Tôi ở Lâm Đồng, còn anh ở TPHCM. Chúng tôi quen nhau hơn một năm và đang trong giai đoạn yêu đương chính thức. Gia đình anh rất quý tôi, còn gia đình tôi không ngăn cản. Anh là một người khá cực đoan, việc tốt là tốt, mà xấu là xấu. Nếu cho ai đó là xấu, anh thể hiện thái độ ra mặt, nên đôi khi làm mất thể diện những người xung quanh. Anh nóng tính, không giỏi kiềm chế nên có vài lần việc bé xé to, mọi người nói anh không nghe, vẫn cho là mình đúng. Trước lúc mới quen, tôi cảm thấy hạnh phúc vì anh thường rất quan tâm, chia sẻ, đồng thời chăm sóc tôi không nề hà gì. Bây giờ, anh vẫn chăm sóc tôi, nhưng lại quan tâm thái quá khiến tôi ngạt thở và không còn niềm tin vào tương lai.
Khi mới quen biết nhau, có một vài bạn nam liên lạc theo đuổi, tôi rất bình thường, trả lời trong giới hạn. Khi yêu rồi, anh cố tình đọc những tin nhắn cũ, bắt tôi bỏ hết những người bạn này. Tôi không làm theo ngay lập tức nhưng cũng bỏ dần, tuy nhiên đến giờ anh vẫn không tin tưởng tôi, thường tìm cách kiểm tra điện thoại và máy tính. Tôi biết anh ghen là do thấy họ quan tâm tôi từ ngày trước, nhưng tôi không làm gì sai mà anh vẫn luôn gây áp lực, kiểm soát quá mức. Anh gọi video cho tôi mỗi khi rảnh, cúp máy là nhắn tin, nhiều khi bận chưa kịp trả lời là thái độ anh khác ngay. Anh kiểm tra tôi truy cập bao nhiêu phút, sao đọc tin nhắn rồi không trả lời. Nhiều lúc tôi đang bận làm, anh gọi video và cứ để máy vậy nhìn tôi. Tôi nói bận cố tình không nghe máy là anh gọi đi gọi lại vài chục cuộc, rồi tỏ thái độ.
Tôi nhận ra cuộc sống đang bị kiểm soát, sắp đặt vì bị hạn chế gặp bạn bè dù là đi tập thể hay chỉ cà phê, đi làm rồi về nhà. Đôi khi tôi gặp bạn hoặc đi ra ngoài về là chúng tôi lại cãi nhau. Điện thoại nhiều khiến ba mẹ tôi không hài lòng, vì chỉ thấy tán dóc suốt ngày, chẳng lo cố gắng cho tương lai dù công việc chúng tôi mới chỉ ở mức độ bình thường. Tôi thấy rất áp lực. Anh thường nhường nhịn mỗi khi tôi nóng nảy, chăm sóc tôi chu đáo. Khi cả 2 thoải mái, tôi có cảm giác hạnh phúc, thấy thương mỗi lần anh đi thăm tôi vất vả.
Tôi thực sự cảm thấy không thể gắn bó lâu dài với anh nếu tình trạng này tiếp diễn, nhưng lại rất thương anh. Tôi có thể làm gì để anh thay đổi hoặc những người cá tính như này có khả năng thay đổi hay không? Hiện tại anh quá yêu tôi, thời gian rảnh là tìm cách bên tôi. Vậy có cách nào chia tay mà tránh anh kích động rồi làm những việc không hay? Tôi chân thành cảm ơn.
Hiền
TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN gợi ý:
Chào Hiền,
Bạn đang bị bạn trai kiểm soát, sắp đặt và o bế mọi thứ trong tình yêu. Đặc trưng của dạng người này là luôn khiến bạn cảm thấy có lỗi vì mọi thứ, tự trách bản thân mặc dù chẳng làm gì sai. Và anh ta luôn dồn cảm giác mất an toàn của bản thân sang thành trách nhiệm của bạn. Ví dụ như nói “Anh đã từng bị lừa dối trước đây nên anh không muốn em qua lại với bất cứ người bạn trai nào” hay “Anh xin lỗi đã hành xử quá đáng nhưng tất cả chỉ vì anh sợ mất em”... Anh ta có xu hướng làm bạn tin rằng những điều anh ta muốn là những điều bạn muốn. Hiện tại, bạn cảm thấy không thể gắn bó lâu dài nhưng lại không nỡ bỏ vì thương anh ta. Anh ta kiểm soát và không muốn bạn thoát ra khỏi mối quan hệ này, tuy nhiên anh ta đã làm bạn tin đó chính là điều bạn muốn, nếu có chuyện gì thì là lỗi của bạn.
Để cải thiện tình trạng hiện tại, trước tiên bạn nên nhắc nhở bản thân về những quyền mà mình đáng được hưởng, đáng được đối xử một cách tôn trọng. Bạn có quyền thể hiện những cảm xúc và ý kiến cá nhân, có thể nói không và khác ý với bạn trai mà không cần cảm thấy có lỗi; bạn có thể ưu tiên những công việc quan trọng để cảm thấy hạnh phúc và thoải mái. Còn với những yêu cầu bất hợp lý của bạn trai, bạn có thể hỏi lại để anh ấy phải dừng lại và suy nghĩ. Ví dụ “Liệu với anh thì yêu cầu đó có hợp lý không?”; “Có vẻ điều anh muốn không công bằng cho em nhỉ?”; “Anh đang đưa ý kiến hay yêu cầu em đấy?”… Bạn cũng có thể kéo giãn thói quen kiểm soát của anh ta bằng cách nói “Em sẽ nghĩ về việc đó sau” và hãy thử bỏ quên điện thoại trong túi xách khi giải quyết các công việc khác.
Những gợi ý trên sẽ giúp bạn tự tin hơn để nói không với các yêu cầu vô lý, đồng thời đưa ra một số cảnh báo kiểu như “Em đáng được tôn trọng và em chỉ tiếp tục với những người đủ tôn trọng em”. Bạn cũng nên nhìn lại rõ rằng cảm giác thương không đồng nghĩa với việc tiếp tục mối quan hệ yêu đương và chịu đựng sự kiểm soát.
Qua câu chuyện bạn chia sẻ, hành vi kiểm soát qua điện thoại quá mức của bạn trai làm tôi nghĩ đến rối loạn hành vi ám ảnh cưỡng bức, một dạng rối loạn tâm thần gồm các ý nghĩ ám ảnh lặp lại, không thể dứt ra được (ở đây là nghi ngờ ghen tuông) và những hành vi lặp lại mang tính chất cưỡng bức (ở đây là việc kiểm tra bạn). Nếu có thể, bạn hãy giúp bạn trai được tiếp cận, tham vấn và can thiệp trị liệu tâm lý. Chúc bạn cân nhắc cẩn trọng và quyết định sáng suốt.
Muốn được TS.Trần Thành Nam tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)
Post a Comment