(Dân Việt) 13.000m2 đất của vợ chồng ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái không phải là một tổ kiến, một biệt phủ sừng sững giữa một tỉnh nghèo không phải là một tổ mối, một khối tài sản khổng lồ không phải là một tổ tò vò…
Sẽ thật khó khăn cho đoàn thanh tra của tỉnh Yên Bái khi tiến hành thanh tra 13.000 m2 đất lâm nghiệp được biến đổi thần kỳ thành đất ở của gia đình ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Trong bối cảnh chị ruột của ông Phạm Sỹ Quý lại là bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy.
Và ngay cái công văn đề nghị báo chí dừng đưa tin chờ kết luận cũng là một dấu hiệu rõ nhất.
Yên Bái là một tỉnh nghèo với tỷ lệ hộ gia đình nằm trong diện nghèo và cận nghèo cao trong top đầu cả nước. Hầu như năm nào Yên Bái cũng phải đặt ra chỉ tiêu giảm bớt hộ nghèo, xóa hộ cận nghèo.
Vậy mà đùng một cái, dư luận thật sự sốc khi chứng kiến biệt phủ không kém cạnh bất cứ một khu biệt phủ nào của ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường của tỉnh này.
Đặc biệt, phần diện tích này được chuyển đổi từ diện tích đất rừng sang đất ở với 6 quyết định đồng thuận cùng được ký trong một ngày.
Người sở hữu khu đất này dĩ nhiên không đứng tên ông Phạm Sỹ Quý mà đứng tên bà Hoàng Thị Huệ, bà Huệ là vợ được pháp luật thừa nhận của ông Quý. Để rồi từ đất rừng mọc lên một biệt phủ xa hoa tráng lệ.
Khu đất của gia đình ông Phạm Sỹ Quý vừa được chuyển đổi mục đích với những công trình xây dựng khá hoàng tráng. (Ảnh: Hải Ninh/GDVN).
Tất nhiên là ông Quý trả lời truyền thông rằng việc chuyển đổi đất cho vợ ông là đúng quy trình, minh bạch. Cũng tất nhiên kinh phí để xây dựng biệt phủ là của vợ ông, cũng tất nhiên vợ ông kinh doanh rất đàng hoàng. Thêm lần tất nhiên nữa là bà Bí thư Tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cũng đã chỉ đạo cấp dưới thanh tra tài sản của em ruột mình một cách cứ “chí công vô tư”.
13.000m2 đất không phải là một tổ kiến, một biệt phủ sừng sững giữa một tỉnh nghèo không phải là một tổ mối, một khối tài sản khổng lồ của vợ chồng quan chức cấp Sở trong tỉnh không phải là một tổ tò vò…
Thế nhưng, đến lúc báo giới loan tin thì cả hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái mới giật mình. Vậy mới thấy vụ nổ súng nghiêm trọng tại phòng làm việc của lãnh đạo tỉnh này hồi năm ngoái có phần giải thích được – công tác quản lý cán bộ lỏng lẻo đã dẫn đến kết cục đầy buồn bã ấy. Vậy mà cho đến giờ, lãnh đạo đương nhiệm ở Yên Bái vẫn chưa rút được bài học kinh nghiệm nào đáng kể.
Quan chức giàu cứ giàu, quan chức chưa bị phát hiện giàu thì cứ giật mình khi thấy quan chức khác bị phát hiện.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Nội vụ nêu rõ: “Trường hợp ông Phạm Sỹ Quý (em trai bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính, hiện đang học lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính”.
Điều này có nghĩa là việc bà Phạm Thị Thanh Trà khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ngày 9.9.2016 ký quyết định bổ nhiệm em trai mình làm Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường là bất hợp lý.
Trả lời báo chí về vấn đề này, bà Trà khẳng định việc bổ nhiệm ông Quý không có gì để gọi là ưu ái. Đây là quyết định của tập thể Thường trực Tỉnh uỷ và Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái, theo “quy trình cực kỳ chặt chẽ”.
Đã chặt chẽ lại còn sai, thì giả mà chưa chặt chẽ thì không biết cái sai ấy còn đến đâu.
Tiền nhân luận “cái sảy nẩy cái ung”, thế nên có lẽ cơn giật mình của lãnh đạo tỉnh Yên Bái xung quanh 13.000m2 đất lâm nghiệp hóa thành đất ở của vợ ông Phạm Sỹ Quý bắt nguồn từ chính việc bổ nhiệm bất chấp chưa đáp ứng điều kiện này, chưa đáp ứng tiêu chuẩn kia của ông Phạm Sỹ Quý.
Ai cũng biết công tác đề bạt cán bộ luôn được quy định rất cẩn trọng theo pháp luật, từ sức khỏe cho đến trình độ rồi các tiêu chuẩn khác. Thế mà, cứ như một chuyển động đều, năm hôm ba ngày dư luận lại chứng kiến một thiếu sót này, một bất hợp lý kia. Điều kỳ lạ nữa chính là những trường hợp đề bạt bất hợp lý ấy toàn rơi vào người nhà, người thân hay chồng vợ của các vị lãnh đạo đương nhiệm.
Câu chuyện của ông Phạm Sỹ Quý sẽ chẳng đi đâu về đâu, cũng sẽ chẳng có kết luận cuối cùng nào khác ngoài mấy chữ “đúng quy trình, đúng pháp luật”, những từ khóa như “khối bộc phá” khiến niềm tin nhân dân nổ tung.
Muốn không hiện hữu những từ khóa quen thuộc mà đầy phẫn nộ ấy, nhất định phải có một đoàn thanh tra khác từ Trung ương về Yên Bái để thay thế cho đoàn thanh tra của tỉnh này.
Cuối cùng thì vẫn là, chờ xem quyết tâm làm trong sạch bộ máy của lãnh đạo đến đâu, lúc ấy có lẽ mới bàn sâu thêm được.
Ngô Nguyệt Hữu / Dân Việt
Post a Comment