Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, hôm 28/6 vừa qua.
Ngày 28/6 vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã nói lời xin lỗi trong sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại miền Trung, song hành với cam kết bồi thường thiệt hại 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Ngay sau khi thông tin được chính thức công bố, dư luận bước đầu đã hoan nghênh sự cương quyết của Chính phủ cùng các cơ quan chức năng trong việc xác định nguyên nhân và thủ phạm.
Từ góc nhìn của mình, một số chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cho rằng, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung cần được xử lý nghiêm khắc, đồng thời những phản ứng của cơ quan quản lý trong quá trình xảy ra sự cố cũng cần kịp thời và minh bạch hơn.
VnEconomy xin trích đăng một số ý kiến.
“Phải rà soát lại tất cả dự án tại Việt Nam”
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng
Câu chuyện Formosa đặt ra cho Việt Nam khá nhiều bài học cả trước mắt và lâu dài.
Trước hết là bài học về thu hút đầu tư. Tuyệt đối không thể ham đầu tư phát triển kinh tế mà quên đi vấn đề môi trường. Dự án nào cho dù có tích cực về mặt kinh tế, nhưng lại tác động tiêu cực về môi trường, thì phải dứt khoát từ chối.
Và quan trọng hơn, qua câu chuyện Formosa, từ nay trở đi, Chính phủ phải có một cam kết cao đối với đất nước, với người dân và các thế hệ tương lai, rằng sẽ không chấp nhận bất cứ một dự án kinh tế nào huỷ hoại môi trường.
Cùng với đó là phải rà soát lại tất cả các dự án đã và đang hoạt động tại Việt Nam, ngay khi thẩm định hồ sơ cũng như trước khi đi vào hoạt động. Khi cấp phép thì phải xem xét “tiểu sử” của họ cả trong và ngoài nước.
Ngay cả các dự án của Nhà nước cũng phải chấp hành nghiêm ngặt về môi trường.
Tôi để ý thấy rằng, lâu nay, dường như cơ quan chức năng chỉ chú trọng vào “soi” các dự án của tư nhân, trong khi hàng loạt dự án lớn của Nhà nước, của nước ngoài có nguy cơ vi phạm cao, thì thường lại được bỏ qua.
Với Formosa, tập đoàn này đã vi phạm về môi trường tại khá nhiều nước, thậm chí là tại Đài Loan, báo chí cũng đã phản ánh, nhưng khi vào Việt Nam họ vẫn được chào đón.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, có khá nhiều nhà đầu tư lớn, được hưởng nhiều ưu đãi thì thường lại vi phạm cam kết, không chỉ về môi trường. Hàng loạt doanh nghiệp ôtô cam kết về nội địa hoá cũng không thực hiện, một số doanh nghiệp lớn lại vi phạm về chuyển giá…
Đặc biệt, về môi trường thì các cơ quan Việt Nam nhiều khi chưa đủ năng lực để thẩm định chính xác. Do đó, không ít dự án cũng chỉ biết đặt niềm tin vào nhà đầu tư mà thôi.
Tôi cũng lấy làm tiếc là trong cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết hôm 30/6 vừa qua, không thấy đề cập đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý. Chính phủ nên chỉ đạo làm rõ vấn đề này.
Tôi cũng mong muốn khi đánh giá thiệt hại, cần có các tổ chức độc lập tham gia chứ không chỉ có các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đền bù thiệt hại kinh tế cho người dân, cần phải xem xét đền bù về môi trường lâu dài cho cả 4 tỉnh.
“Bài học tương tác của Nhà nước với công chúng”
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Qua câu chuyện Formosa, có một điều chúng ta thấy rất rõ, đây là một vụ việc nghiêm trọng, có tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân miền Trung và sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Chúng ta nhìn nhận vấn đề này không phải dưới góc nhìn một sự cố, mà là một câu chuyện đối với việc hoạch định chính sách đối với phát triển, đối với cách ứng xử của Nhà nước với công chúng, với xã hội.
Vấn đề phát triển bền vững, tăng trưởng xanh với việc thu hút đầu tư nước ngoài, không thiên về số lượng, phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng, hiệu quả phát triển bền vững thì đã được đặt ra khá lâu rồi - trong quá trình cải cách đổi mới của Việt Nam từ nhiều năm trước.
