Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phát biểu tại nghị trường.
Thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật sáng 26/7 tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nêu hai hạn chế mà năm nào Quốc hội cũng nói đến, đó là tiến độ trình dự án luật còn chậm và chất lượng chuẩn bị các dự án luật chưa tốt, cho nên đã phải rút khỏi hoặc điều chỉnh thời gian trình đối với nhiều dự án luật.
"Tôi khẳng định, các nguyên nhân của hạn chế là không mới và hầu hết là nguyên nhân chủ quan đã tồn tại qua nhiều khóa Quốc hội, nhưng vẫn chậm được khắc phục, phải chăng là vì không có ai phải chịu trách nhiệm?", bà Thuý đặt vấn đề.
Câu hỏi tiếp theo của đại biểu Thuý là hạn chế của công tác xây dựng pháp luật có liên quan đến vấn đề tài trợ không?
"Thực tế có bộ muốn ôm nhiều dự án luật, vì tổ chức tài trợ quốc tế chỉ đồng ý tài trợ khi có dự án luật đã được Quốc hội đưa vào chương trình. Điều này có thể tuy không phổ biến nhưng cũng góp phần làm cho một số dự án luật được ban hành chưa thực sự đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc sống, chất lượng không cao", bà Thuý phát biểu.
Theo đại biểu Thuý thì cần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình và cơ quan soạn thảo có dự án luật, pháp lệnh không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng.
Đổi mới quy trình làm luật để hạn chế sai sót cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) dẫn lại nhận xét rằng, sai sót của Bộ luật Hình sự 2015 là "thảm hoạ lập pháp".
"Vừa rồi có một văn bản báo cáo trước Quốc hội là hiện nay chưa đủ căn cứ để quy trách nhiệm về ai", ông Minh cho biết thêm.
Từ đó, ông Minh đề nghị cần xem lại quy trình, khi mà trong hai khoá gần đây có nhiều đạo luật có sai sót.
Đại biểu Minh đề nghị phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và phải xác định rõ trách nhiệm trong thời gian tới.
Cũng đề cập sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng cần phải xem xét và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng luật. Cụ thể cần rút kinh nghiệm về cách thức làm luật tại Quốc hội để làm sao huy động được trí tuệ của tất cả các đại biểu Quốc hội.
Ông Cương nêu thực tế, nếu đại biểu Quốc hội nào đó không phải là ủy viên của ủy ban chủ trì thẩm tra dự án luật đó thì rất ít cơ hội để tham gia ý kiến. Nên nhiều đại biểu khác có tâm huyết, có ý kiến tham gia thì không có cơ hội tham gia, nhiều khi xin tài liệu nghiên cứu cũng không có, bởi vì trong quá trình tiến hành thẩm tra các dự án luật đã được chỉnh lý thay đổi liên tục.
"Ra hội trường thì ý kiến dù có hay, có sâu sắc đến mấy thì cũng chỉ có 7 phút để phát biểu. Tôi đề nghị cần có sự cải tiến, điều hành linh hoạt trong thảo luận để làm sao huy động được trí tuệ của gần 500 đại biểu Quốc hội thì chất lượng của các dự án luật mới có thể nâng lên được", ông Cương nói.
Post a Comment