Kỳ họp thứ năm của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 4/12/2017 đã quyết định điều chỉnh mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thông minh.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, kết thúc năm 2017, kinh tế Hà Nội đã đạt mức tăng trưởng 8,5% đúng với kế hoạch đề ra, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác dự kiến đều hoàn thành kế hoạch, trong đó thu ngân sách trên địa bàn vượt 1,4% dự toán.
Cơ sở thành phố thông minh đã hình thành
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Hà Nội đã ưu tiên lựa chọn 4 lĩnh vực là y tế, giáo dục, giao thông và du lịch trong việc xây dựng Smart City. Và năm 2017, cả 4 vấn đề trên đã bắt đầu được triển khai kết hợp với việc xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính, làm nền tảng cho xây dựng Smart City.
Về giao thông vận tải nội đô, Hà Nội đã đưa ứng dụng Iparking thông minh, tiện lợi vào hoạt động để giúp người sử dụng tìm kiếm và trả tiền đậu ôtô qua điện thoại. Sắp tới ứng dụng này sẽ được triển khai trên tất cả các quận của Hà Nội.
Đồng thời, hệ thống bản đồ số giao thông Hà Nội cũng đang được gấp rút đưa vào sử dụng nhằm cung cấp cho người dân và du khách các thông tin về tình trạng giao thông, quản lý vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.
Về giáo dục, hệ thống sổ điểm, sổ liên lạc điện tử đã được sử dụng cùng hệ thống tuyển sinh trực tuyến với hơn 2.700 trường học, 250.000 gia đình tham gia với hơn 6,3 triệu lượt truy cập vào cổng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến tham gia. Hiện tỷ lệ đăng ký hồ sơ trực tuyến của cả 3 cấp học cấp đạt 70,68%...
Về công tác quản lý y tế, Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử. Hiện đã lập được gần 900.000 hồ sơ.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu 7,5 triệu dân Thủ đô đã được xây dựng để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác điều hành của thành phố. Cổng giao tiếp điện tử thành phố cũng cung cấp thông tin về quan trắc không khí, môi trường nước hồ Tây, lượng mưa, bản đồ úng ngập...
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm, Hà Nội đang chú trọng xây dựng chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36A của Chính phủ, đồng thời khẳng định việc xây dựng Smart City là hướng đi bắt buộc của mình.
Các yếu tố cốt lõi của một Smart City
Với cách xây dựng Smart City nhằm giải quyết các vấn đề nóng trong quản lý đô thị như vậy là phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Hà Nội.
Qua hoạt động của một số Smart City đã hình thành trên thế giới, nhiều chuyên gia đã rút ra một số yếu tố cốt lõi của.
Đó là: thứ nhất cần một hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiện đại đủ phủ kín thành phố. Hệ thống ICT đảm bảo trong thành phố "vạn vật được kết nối" (Internet of Things).
Tức là qua hỗ trợ của ICT cư dân sống trong thành phố sẽ kết nối được với thiên nhiên, nhà ở, đường xá, cây cối, nhà bếp, xe cộ...
Để làm được điều đó, người ta phải sử dụng các thiết bị công nghệ cao (high technical) như các cảm biến đa chủng (sensor), camera, mạng không dây tốc độ cao, các đường truyền cáp quang, xử lý dữ liệu lớn, tốc độ cực nhanh, kết nối liên thông các lĩnh vực kỹ thuật và phi kỹ thuật, thêm vào nữa là ứng dụng tự động hoá trong sản xuất và đời sống, chẳng hạn robot, xe không người lái....
Thứ hai, phải quy hoạch xây dựng một hạ tầng hiện đại, đồng bộ ở những lĩnh vực định ứng dụng các "thông minh" như như giao thông, bệnh viện, trường học... Các lĩnh vực này phải được quy hoạch trong hệ thống nền móng quản lý đô thị bài bản.
Thứ ba, đó là công dân thông minh (Smart Citizen) có việc làm đầy đủ với thu nhập cao. Đây được coi là một trong số các yếu tố quyết định sự thành bại của Smart City.