Nhưng tại sao lại vẫn xảy ra vụ việc của Formosa? Tôi cho rằng, ở đây có vấn đề về nhận thức, có gì đó vẫn còn xuê xoa trong quản lý, khiến đôi khi dẫn đến cái giá rất đắt về môi trường.
Đằng sau đó còn là chủ nghĩa thành tích, là sự thiếu nghiêm túc trong giám sát, đảm bảo chế tài của pháp luật.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, sự cố nghiêm trọng do Formosa gây nên không phải là chuyện “giọt nước tràn ly”. Cái “ly” của vấn đề chính là sự rủi ro về môi trường, khi chúng ta chấp nhận dự án, nên lần này có thể xem là một “bát nước” làm tràn ly, chứ không phải chỉ một giọt.
Một bài học nữa là chúng ta phải nghiêm túc với những việc nhỏ. Nó chính là ý thức, trách nhiệm của từng người dân, từng doanh nghiệp, và cần chế tài thật sự nghiêm túc. Đã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng, phải giàu có, nhiều tiền rồi mới tính đến giải quyết môi trường, mà phải song hành và nghiêm túc, nghiêm khắc ngay từ đầu với mọi hành vi của người dân và doanh nghiệp trong nước.
Cuối cùng, cũng là bài học rất lớn, đó là sự tương tác, ứng xử của Nhà nước đối với xã hội, với công chúng.
Bài học này cũng không mới, nhưng cũng lại một lần nữa cho thấy, nếu chúng ta không nghiêm túc trong thực hiện cải cách, thì có thể dẫn đến những hệ luỵ về mặt xã hội, tiêu cực cho phát triển.
Cho nên, cách ứng xử của Nhà nước phải làm sao cho minh bạch, trong đó thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của bộ máy Nhà nước. Có thể do đòi hỏi phải thu thập thông tin, phải có thời gian hoặc do năng lực nên mình chưa đáp ứng được tất cả đòi hỏi của xã hội, nhưng mình phải rõ ràng, nhất quán trong các thông điệp chính sách.
Cần “truy” trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Uỷ viên Ủy viên Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Sự việc do FHS gây ra là một thảm hoạ môi trường, không chỉ làm cho nhiều ngư dân điêu đứng, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cả ngành thuỷ sản, du lịch, và để lại hệ luỵ khôn lường về lâu dài.
Tôi đã xem clip lãnh đạo FHS xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, theo tôi nói về vật chất thì 500 triệu USD chưa đủ để giải quyết hậu hoạ trước mắt, chưa nói là hệ luỵ lâu dài, mà lâu dài là không thể tính được. Thắc mắc của nhiều cử tri trước con số đền bù thiệt hại 500 triệu USD là hoàn toàn có lý.
Cho nên không chỉ phía FHS, mà Chính phủ cũng cần có đánh giá thiệt hại, để làm cơ sở tương đối cho việc đưa ra số tiền đền bù.
Lâu dài hơn, cần cơ chế hiệu quả để giám sát những cam kết của FHS trong khắc phục sự cố, đảm bảo xử lý triệt để chất độc trước khi thải ra môi trường, khôi phục lại hệ sinh thái biển.
Giải pháp tài chính và giải pháp công nghệ cụ thể là gì, tiến độ thời gian ra sao, kết quả thực hiện thế nào, định kỳ hàng quý phải công bố công khai cho cử tri biết.
Chính phủ cũng cần rà soát lại toàn bộ các khu công nghiệp ven biển, ven sông để phát hiện và nếu có vi phạm về môi trường thì phải xử lý đến cùng.
Điều đã được hiến định là mọi người dân được sống trong môi trường trong lành, nên không thể thu hút đầu tư bằng bất cứ giá nào. Mà cần xem xét cả quá trình hoạt động của một doanh nghiệp trước khi chấp thuận cho họ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề công nghệ, tránh biến Việt Nam thành “bãi rác”.
Một vấn đề nữa tôi nghĩ cũng rất quan trọng, để không tái diễn một sự việc tương tự, là cần “truy” trách nhiệm những tập thể và cá nhân có liên quan.
Post a Comment