Một nghiên cứu mới cho thấy nghe nhạc buồn thúc đẩy phát triển những cảm xúc tích cực, vực dậy tâm trạng và nâng cao sức khỏe tinh thần của bạn.
Tại sao chúng ta có xu hướng thích và thường xuyên lựa chọn những bản nhạc buồn giữa muôn vàn bài nhịp điệu vui nhộn, tươi trẻ khác?
Một nhóm các nhà tâm lý học đến từ trường Đại học Free, Berlin, Đức đã tiến hành nghiên cứu sự quyến rũ của những nhịp điệu nhẹ nhàng bằng cách phân tích những bài nhạc buồn ảnh hưởng tới người nghe như thế nào.
Họ lấy mẫu nghiên cứu từ 772 người đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có 408 người đến từ châu Âu, còn lại đến từ châu Á và Bắc Mỹ.
Mỗi người sẽ trả lời vài câu hỏi liên quan đến thói quen nghe nhạc như bạn có thường xuyên nghe nhạc buồn không, trong trường hợp nào bạn sẽ lựa chọn loại nhạc này, và cảm xúc của bạn khi nghe những bản nhạc này.
Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS One cho thấy nhạc buồn đem lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như nhớ nhà, luyến tiếc quá khư, bình yên trong tâm hồn, xúc động và tự vấn bản thân.
Số liệu cụ thể cho thấy, phổ biến nhất là người nghe nhạc buồn cảm thấy nhớ nhà hay luyến tiếc quá khứ, 76%, tiếp đến là cảm thấy bình yên trong tâm hồn, 57,5%.
Và theo các chuyên gia những cảm xúc đó đều đem lại lợi ích cho tinh thần. Liila Taruffi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói: “Với nhiều người, nghe những bản nhạc buồn đem lại nhiều ảnh hưởng tích cực tới cảm xúc. Nhạc buồn được coi là những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng, có nhiệm vụ quan trọng trong việc an ủi, xoa dịu và cân bằng lại cảm xúc tiêu cực của người nghe”.
Nghiên cứu cũng tiết lộ một số lượng lớn người nghe nhạc lựa chọn nhạc buồn khi bản thân gặp chuyện không vui, hoặc đang có tâm trạng cô đơn. Do vậy có thể hiểu rằng nhạc buồn là một thứ thuốc tinh thần hữu hiệu.
Một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Phần lớn người ta thích nghe nhạc buồn mỗi ngày khi tâm trạng, cảm xúc đi xuống hay tìm kiếm sự an ủi, giải khuây tâm hồn”.
Nghe nhạc buồn giúp thay đổi não bộ của chúng ta về mặt hóa học, giúp vượt qua nỗi sầu khổ dễ dàng hơn. Theo giáo sư âm nhạc David Huron ở Đại học Ohio, Mỹ, nhạc buồn giúp gia tăng hóc môn prolactin trong não bộ, giúp con người bớt đau khổ, tinh thần phấn chấn hơn.
Post a Comment