TS. Nguyễn Đình Cung Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - Ảnh: Quang Phúc.

Sáng 26/7, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý 2/2016.

Theo đó, GDP tăng 5,57% trong quý 2/2016, cao hơn không đáng kể so với quý 1/2016 và cùng kỳ giai đoạn 2012-2014. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP đạt 5,52%, thấp hơn 0,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2015.

Vì vậy, CIEM dự báo việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 ở mức 6,7% hầu như là không khả thi.

Lý giải về việc GDP quý 2/2016 và 6 tháng đầu năm tăng trưởng chậm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, ảnh hưởng của Brexit, tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, GDP 6 tháng đầu năm nay tăng chậm một phần cũng do nền kinh tế tác động gián tiếp từ thay đổi bộ máy Chính phủ mới, nhiều chính sách mới, cách quản lý mới và quy định mới được đưa ra.

Do đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trông chờ và nghiên cứu để đưa ra những chiến lược phù hợp cho phát triển của mình. Độ trễ của chính sách cũng tác động đến tăng trưởng thời gian qua.

Về lạm phát, báo cáo của CIEM nhận định lạm phát 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy.

Giải thích về điều này, CIEM cho rằng do giá dầu thế giới tăng khiến giá nhiên liệu trong nước điều chỉnh tăng liên tiếp trong quý 2. Ngoài ra còn do điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá và tác động bất lợi của thời tiết và các hiện tượng bất thường (hạn hán và nắng nóng kéo dài ở miền Trung và miền Nam, cá chết hàng loạt ở miền Trung) làm tăng giá lương thực - thực phẩm.

CIEM cũng nhận định công tác điều hành giá cả vẫn gặp một số rủi ro, tác động từ việc tăng giá các mặt hàng và dịch vụ do nhà nước quản lý giá, mặt bằng lãi suất khó giảm tiếp và biến động dòng vốn nước ngoài.

Quan trọng hơn, việc thực hiện tăng giá này không được giải trình đầy đủ, chưa giúp người dân cảm nhận rõ ràng về việc gia tăng chất lượng dịch vụ tương ứng như tăng học phí và dịch vụ y tế.

Báo cáo của CIEM cho biết, xuất khẩu trong nửa đầu năm 2016 tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 43,4 tỷ USD trong quý 2 (tăng 4,9%) và 82,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm (tăng 5,7%).
 
Lý giải về điều này, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu này còn khá xa do với mục tiêu tăng 10% mà Quốc hội đề ra. Trong khi đó tăng trưởng ở khu vực này chủ yếu nhờ vào đóng góp của các doanh nghiệp FDI.

Dù mục tiêu tăng trưởng cả năm là không khả thi với những nguyên nhân khó tháo gỡ nêu trên, ông Cung vẫn ủng hộ việc Chính phủ kiên quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm.

“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Nếu điều chỉnh xuống mức 5,7% đến 5,8% hay 6% để rồi cuối năm chúng ta đạt được mục tiêu, các bộ, ngành ngồi vỗ tay với nhau lại vui cả làng. Trong khi không điều chỉnh, cuối năm chúng ta sẽ có câu chuyện để mổ xẻ, tại sao không đạt được, nguyên nhân do đâu, khách quan chủ quan ra sao. Đó là cơ hội để chúng ta ngồi cùng nhau thảo luận, tìm kiếm giải pháp”, ông Cung nêu quan điểm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top