Sạt lở nghiêm trọng ở Trạm Tấu – Yên Bái (TTO)
Nếu có một điều ước, nhiều người sẽ ước giá như hung thủ trong vụ án ở Yên Bái là một bệnh nhân tâm thần! Biết đâu, nó còn có tác dụng như một cái mấu, để niềm tin xã hội có chỗ mà bấu víu.
1. Cần một bệnh nhân tâm thần
Sạt lở nghiêm trọng ở Trạm Tấu – Yên Bái (TTO)
Cả TP Yên Bái đã chìm trong nước. Nước mưa, từ cơn bão số 3. Và cả nước mắt nữa.
Có quá nhiều con số về thiệt hại. Và đau thương đã giáng xuống gia đình cụ Hờ Chông Vinh ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Cả gia đình đang ở trong nhà thì đất đá trên núi sạt ầm ập lở xuống. 2 người trong gia đình đã thiệt mạng.
Thôi thì của cát bụi thì lại về với cát bụi.
Nhưng có những cái chết đặt ra những câu hỏi với người còn sống. Năm nào cũng có bão. Mới chỉ là cơn bão số 3. Bao nhiêu cái chết. Và còn bao nhiêu người nữa phải chết?.
Cũng ở Yên Bái, tôi đọc thấy ba chữ “tham – sân – si” trong vụ thảm án với những lời rất đau “Chỉ họ biết rõ nhất điều gì giữa họ với nhau, biết rõ điều gì khiến họ đang là đồng chí, bỗng chốc trở thành kẻ không đội trời chung, chỉ cách nhau bằng những tiếng súng nổ đanh chát, lạnh lùng. Dù họ rồi đây vẫn phải “nằm chung” – ở nghĩa địa, chí ít là chung nhau… cát bụi”.
Giá như có một bệnh nhân tâm thần! Biết đâu, nó còn có tác dụng như một cái mấu, để niềm tin xã hội có chỗ mà bấu víu. Xem tại đây
2. Khi chúng ta “thừa biết” nhưng im lặng
Một đội phó Quy tắc đô thị hôm qua đã bị Công an bắt quả tang trong khi đang nhận tiền hối lộ.
Có nhiều điểu đáng nói trong bản tin có vẻ rất bé nhỏ và lọt thỏm này.
Đó là việc một viên “đội phó” hạng con tôm con tép cũng có thể hành để ăn hối lộ ngay cả đối với những người buôn thúng bán mưng mà chúng ta vẫn gọi là “ngồi lê vỉa hè”.
Đó là việc nhận hối lộ gần như công khai.
Đó là tồn tại trong thực tế một thứ luật vỉa hè, như một thứ lệ làng.
Và nếu để ý, bạn sẽ thấy sự dửng dưng trong chính mình khi hàng ngày được nghe, chứng kiến, và “thừa biết” những hành vi đó – rất nhiều, ngay xung quanh cuộc sống của chúng ta. Xem tại đây
3. Anh hùng giải phóng mặt bằng và cái kết đắng
“Người hùng giải phóng mặt bằng” cho Formosa đang chờ ngày ra tòa (TPO)
Báo Tiền Phong vừa trở lại Kỳ Anh gặp “Anh hùng giải phóng mặt bằng”, nguyên Chủ tịch Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng.
Ông Bổng năm nào từng hùng hổ cưỡi xe xúc phá miếu giờ đang ngồi chờ ngày ra tòa.
Di dời 2.200 hộ, 10.000 nhân khẩu, 36 nhà thờ, hơn 16.000 ngôi mộ… tại 5 xã, bàn giao hơn 3.000 ha đất và mặt nước cho nhà đầu tư. Năm đó, Hà Tĩnh huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn tuyên truyền vận động… Thời điểm căng thẳng, tỉnh huy động cả giáo viên, công chức, viên chức về vận động gia đình, bà con, dòng họ… Mềm mỏng có, cứng rắn có. Trung bình, mỗi gia đình, các đoàn công tác gặp 25- 30 lần, cá biệt có hộ gần 90 lần.
