Thứ trưởng Đặng Huy Đông - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Khi có uỷ ban quản lý giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thoát cảnh “một cổ 5 - 6 tròng”.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại một hội thảo về vấn đề đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 23/8.

Quyết tâm chính trị

Tại hội thảo, một số ý kiến còn băn khoăn về quyết tâm chính trị của  Việt Nam trong việc tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.

Ý kiến khác lo ngại dù có lập uỷ ban chuyên trách thì vẫn là cơ quan hành chính làm công việc hành chính mà rất nhiều bộ đang làm mà thôi.

Bên cạnh đó, chọn mô hình nào, theo mô hình Temasek của Singapore, SASAC của Trung Quốc hay là SCIC mới của Việt Nam cũng là vấn đề được bàn thảo với nhiều băn khoăn.

Đề cập một số ý kiến đặt vấn đề còn hoài nghi, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, quyết tâm chính trị tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước đã rất rõ ràng.

“Đây là tư tưởng lớn, không còn hoài nghi, về mặt chính thống tất cả các nhà chính trị Việt Nam không ai nói ngược lại quan điểm này, đã đến giai đoạn làm thế nào chứ không phải có tách ra hay không”, ông Đông khẳng định.

Về băn khoăn là sau khi có cơ quan chuyên trách thì các bộ ngành chủ quản sẽ như thế nào, ông Đông nói, khi dự thảo nghị định lần đầu đưa ra dư luận xã hội cũng đã dội lên, xuất phát từ quan điểm của một số bộ, ngành mà trong đó có hai bộ nổi bật nhưng ông không tiện nêu tên.

Đó là, phải chăng mô hình mới là gộp nhiều bộ thành một bộ, và bộ này là “siêu bộ”?

Ông Đông nhấn mạnh, nếu không hiểu căn nguyên thì sẽ cho là thế, nhưng câu trả lời là khác hẳn.

Khác, theo phân tích của Thứ trưởng là, nếu các doanh nghiệp Nhà nước vẫn nằm theo bộ chuyên ngành thì không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức kinh tế. Trong khi đó, không biệt các thành phần kinh tế, là tuyên ngôn rất rõ rệt của Việt Nam.

Ông Đông dẫn giải, nếu doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng vẫn nằm ở Bộ Công Thương thì khi một doanh nghiệp khai khoáng tư nhân vi phạm pháp luật thì doanh nghiệp này cho rằng họ sẽ bị xử nghiêm, còn nếu doanh nghiệp của bộ nếu có vi phạm thì sẽ được nương nhẹ.

Nếu tách ra thì các bộ chuyên ngành quản lý Nhà nước theo đúng chức năng của họ, dù là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước thì cũng xử lý cùng trên một nền pháp luật, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Không thể gọi là “siêu bộ”

Trở lại vấn đề uỷ ban chuyên trách có phải là “siêu bộ” hay không, ông Đông khẳng định không thể gọi đấy là “siêu bộ” mà cơ quan này chỉ thực hiện đúng chức năng đặt ra ở trong nghị định. Sẽ không có chuyện uỷ ban này xuống điều hành từng doanh nghiệp, đấy là hiểu sai cơ bản, ông quả quyết.

Phân tích sâu hơn, Thứ trưởng Đông cho biết, hiện nay các doanh nghiệp Nhà nước phải báo cáo về nhân sự với Bộ Nội vụ, tiền lương với Bộ Lao động - Thương binh xã hội, báo cáo về chuyên môn với bộ chủ quản, báo cáo về tài chính với Bộ Tài chính.

Họ cũng phải báo cáo với Bộ Kế hoạch về về chiến lược hoạt động, về các dự án lớn... Như thế là “một cổ 5 - 6 tròng”.

“Chúng tôi đã khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều nói là muốn báo cáo về một nơi, và ủng hộ mô hình uỷ ban chuyên trách. Uỷ ban này có quản lý đến tận công việc hàng ngày không? Câu trả lời là không”, Thứ trưởng khẳng định.

Ông Đông cũng nhấn mạnh, việc lập uỷ ban không nhằm làm các doanh nghiệp Nhà nước bé đi, mà chỉ làm nhỏ dần đi những phần mà doanh nghiệp Nhà nước không cần tham gia. Về tổng thể GDP lớn lên, nhưng  tỷ trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong GDP có thể bé đi.

Thêm một lần trở lại băn khoăn về hai chữ “siêu bộ”, nhắc đến tài sản của doanh nghiệp Nhà nước là 5 triệu tỷ đồng, Thứ trưởng Đông cho rằng nói to hay nhỏ phải tính theo tương quan nền kinh tế.

“5 triệu tỷ VND thì thế giới có nhiều tập đoàn lớn gấp đôi gấp ba, điều quan trọng là quản lý cách gì và có tường minh hay không”, Thứ trưởng bày tỏ quan điểm.  

Đảng khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền, gần đây Chính phủ đã làm nhiều việc theo phong cách đó. Sau khẳng định này, Thứ trưởng Đông nói thêm là trên thực tế, “đâu đó có người mong muốn can thiệp vào doanh nghiệp để trục lợi cá nhân”, thì quyền đó sẽ bị hạn chế bởi nghị định này. Cơ hội đó hầu như là không có, ông chắc chắn.

Liên quan đến mô hình của cơ quan chuyên trách, không nghiêng hẳn về mô hình nào như đã nói trên, Thứ trưởng Đông nói, mỗi quốc gia phải chọn cho mình mô hình phù hợp và tốt nhất cho đất nước, trên nguyên tắc tôn trọng các nguyên lý lớn là công khai minh bạch đi liền với trách nhiệm giải trình, kinh tế Nhà nước không tranh giành với khu vực tư nhân.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top