khoảng một tuần, trạm thu phí BOT Biên Cương (trạm thu phí số 1, nằm trên quốc lộ 18A hướng Hạ Long - Cẩm Phả) đã vấp phải một số ý kiến phản đối.

Những người phản đối cho rằng việc đặt trạm BOT ở vị trí trên không hợp lý, vì đây là tuyến quốc lộ có từ trước, doanh nghiệp chỉ cần nâng cấp phủ lớp nhựa lên trên rồi thu phí là không hợp lý. Ngoài ra, khoảng cách giữa trạm thu phí BOT Đại Yên (thành phố Hạ Long) với trạm BOT Biên Cương (thành phố Cẩm Phả) chưa đến 70 km theo quy định tại điều 2.2.b Thông tư 159 Bộ Tài chính.

Tình trạng có tài xế, người dân phản đối cũng diễn ra tương tự ở trạm BOT Biên Cương số 2, cách trạm số 1 khoảng 2 km.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra các hành vi cố tình gây rối, cản trở giao thông, gây mất an ninh trật tự tại trạm thu giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, xảy ra tình trạng trên là do một số trường hợp cố tình tập trung, lôi kéo người dân khu vực thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn gây rối qua trạm.

BOT Biên Cương do ai sở hữu?

Ngoài đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A, BOT Biên Cương cũng được giao đầu tư dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn theo hình thức BOT. Tổng vốn của hai dự án này là 14.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần BOT Biên Cương thành lập ngày 18/5/2015. Vốn điều lệ của công ty là 1.081 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành góp 1.027 tỷ đồng gần 94,98%; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Phương Thành Trancosin góp 54 tỷ đồng, chiếm gần 5%. Ông Đỗ Minh Đức góp một phần vốn nhỏ 108 triệu đồng.

Sau nhiều lần thay đổi, đến cuối năm 2017, Phương Thành Trancosin và ông Đỗ Minh Đức đã rút gần hết vốn, chuyển nhượng gần 5% cồ phần nắm giữ sang Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành.

Như vậy, hiện tại, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành nâng tỷ lệ sở hữu BOT Biên Cương lên đến 99,98%. Hay còn hiểu đơn giản, Công Thành hiện đang đầu tư vào hai dự án BOT có tổng vốn 14.000 tỷ đồng tại Quảng Ninh.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành được thành lập từ tháng 6/2014, trước một năm dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được phê duyệt, vốn điều lệ 3,6 tỷ đồng. Sau khi được chấp nhận đầu tư tại Quảng Ninh, vốn điều lệ của Công Thành tăng 435 lần, từ 3,6 tỷ đồng lên 1.556 tỷ đồng (theo thay đổi đăng ký kinh doanh lần 11 ngày 29/8/2017).

Nhóm cổ đông sáng lập Công Thành là các cá nhân, trong đó ông Đỗ Minh Đức nắm giữ 52%; bà Nguyễn Thị Cẩm Tú nắm giữ 33%, ông Nguyễn Văn Quân giữ 15% và một số cổ đông khác.

Đáng lưu ý, nhóm cổ đông này còn sở hữu doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BOT là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát. Công ty Minh Phát được các ông Đỗ Minh Đức và Đỗ Ngọc Minh thành lập năm 2008, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.

Ông Đỗ Ngọc Minh cùng bà Đỗ Thị Huyền Tâm là các cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tâm, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất tỉnh Bắc Ninh. Hiện, bà Huyền Tâm đã rút toàn bộ vốn tại tập đoàn này.

Minh Phát cũng chính là một trong ba nhà đầu tư (gồm Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Minh Phát, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành) thực hiện dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) theo hình thức hợp đồng BOT tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top