Thậm chí, cả biện pháp “đặt phong bì lên bàn thờ, xin keo (gieo âm dương). Người âm chấp nhận, chuyển luôn” – lời “Anh hùng giải phóng mặt bằng”.
Tất cả vì Formosa. Vì đại dự án lớn nhất Đông Nam Á. Vì “những 10 tỉ USD”.
Tết năm 2009, sau khi đoàn xe chở tiền đền bù của Formosa rời đi, có gia đình ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh đã mua cả chục chiếc xe máy một lúc; còn điện thoại thì “mua cả nắm”…
Cuộc đổi đời ấy kết thúc rất chóng vánh. Miệng ăn núi lở. Tiền không phải vỏ hến hay nước biển. Giờ đã đến lúc khó khăn thực sự. Báo Tiền Phong ghi nhận ở Kỳ Anh “Nạn trộm cắp đã bắt đầu hoành hành, tệ nạn mại dâm, nghiện hút không còn xa lạ trong một bộ phận người trẻ…”
Cái giá của “đoàn xe chở tiền” năm nào, còn phải kể thêm là biển chết, là những ngư dân mất nghiệp.
Một cái giá quá đắt! Một cái kết đắng lòng cho không chỉ “người hùng” từng lập kỳ tích giải phóng mặt bằng. Xem tại đây
4. Bãi bỏ “lỗ châu mai”
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Khánh tuyên bố bỏ Thông tư 20 (TTO)
Một tin cực “tươi sáng”, thưa các bạn!
Thông tư 20 về điều kiện nhập xe hơi – một trong những “lỗ châu mai” về giấy phép con đã được Bộ Công thương khẳng định chắc chắn là “sẽ bãi bỏ”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành từng nhìn nhận: Nếu Chính phủ không vượt qua được cái Lô cốt này của Bộ Công Thương, mà Thông tư 20 là một lỗ châu mai, thì toàn bộ “đoàn quân” mang tên Cải cách hành chính và “chiến dịch” cải thiện môi trường kinh doanh do Thủ tướng phát động sẽ bị chặn đứng.
Hoan hô Bộ Công thương. Để tôi kể lợi ích nhé: Nó sẽ làm ô tô nhập khẩu không bị đội giá quá đáng khi phải đáp ứng “một trời thủ tục”.
Hoặc ít nhất, bằng việc bãi bỏ, Bộ đã để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình, thay vì “bảo vệ” là cái cớ để đổ hết chi phí lên đầu họ.
Chỉ mong là thông tư thay thế mà Bộ GTVT đang soạn thảo không “sao y bản chính lỗ châu mai”. Xem tại đây và tại đây
5. Hình ảnh hôm nay: “Con quái vật bỏ túi” Pokemon
Đội mưa bão săn Pokemon
Đội mưa bão săn Pokemon
Đây là 2 bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội 24h qua.
Các bạn có nhìn rõ không?
Những người trẻ đang đội áo mưa săn Pokemon trong công viên, ngay trong thời điểm cơn bão số 3.
Có người đã giận giữ nói đến những đứa trẻ to xác có lớn mà không có khôn, có người thậm chí đã nói đến mức “thế hệ tương lai”, và cả những lời nguyền rủa “não phẳng”.
Nhưng tôi lại thấy khác. Tôi nhìn thấy ở đấy một thành công vang dội cho “Con quái vật bỏ túi” Pokemon. Giá năm ngoái Nguyễn Hà Đông không bị “dìm hàng, soi thuế” từ chính những người anh gọi là đồng bào, đến mức phải tuyên bố xóa bỏ trò chơi – biết đâu con chim của Đông giờ cũng đang làm mưa làm gió khắp thế giới.
Tôi nhìn thấy ở đó một sự đam mê rất đáng yêu. Đừng ném đá lũ trẻ. Chúng vẫn đi học, đi làm, sống lương thiện và đầy đam mê. Đời sợ nhất là chẳng biết thần tượng ai, không tin điều gì, sống chẳng chút đam mê.
Đừng ném đá lũ trẻ, hãy ra công viên mà săn một con Pokemon.
Lao Động
Post a Comment