Thứ tư, cần phải có một đội ngũ chuyên gia cực giỏi, toàn diện và trung thành với lợi ích nhân dân để quản lý, vận hành một hệ thống kỹ thuật của Smart City.
Thứ năm, cần phải có "chính quyền thông minh", "lãnh đạo thông minh", gồm những người có tài, có tâm, minh bạch, bởi chính quyền thông minh sẽ biết ra quyết sách đúng, lựa chọn đúng lĩnh vực ưu tiên, quyết định mức đầu tư phù hợp và biết cách duy trì thành quả lâu dài cho Smart City.
Các thành phố phải thể hiện rõ sự thông minh của nó trên các lĩnh vực kinh tế, hành xử môi trường, quản trị, lối sống, giao thông và công dân thông minh.
Khái niệm đô thị thông minh rất rộng nên mỗi thành phố khi xây dựng cần đưa ra những mục tiêu, cách tiếp cận và cách làm khác nhau để phù hợp với lộ trình phát triển. Đối với Hà Nội, lộ trình xây dựng Smart City sẽ có 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ 2016-2020: hình thành cơ bản các thành phần như nền tảng cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống thông minh: giao thông, du lịch, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh trật tự...
Giai đoạn hai 2020-2025: coi người dân là trung tâm, người dân sẽ tham gia quản lý, hình thành kinh tế số. Giai đoạn ba từ 2025-2030: Hà Nội sẽ là Smart City phát triển cao...
Những thách thức trên lộ trình thành Smart City
Hiện Hà Nội đang có rất nhiều thuận lợi trong việc xây dựng Smart City. Đó là dễ kêu gọi sự đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước như Viettel, VNPT, FPT, CMC... và một số tập đoàn nước ngoài lớn như Microsoft để thực hiện trong các lĩnh vực kể trên.
Nhiều nước có kinh nghiệm xây dựng Smart City như Singapore cũng đang mong muốn hợp tác với Hà Nội trong các lĩnh vực này. Thủ tướng Lý Hiển Long trong một lần hội đàm với lãnh đạo Hà Nội cũng cho biết, Singapore luôn mong muốn hợp tác với Hà Nội để đầu tư, xây dựng các khu công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp phần mềm và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Smart City.
Singapore sẵn sàng tạo điều kiện cho các cán bộ của thành phốHà Nội cũng như của Việt Nam tham gia các khóa đào tạo tại Singapore, trong đó có Trường Hành chính công Lý Quang Diệu.
Mặt khác, Hà Nội còn có nhiều lợi thế mà các địa phương khác không thể có, đó là tiềm năng chất xám với gần 80% số giáo sư, phó giáo sư; trên 80% chuyên gia đầu ngành và trên 1/3 trường đại học, viện nghiên cứu làm việc trực tiếp trên địa bàn.
Tất nhiên, Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trên lộ trình xây dựng Smart City. Ngoài những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật ICT chưa hiện đại thì nền tảng hạ tầng kỹ thuật chung đang làm tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, một khó khăn cốt lõi nữa là làm sao có nguồn nhân lực đủ chất lượng đáp ứng cho Smart City, vận hành chính phủ điện tử. Công nghệ là nền tảng quan trọng của Smart City tạo ra sự kết nối giữa chính phủ, doanh nghiệp với người dân, nhưng con người mới quyết định sự thành bại của Smart City.
Khó khăn, thách thức như vậy, nhưng thời gian qua Hà Nội đã có những bước chuẩn bị về nền tảng khá tốt để xây dựng Smart City đúng lộ trình đề ra.
Và mới đây Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh "Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước thành phốHà Nội giai đoạn 2016-2020".
Với mức kinh phí thực hiện được điều chỉnh từ 1.252 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, chương trình là nền tảng quan trọng để Hà Nội xây dựng chính phủ điện tử, Smart City nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền Hà Nội bước sang năm 2018 cần kiên quyết thực hiện tốt 3 khâu đột mà Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Đó là phát triển đồng bộ hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Những đột phá đó sẽ tác động mạnh mẽ đến tốc độ thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Smart City vào năm 2030.
Post a Comment