Tất cả là nhờ một dự án của NASA từ năm 2011, đã cho phép con người tiếp cận sao Mộc ở khoảng cách gần nhất từ trước đến nay.
Vào 4/7/2016 tới đây, nhân loại sẽ tiếp cận sao Mộc ở một cự ly gần nhất từ trước đến nay. Tất cả nhờ vào một vệ tinh mang tên Juno - do NASA phóng lên năm 2011 với mục tiêu tiếp cận và nghiên cứu sao Mộc.
Và nếu đúng như những gì NASA tiên liệu, Juno sẽ thay đổi toàn bộ góc nhìn của vật lý học về Thái dương hệ.
Đây sẽ là cơ hội đầu tiên từ trước đến nay con người có thể đào sâu nghiên cứu sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời. Được biết hành tinh này lớn gấp 11 lần Trái đất nhưng không hề có bề mặt. Toàn bộ hành tinh này là một khối khí khổng lồ, chủ yếu là hydro và heli.
Vệ tinh Juno giống như một chiếc quạt 3 cánh khổng lồ, vận hành bằng năng lượng Mặt trời. Đây cũng là lần đầu tiên NASA gửi một tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng Mặt trời đến một nơi xa như vậy. Như tàu New Horizons đang xoay quanh sao Diêm Vương đã phải vận hành bằng plutonium.
Nhưng Juno sẽ phải làm gì? Nổi bật nhất là... chụp ảnh. Chúng ta sẽ chờ đón những bức ảnh đẹp nhất do Juno mang lại. Tuy nhiên, NASA cho biết những bức xạ từ hành tinh sẽ sớm hủy hoại ống kính máy ảnh của Juno chỉ sau 7 vòng quỹ đạo.
Juno cũng sẽ phải tìm hiểu về cực quang siêu khổng lồ tại 2 cực của sao Mộc. Đó là những cực quang cực kỳ vĩ đại, có thể trải dài hàng chục ngàn cây số.
Bằng cách sử dụng JADE (Jovian Auroral Distributions Experiment - thí nghiệm phân phối cực quang sao Mộc), Juno sẽ thực hiện các phân tích electrons, và chúng ta sẽ biết được thứ gì đã tạo nên khối cực quang đó.
Một nhiệm vụ khác của Juno là nghiên cứu lực trọng trường của hành tinh, qua đó xác định xem có thực sao Mộc không hề có bề mặt rắn, hay đây chỉ là một tinh cầu khí khổng lồ.
Và cuối cùng, vì sao Mộc quá khổng lồ, khiến trọng lực của nó cũng cực kỳ lớn. Do vậy, nó giữ lại gần như nguyên vẹn tất cả mọi vật chất kể từ khi hành tinh được hình thành.
Điều này có nghĩa rằng hành tinh này giống như một chiếc hòm bí ẩn, giúp chúng ta mở mang tầm mắt về thời điểm Thái dương hệ được hình thành.
Post a Comment