Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có những phút “trải lòng” về những cung bậc cảm xúc của mình khi theo dõi diễn biến kinh tế năm 2017. Đó là lo lắng, căng thẳng, hồi hộp và cuối cùng là vỡ oà trong cảm xúc vui mừng khi tất cả các chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nhìn lại chặng đường tăng trưởng kinh tế của năm 2017, lúc này, Bộ trưởng có cảm xúc như thế nào?
Năm 2017 để lại nhiều cảm xúc. Ban đầu là lo lắng khi kết quả tăng trưởng kinh tế của những quý đầu năm đạt thấp và điều này có thể ảnh huởng tới khả năng hoàn thành nhiệm vụ kinh tế của cả năm 2017 cũng như ảnh hưởng đến Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm. Căng thẳng trước sức ép, áp lực, quan ngại diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ thực lực của nền kinh tế cho đến khả năng điều hành của Chính phủ để đạt được kết quả.
Tiếp theo hồi hộp, theo dõi, bám sát tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành, địa phuơng. Đây cũng là lần đầu tiên, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, bám sát tình hình, diễn biến thực tế, chi tiết cho đến từng ngành, từng sản phẩm trong từng lĩnh vực để có chỉ đạo điều hành hết sức cụ thể, rõ ràng.
Khi kết quả được công bố, chúng tôi rất phấn khởi bởi 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt; điều quan trọng hơn cả là đều đạt và vượt ở các lĩnh vực khác nhau. Các kết quả đó cho thấy, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã dần đi vào cuộc sống, chất lượng nền kinh tế đã tăng lên và có những chuyển biến rõ nét.
Điều này đã tạo ra không khí phấn khởi trong toàn bộ nguời dân, cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã làm nên một năm hết sức đặc biệt, là năm đất nước có sự chuyển mình mạnh mẽ, tạo nên niềm tin để bước vào 2018 và giai đoạn tiếp theo.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, đâu là những thành tựu kinh tế nổi bật trong năm 2017?
Qua thực tiễn điều hành kinh tế năm 2017, chúng tôi thấy có 3 thành tựu lớn. Thành tựu nổi bật nhất là lần đầu tiên đạt và vượt 13 chỉ tiêu, tạo nên đà thuận lợi cho 2018 và các năm tiếp theo.
Thành tựu có ý nghĩa thiết thực nhất là tầm vóc, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực được nâng lên tầm cao mới, khẳng định Việt Nam sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới, có thể tham gia sân chơi mới của quốc tế.
Thành tựu quan trọng nhất đối với tất cả chúng ta là củng cố được niềm tin của nguời dân, cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và đặc biệt là niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Thưa Bộ trưởng, những thành quả ấy có được là do đâu?
Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 có được là do nhiều nguyên nhân và bài học kinh nghiệm quý báu. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sáng suốt và đúng đắn của Đảng và Chính phủ, kết hợp chặt chẽ với công tác lập pháp, giám sát hiệu quả của Quốc hội.
Sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ trên tinh thần kiến tạo, hành động và phục vụ với những giải pháp chính xác, kịp thời, bám sát các diễn biến của thực tế, kết hợp hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn với giải pháp dài hạn, kiên định mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, thể hiện được bản lĩnh và trí tuệ, quyết tâm không lùi bước nhưng cũng không tăng trưởng bằng mọi giá.
Cuối cùng là sự đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của toàn xã hội đã tạo nên sức mạnh dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng.
Với nền tảng tăng trưởng đạt được năm 2017, những cơ hội và thách thức nào sẽ chờ đón kinh tế Việt Nam trong năm 2018, thưa Bộ trưởng?
Năm 2018, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, những khó khăn nội tại của nền kinh tế đang cần nhiều thời gian và công sức để giải quyết.
Trong khi đó, những áp lực mới luôn đặt ra với chúng ta đó là tụt hậu, nguy cơ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, làm chậm lại việc phấn đấu trở thành nước công nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đói nghèo, thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt là trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm, kết quả chưa đạt được nhiều. Đây là những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Bên cạnh thách thức, cơ hội lớn nhất chính là đà thuận lợi của kinh tế 2017 sẽ tiếp diễn sang 2018 và những năm tiếp theo. Đây là kết quả của quá trình cải cách, của các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều năm hiện đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Đặc biệt hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội lớn để Việt Nam có thể tăng tốc, rút ngắn khoảng cách với các nước.
Vậy chúng ta cần làm gì để có thể tận dụng triệt để những cơ hội và thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Để thực hiện được nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, tôi cho rằng cần tập trung vào 5 giải pháp quan trọng.
Một là, những thành tựu đạt được trong năm 2017 vừa tạo đà thuận lợi, vừa tạo cơ hội cho năm 2018. Các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục xu thế tăng trưởng tốt; nhiều quyết sách đổi mới Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cùa Chính phủ ngày càng hiệu quả.
Hai là, cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại là rất lớn, chúng ta cần xác định tinh thần và làm tốt công tác chuấn bị để tranh thủ cơ hội này tạo được bước nhảy đột phá trong tăng trưởng và phát triển.
Ba là, nguồn lực cho đầu tư phát triển luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu. Việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân, dân cư và đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu sẽ tiếp diễn và thậm chí mạnh mẽ hơn trong năm 2018. Chúng ta cần xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng để thu hút dòng vốn này.
Mặt khác, phải có sự lựa chọn hiệu quả hơn đối với các dự án đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án lớn, các tập đoàn đa quốc gia, dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Bốn là, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó chúng ta còn nhiều dư địa để cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh còn ở thứ hạng thấp trên bảng xếp hạng thế giới.
Làm được điều này sẽ là cơ hội để chúng ta cải thiện và bứt phá vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng, huớng tới mục tiêu ASEAN 4 mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Năm là, niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước đuợc củng cố. Đây là cơ hội lớn nhất để đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nhất là trong công tác tham mưu chính sách. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nỗ lực, cố gắng tối đa. Bởi lẽ, lấy được niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp đã khó, giữ được niềm tin đó trong dài hạn càng khó hơn.
Nghị quyết 01 vừa được ban hành đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hết sức cụ thể, đầy đủ để nền kinh tế tiếp tục đạt được những thành quả tích cực như năm 2017. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về Nghị quyết này?
Nghị quyết 01 đã cụ thể hóa được các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội nhưng được trình bày cô đọng và có trọng tâm. Với 9 nhóm giải pháp nhiệm vụ trọng tâm, 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và 242 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong năm 2018.
Nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 01/2018 là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lấy tái cơ cấu nền kinh tế, lấy thực hiện đột phá 3 nhiệm vụ chiến lược làm trọng tâm. Bên cạnh đó phải có chuyển biến rõ nét của các lĩnh vực khác như xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng...
Phương châm hành động của Chính phủ năm nay bao gồm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”. Tuy mang tính khái quát cao nhưng thể hiện tư tưởng, hành động, chỉ đạo của Chính phủ trong suốt cả một năm.
Đó là lấy kỷ cương, liêm chính làm nền tảng; phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn; phải đổi mới, sáng tạo nhiều hơn và gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phải tái cơ cấu mô hình kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng để từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Post a Comment