Ngựa Tuyệt Ảnh dũng mãnh đến mức bị trúng ba mũi tên nhưng vẫn cố phi nước đại gấp rút cứu chủ. Ngựa chỉ gục ngã khi mắt bị trúng tên.
Ngựa Tuyệt Ảnh - Hoàn thành sứ mệnh đến chết
Tuyệt Ảnh là tên chú ngựa Tào Tháo dùng mỗi khi ra trận. Tên của nó mang hàm nghĩa phi rất nhanh, đến cái bóng cũng không đuổi được. Cũng nhờ sự nhanh nhạy từ chú ngựa này, Tào Tháo bao phen xông pha trận mạc. Có lúc, ông bị thua tan tác nhưng chạy thoát rất nhanh. Nhờ đó, càng ngày, Tào Tháo càng coi ngựa Tuyệt Ảnh như con vật hộ mệnh.
Tương truyền, Tào Tháo đem quân đánh Trương Tú ở Nam Dương. Liệu sức không kháng cự được quân Tào, Trương Tú liền vội vã dâng thành xin hàng. Tuy nhiên, mới chiếm được thành, thay vì tập trung ổn định tình hình tại Nam Dương, Tào Tháo sa vào tửu sắc.
Điều đáng nói ở đây, người mà Tào Tháo bắt về nhằm tư thông chính là thím của Trương Tú. Hay tin, họ Trương căm phẫn vô bờ. Y liền mưu ngầm chuẩn bị cuộc báo thù.
Sau nhiều ngày dò dẫm tình hình đại bản doanh quân Tào, chỉ 10 ngày sau khi dâng thành, Trương Tú đánh úp Nam Dương. Lúc đó, Tào Tháo vẫn đang say giấc nồng bên mỹ nhân. Quân Tào bị đánh bất ngờ nên không kịp trở tay.
Ngoài việc nhờ có tướng quân Điển Vi liều mạng cứu chúa, ngựa Tuyệt Ảnh phi những bước rất nhanh giúp Tào Tháo thoát khỏi đám loạn quân đang thua to. Chiến mã này dũng mãnh đến mức bị trúng ba mũi tên nhưng vẫn cố phi nước đại gấp rút cứu chủ. Ngựa chỉ gục ngã khi dính mũi tên vào mắt.
Sau trận này, tuy tướng quân Văn Tắc giúp chuyển bại thành thắng nhưng Tào Tháo tổn thất nặng nề. Tướng giỏi Điển Vi cùng con trai Tào Ngang, cháu yêu Tào An Dân chết mất xác trong đám loạn quân. Nếu không có sự can trường của ngựa Tuyệt Ảnh thì Tào Tháo đã chịu kết cục bi thảm như vị tướng kia cùng con cháu.
Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử gắn với huyền thoại cứu ấu chúa của Triệu Vân
Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử của tướng quân Triệu Vân (tự Tử Long) toàn thân lông trắng như tuyết, tương truyền một ngày có thể đi hàng nghìn dặm. Ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có một hàng lông dày, trông giống như sư tử, tính khí nóng nảy. Sau này lớn lên tính khí bớt nóng nảy hơn, buổi tối, con ngựa này còn phát ra ánh sáng trắng bạc, vì vậy mới có tên là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử .
Triệu Vân vốn làm tướng dưới trướng Công Tôn Toản - 1 quân phiệt thời Tam Quốc. Viên Thiệu đem quân diệt Công Tôn Toản giữa lúc Triệu Vân về chịu tang anh trai.
Triệu Vân thu dọn tàn quân về đầu quân dưới trướng Lưu Bị.
Kể từ đó, ông trở thành một trong ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán. Ông được Lưu Bị hết sức trọng dụng. Triệu Vân có mặt trong hầu hết những chiến dịch quan trọng thời Tam Quốc. Kể cả lúc Lưu Bị qua đời, ông vẫn phụng sự đắc lực triều đình Thục Hán. Triệu Vân là mãnh tướng cuối cùng qua đời trong ngũ hổ tướng.
Bên cạnh ông, chú ngựa Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử luôn đồng hành trên mọi chiến trường khốc liệt nhất. Trong lần quân Lưu Bị bị Tào Tháo vây hãm tại trận cầu Trường Bản, Triệu Vân được lệnh bảo vệ ấu chúa A Đẩu (con trai Lưu Bị).
