Sau khi tranh luận, ông Nguyễn Đình Cung và ông Nguyễn Đức Kiên tiếp tục trao đổi trong giờ giải lao - Ảnh: Mỹ An.

Sự khác biệt của Chính phủ mới chính là tinh thần xoá bỏ rào cản cho doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại hội thảo về Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh, sáng 11/8.

“Bất cứ chính sách nào tạo thuận lợi hơn cho người dân thì nên làm ngay”, ông Cung phát biểu khai mạc hội thảo.

“Không nên chờ đủ 100 vấn đề giải quyết một lúc, mà phát hiện vấn đề nào thì giải quyết vấn đề đó”.

Tinh thần xoá bỏ rào cản, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, đã thể hiện ở nhiều hành động của Chính phủ, từ việc Thủ tướng gặp doanh nghiệp cuối tháng 4 vừa qua, đến việc ban hành nghị quyết về phát triển doanh nghiệp và hàng loạt các công việc khác.

Trong đó, có luật sửa đổi các luật liên quan về đầu tư, kinh doanh được đề xuất với tinh thần thực sự xoá bỏ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Cung cho biết, dù dự thảo luật đã được trình Chính phủ thảo luận, nhưng những thảo luận  lâu nay mới chỉ ra một số điều của các dự án luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, nhưng chưa xác định cụ thể được các vấn đề cần phải giải quyết.

Việc tổ chức hội thảo này, theo Viện trưởng CIEM là nhằm củng cố thêm bằng chứng, làm sâu sắc thêm các lập luận, để thuyết phục được các cơ quan có liên quan và đặc biệt là Quốc hội chấp nhận đưa dự án luật nói trên vào chương trình xây dựng luật.

Đến thời điểm này, theo ông Cung cũng đã có những vấn đề đã thống nhất được, ví dụ bỏ mấy chục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư, đó là cải thiện lớn.

Đăng đàn tiếp theo ông Cung, có cả chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, với rất nhiều kiến nghị cần được sửa đổi.

Hơn một lần phần trình bày của doanh nhân Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận được các tiếng vỗ tay.

Ông Đực cho rằng hiện đang có nhiều thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng có thể đơn giản được.

Thủ tục quá nhiều, quá rườm rà thì doanh nhân khổ, nhưng theo ông Đực người phải chịu đựng chính là nhân dân, cụ thể là người mua nhà, vì bao nhiêu tổn thất do thủ tục, thì chủ đầu tư sẽ đưa hết vào giá bán.

Từ vị trí chủ trì, Viện trưởng Cung khái quát phát biểu của doanh nhân Nguyễn Văn Đực toát lên mong muốn “bao giờ cho đến ngày xưa”. Khi thủ tục càng ngày càng phức tạp và nhiều sáng kiến cải cách ở một số địa phương, trong đó có Tp.HCM đã “chết”, đến Chính phủ cũng có lúc “nói một đằng làm một nẻo”.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quôc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên làm cho hội thảo “nóng” hơn, nhưng ông nhấn mạnh là ông phát biểu với tư cách người làm nghiên cứu.

Ông Kiên nói, việc tiếp cận tài nguyên của đất nước, trong đó có đất đai phải bình đằng. “Xin lỗi anh Đực, 90% những người làm giàu ở Việt Nam hiện nay là nhờ vào đất đai của đất nước”, ông Kiên phát biểu.

Thừa nhận quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong công bố quy hoạch, song ông Kiên cũng cho rằng các doanh nghiệp nên nhìn nhận nhiều chiều chứ không nên chỉ nói một chiều.

Nhắc lại thông tin giá bán nhà từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng một mét vuông như ông Nguyễn Văn Đực đề cập, ông Kiên nhấn mạnh, việc nâng giá đều đổ vào đầu dân, còn doanh nghiệp địa ốc là tầng lớp trung gian, chứ không phải đứng về phía người tiêu dùng.

“Nhà nước phải điều tiết lợi nhuận, không thể nhắm mắt vào điều tiết chỉ cho một nhóm”, ông Kiên nhấn mạnh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top