Từ ngày 1/3 tới, mức thu phí sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp viễn thông trên biển là 50.000 USD, chỉ bằng 1/10 so với mức phí cũ.
Quy định trên được đưa ra tại Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung Thông tư 273/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông, được Bộ Tài chính vừa ban hành.
Theo đó, tại biểu mức phí, lệ phí mới, mức thu phí sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp viễn thông trên biển (nộp cho mỗi lần tàu, thuyền vào sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp) là 50.000 USD. Trong khi quy định hiện hành (Thông tư 273), mức phí cho hoạt động này là 500.000 USD.
Thông tư mới của Bộ Tài chính cũng bỏ quy định về lệ phí cấp phép hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cáp viễn thông trên biển (đối với loại giấy phép cấp lần đầu, cấp mới) ra khỏi biểu mức thu lệ phí cấp phép hoạt động viễn thông ban hành kèm theo Thông tư 273.
Thời gian qua, phí xin giấy phép sửa chữa các tuyến cáp quang được xem là một gánh nặng đối với các doanh nghiệp viễn thông.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhiều lần than phiền rằng, phí sửa chữa các tuyến cáp quang hiện không hợp lý và gây khó khăn cho nhà mạng.
Theo ông, do số lượng tuyến cáp biển nhiều, có những tuyến cáp chỉ vài tháng lại bị sự cố, vì thế, riêng tiền xin giấy phép sửa chữa cáp của doanh nghiệp viễn thông một năm cũng mất tới vài triệu USD. Bên cạnh đó, chưa kể doanh nghiệp còn phải mất khoản tiền cố định hàng triệu USD khác cho duy tu, thuê các đội tàu thường trực hàng năm.
Trong khi, giai đoạn trước ngày 1/1/2017, mức phí doanh nghiệp phải nộp cho mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng cáp biển chỉ là 50 triệu đồng, nghĩa là mức phí 500.000 USD hiện hành (theo Thông tư 273) đã tăng tới khoảng 220 lần.
Với mức phí quá nặng trên, tại một số cuộc họp giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng cũng đã kiến nghị Bộ có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi lại mức phí này. Khi đó, trên cơ sở tham mưu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó cũng đã có văn bản đề xuất với Bộ Tài chính về việc giảm mức phí cấp giấy phép cho một lần sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp viễn thông trên biển, với mức giảm bằng 1/10 so với mức cũ.
Hiện các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đang sử dụng các tuyến cáp quang biển như AAG, IA, SMW-3 và APG, trong đó đặc biệt là các tuyến AAG, IA, APG thương xuyên bị sự cố. Thống kê sơ bộ cho thấy, tính riêng năm 2017, bốn tuyến cáp biển nêu trên đã có tới 12 lần gặp sự cố.
Post a Comment