Số liệu thống kê doanh nghiệp giai đoạn 2010-2016 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang có những mảng màu sáng, tối đan xen.

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2017, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động khoảng 561 nghìn doanh nghiệp (không tính doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa hoạt động, doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký). 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thông kê, dù có con số thống kê doanh nghiệp đến hết năm 2017 nhưng điều tra của Tổng cục Thông kê về doanh thu, lao động, lợi nhuận và nộp ngân sách chỉ tính đến cuối năm 2016 trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là trên 505 nghìn doanh nghiệp.

Trong tổng số hơn 505 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, dịch vụ là khu vực hiện có số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động cao nhất trong các khu vực kinh tế.

Tại thời điểm 31/12/2016, số doanh nghiệp đang hoạt động của khu vực dịch vụ là 354 nghìn doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này tăng thêm 11,5% số doanh nghiệp. Mặc dù số lượng doanh nghiệp của khu vực này là cao nhất song lại là khu vực thu hút lao động thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng,

Theo ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thông kê), khu vực thứ hai có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn là công nghiệp và xây dựng. Tại thời điểm 31/12/2016, khu vực này có 146 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này tăng thêm 8% số doanh nghiệp.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp hoạt động rất ít, thời điểm 31/12/2016 khu vực này chỉ có gần 4,5 nghìn doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này tăng thêm 9,6% số doanh nghiệp.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, xét theo thành phần kinh tế, giai đoạn 2010-2016 chứng kiến xu hướng sụt giảm số doanh nghiệp Nhà nước với mức giảm trung bình 3,4%. Đến cuối 2016, có 1,31 triệu lao động làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 9,3% lao động toàn doanh nghiệp.

"Mặc dù doanh nghiệp Nhà nước giảm về số lượng nhưng đều là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên vốn thu hút vào sản xuất - kinh doanh vẫn còn lớn. Cuối năm 2016, tổng vốn huy động của doanh nghiệp Nhà nước đạt 8,36 triệu tỷ đồng; chiếm 27,7% tổng vốn của toàn bộ doanh nghiệp. Bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh nghiệp Nhà nước vẫn thu hút thêm 13% vốn cho sản xuất - kinh doanh", ông Lâm nói.

Năm 2016, các doanh nghiệp Nhà nước tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước tăng 6%.

Theo ông Thuý, có nhiều nguyên nhân khiến việc đóng góp ngân sách của khu vực FDI ít. Đầu tiên, do chính sách thu hút FDI nên các doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao như lắp rắp, phân phối sản phẩm viễn thông, linh kiện điện tử được miễn giảm nhiều loại thuế, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Để giải quyết hạn chế của khu vực FDI, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, bộ ngành rà soát chặt chẽ để khống chế việc các địa phương cho ưu đãi vượt mức để thu hút dự án FDI, nhằm tạo công bằng cho các khu vực kinh tế", ông Thuý khuyến nghị.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top