Các nhà khoa học ước tính rằng lượng nước xả xuống trong trận đại hồng thủy từ 300.000 tới 500.000 mét khối nước/giây. Với con số này, khu vực chịu thiệt hại có thể kéo dài tới 2.000 km.
Theo Tân Hoa xã, trận đại hồng thủy kinh hoàng xảy ra vào khoảng năm 1920, trước Công nguyên (TCN) gắn với sông Hoàng Hà. Theo truyền thuyết Trung Quốc, hoàng đế Hạ Vũ đã "thuần hóa" được cơn lũ dữ và từ đó lập ra nhà Hạ.
Tuy nhiên, trước đó chưa có bằng chứng khoa học nào để kết luận khiến một số học giả tin rằng huyền thoại về hoàng đế Hạ Vũ chỉ là một sự bịa đặt của các sử gia thời đó nhằm phục vụ cho mục đích chính trị, Qinglong Wu, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.
Trong nghiên cứu mới, ông Wu và các đồng nghiệp đưa ra bằng chứng về một trận đại hồng thủy trên sông Hoàng Hà khoảng 4.000 năm trước, bao gồm cả phần còn lại của con đập bị vỡ và trầm tích của hồ nơi con đập được xây.
Ông Wu cho biết trận đại hồng thủy là kết quả của một vụ sạt lở do động đất gây nên. Đất đá sạt lở tạo thành một con đập chặn dòng chảy của sông Hoàng Hà và tạo thành một hồ lớn ở hẻm núi Jishi gần cao nguyên Tây Tạng.
Con đập đã chặn dòng chảy của sông trong khoảng thời gian từ 6 đến 9 tháng trước khi nó bị vỡ.
"Khoảng 11 tới 16 km khối nước tràn xuống trong khoảng thời gian ngắn khi con đập bị vỡ, gây ra trận đại hồng thủy", Tân Hoa xã dẫn lời ông Wu.
Các nhà khoa học ước tính rằng lượng nước xả xuống trong trận đại hồng thủy từ 300.000 tới 500.000 mét khối nước/ giây. Với con số này, khu vực chịu thiệt hại có thể kéo dài tới 2.000 km.
"Trận đại hồng thủy này có thể tương đương với trận lũ lớn nhất đo được ở sông Amazon, con sông lớn nhất thế giới. Nó cũng là một trong số những trận lũ lớn nhất xảy ra trên trái đất trong suốt 10.000 năm", nhà địa chất Darryl Granger, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Theo truyền thuyết, Hoàng đế Hạ Vũ và cha ông phải mất 20 năm để chế ngự được cơn đại hồng thủy.
Post a Comment