Thứ trưởng Phạm Minh Huân chủ trì buổi họp báo chiều 2/8 tại Hà Nội, sau khi ông đã chủ trì họp Hội đồng Tiền lương quốc gia sáng cùng ngày tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Phiên họp lần thứ 2 ngày 2/8 của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã được tổ chức tại khu nghỉ mát Tam Đảo (Vĩnh Phúc), trong khi phiên họp lần 1 được tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng hồi trung tuần tháng 7 vừa qua.

Việc phải “đi xa Hà Nội” để họp về tiền lương của Hội đồng Tiền lương quốc gia liệu có hợp lý khi mà Thủ tướng ngay trước đó một ngày đã có chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan phải tăng cường họp trực tuyến, tránh tình trạng triệu tập họp, hạn chế đi lại để tiết kiệm, chống lãng phí.

Câu chuyện “đến các khu nghỉ mát” để họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã được báo chí chất vấn vị Chủ tịch – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân tại cuộc họp báo, chỉ sau vài giờ cuộc họp của các bên kết thúc tại Tam Đảo.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, việc họp xa Hà Nội là có lý do và Hội đồng đã cân nhắc. Bởi năm ngoái, khi Hội đồng họp về tiền lương ngay tại trụ sở của Bộ, báo chí đã có mặt rất đông. Sau đó, một số báo lại thông tin chưa chuẩn, giật tít nhiều chiều gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận.

Bên cạnh đó, lần này, Hội đồng tiền lương đã chọn cách họp xa Hà Nội để các bên có thời gian tập trung nghiên cứu, tham khảo tài liệu để thảo luận.

“Chúng tôi rất cảm ơn báo chí đã thông tin trực tiếp, nhưng cũng phải xin lỗi báo giới vì việc này làm vấn đề “nóng” quá gây khó nhiều mặt. Nếu báo chí thông tin bình thường thì đúng mực hơn”, ông Huân nói.

Cũng chính vì tổ chức tại Tam Đảo, nên theo thông tin của một cán bộ trong Hội đồng Tiền lương quốc gia tiết lộ với VnEconomy, trong cuộc họp ngày 2/8 tại Tam Đảo, chỉ có khoảng 1-2 phóng viên tham dự cuộc họp, thay vì chen kín hội trường như lần tổ chức tại Hà Nội năm 2015.

Lý giải về nguồn kinh phí tổ chức họp tại Đồ Sơn và Tam Đảo, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, kinh phí của Hội đồng Tiền lương quốc gia hết sức hạn hẹp, ngân sách có dành một khoản tổ chức họp nhưng không đáng kể nên đã chọn nơi rẻ nhất để làm.

“Chúng tôi phải vận động xin chỗ này chỗ khác một chút và xác định đây là công việc, nên anh em họp không có bồi dưỡng gì. Chỉ có thuê 1 xe tới đó nghỉ 1 đêm. Số còn lại thì sáng sớm đến”, ông Huân nói.

Trước đó, sau nhiều giờ thương lượng, đại diện cho 2 nhóm lợi ích là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện chủ sử dụng lao động đã đạt được thỏa thuận về việc tăng 7,3% lương tối thiểu của năm 2017.

Cụ thể mức tăng đối với lao động ở các địa phương thuộc vùng 1 là 250.000 đồng, từ 3,5 triệu lên 3,5 triệu/tháng) tương đương 7,1 %. Vùng 2 tăng 220.000 đồng, từ mức 3,1 triệu lên 3,32 triệu ( tăng 7,1 %), vùng 3 tăng 200.000 đồng, từ mức 2,7 triệu lên 2,9 triệu (7,4 %) và vùng 4 là 180.000 đồng, từ mức 2,4 triệu lên mức 2,58 triệu (7,9 %).

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top