Thời điểm đó, Lưu Bị chinh chiến suốt nửa đời người mới có một mụn con. Quân Tào biết được A Đẩu cùng Triệu Vân đang bị vây hãm nên ra sức truy kích. Tình hình cấp bách, Triệu Vân buộc lòng phải mang theo một toán quân nhỏ ra sức phá vòng vây quân Tào.
Đến Đương Dương, vòng vây càng siết chặt hơn. Ông ra sức phá vòng vây giết được hàng chục tướng tiên phong của Tào Tháo. Chứng kiến cảnh Triệu Vân phá vòng vây, Tào Tháo biết ông là một mãnh tướng phi thường liền ra lệnh bắt sống bằng được.
Tuy nhiên, ngồi trên lưng ngựa Dạ Chiếu, Triệu Vân tiếp tục tả xung hữu đột. Chiến bào ông nhuốm đầy máu quân thù. Quân Tào vây càng chặt hơn nhưng trước sức mạnh phi thường từ Triệu Vân thì đành bất lực.
Phá tan vòng vây, ông trở về gặp Lưu Bị. Bị hết sức cảm động nên ngày càng tin tưởng ông hơn. Từ đó, Triệu Vân luôn được giao những nhiệm vụ quan trọng về quân sự dưới thời Thục Hán. Sau này, khi Lưu Bị mất, ông cùng với thừa tướng Gia Cát Lượng tạo lập thêm nhiều chiến công hiển hách.
Chiến mã Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử với những bước chạy thần tốc cùng ông vùng vẫy trên khắp các chiến trường. Để rồi, tên tuổi Triệu Vân mãi lưu danh sử sách cùng với giai thoại phá vòng Đương Dương huyền thoại khi cưỡi ngựa Dạ Chiếu.
Ô Vân Đạp Tuyết bên người anh hùng trên cầu Trường Bản
Chiến mã này còn có tên khác là Vương Mã Truy. Toàn thân ngựa màu đen nhưng bốn vó màu trắng. Ngựa này do Trương Phi cưỡi.
Trương Phi vốn kết nghĩa cùng Lưu Bị, Quan Vũ. Để rồi, ông cũng trở thành mãnh tướng dưới triều Thục Hán. Ông tham gia vào lực lượng nghĩa quân do Lưu Bị chỉ huy từ những ngày đầu.
Trương Phi gắn với nhiều chiến công vang dội trong lịch sử. Ông ra trận khí thế rất hăng. Kẻ thù khiếp sợ trước oai phong ông. Chú ngựa Ô Vân Đạp Tuyết được ông cưng chiều. Sau mỗi trận đánh, Trương Phi đều tự tay chăm sóc ngựa hết sức chu đáo.
Trong trận đánh tại cầu Trường Bản thời Tam Quốc, quân Lưu Bị thua to. Ông được chỉ định làm tướng chặn hậu nhằm giúp Lưu Bị bảo toàn lực lượng rút lui. Bằng sự mưu trí, Trương Phi ra lệnh cho quân lính buộc vào đuôi ngựa những thân cây non, rồi quân lính phi ngựa khắp hậu quân để khiến bụi tung mù trời.
Kế này khiến cho quân Tào nghi có mai phục nên tạm dừng lại. Đến lúc quân Tào đuổi tới cầu Trường Bản, Tào Tháo ra lệnh dừng lại thăm dò. Trương Phi cưỡi ngựa Ô Vân khiêu chiến. Sẵn tính đa nghi, Tào Tháo không vội vàng truy kích. Ông ra lệnh cho 1 viên tướng ra giao chiến với Trương Phi.
Lúc này, Trương Phi thét lớn khiến cho tướng quân Tào sợ quá vỡ mật mà chết. Điều đó khiến cho nhiều tướng quân Tào khác sợ hãi không dám giao chiến. Tào Tháo buộc phải rút quân về một phần sợ bị mai phục, mặt khác do lòng quân dao động.
Giai thoại này được khắc họa rõ nét qua tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Sau này, ngựa Ô Vân cùng Trương Phi tạo ra sự dũng mãnh trong nhiều trận đánh quyết định tạo ra cơ đồ nhà Thục Hán.
Hình ảnh Trương Phi cưỡi chiến mã Ô Vân Đạp Tuyết trên cầu Trường Bản được khắc họa không chỉ trong sử sách, mà còn trong nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Post a Comment