Tôi 31, chồng 33 tuổi, chúng tôi lập gia đình được 3,5 năm, có một cháu trai 2 tuổi, làm cùng công ty. Chồng tôi rất nóng tính, xuề xòa, lười làm việc nhà, chỉ thỉnh thoảng nấu ăn, ham nhậu, thích tụ tập bạn bè. Lúc rảnh, nếu không đi chơi thì ở nhà nghịch điện thoại, anh không trông con mà cho con xem điện thoại hoặc ăn bim bim để bé ngồi yên. Anh thường ra ngoài không rõ lý do, khi tôi hỏi thì quát to tiếng, không nể nang dù mẹ tôi ở cùng. Có lần anh đánh bài thua bị tôi phát hiện, anh nói dối cho đến khi có người đòi nợ mới chịu thừa nhận. Lần đó, tôi yêu cầu anh viết giấy không giành quyền nuôi con mới đồng ý trả nợ giúp. Anh đã viết, nhưng khi nhậu say thường giằng con khỏi tay tôi, đòi mang đi mặc con hoảng sợ khóc thét. Từ khi quen nhau đến nay, chồng đánh tôi một lần phải khâu ở đầu, 5 lần chửi tục dọa đánh, và một lần gần đây đuổi tôi đi khỏi nhà chồng.
Mẹ tôi lên ở cùng để chăm cháu từ khi tôi đi làm lại đến nay. Mẹ hiền hậu, nhẹ nhàng, kỹ tính và cầu toàn. Khi thấy chồng tôi đi chơi thường nhắc nhở, và vài lần bị anh quát to tiếng. Mẹ khóc nhưng vẫn cố gắng ở lại trông cháu đến khi bé lớn hơn và mẹ đủ yên tâm để bé đi nhà trẻ.
Tôi thẳng tính, ưa sạch sẽ, thường xuyên lau dọn nhà cửa, làm việc nhanh nhẹn, được nhận xét thông minh và kỹ tính. Tôi dành thời gian dẫn con đi dạo, dạy con thế giới xung quanh, đọc thơ, kể chuyện, ngắm trăng. Con biết nhiều, chủ động chào hỏi người lớn, biết bày tỏ yêu thương. Bé biết nói theo cả những câu chửi tục mà chồng hay chửi tôi khi say xỉn. Những lúc ấy, tôi cố gắng nhẹ nhàng bảo bé không nên nói vậy, con rất ngoan và nghe lời.
Gần đây, chồng tôi nói năm nay bố không thích tôi về nhà ăn Tết nên anh bảo tôi cứ ở nhà mẹ đẻ, anh sẽ dẫn con về nhà nội, khi nào tôi muốn gặp con, anh chở đến cho tôi gặp. Tôi không đồng ý và lạy lục van xin đừng tách con khỏi tôi, tôi không thể sống bình thường khi xa con, nhưng anh bảo giữa bố và tôi, anh không làm theo ý tôi được.
Những năm mới cưới, vợ chồng tôi sắm Tết nhà chồng. Nhưng cũng có năm em chồng sắm Tết do 29 tôi mới được nghỉ. Những lần như vậy, em chồng không chịu nhận tiền đi chợ tôi gửi lại và nói bóng gió tôi không lo việc nhà chồng. 3 năm đầu, chồng không có việc làm, lương tôi 4 triệu, Tết không thưởng nên sau khi sắm đồ, tôi chỉ biếu bố chồng 500 nghìn, ông không hài lòng vì không đủ đánh bài 3 ngày Tết. Tôi chỉ biếu bố mẹ đẻ mỗi người 200 nghìn, không sắm đồ gì. 2 năm gần đây lương tôi cao hơn, chồng có việc làm nên Tết bố chồng vui hơn một chút. Ông bảo tôi phải tự làm tất cả việc nhà, không được để chồng làm, con dâu phải phục tùng chồng và gia đình chồng, vì vậy năm nào tôi và bố chồng cũng xích mích. Tính tôi đúng sai rõ ràng, ghét sự gia trưởng hay xem tiền bạc quan trọng hơn. Có năm tôi về nhà mẹ đẻ từ chiều cuối năm do không đồng ý việc bố bảo chồng tôi bỏ tôi đi lấy vợ khác biết phục tùng hơn.
Năm nay, ban đầu chồng tôi tính ăn Tết trên chỗ làm (anh làm ca không được nghỉ), nhưng anh đổi lịch được nghỉ nên tôi sợ không thể giữ con bên mình. Tôi nên làm gì để được ở bên cạnh con và ba mẹ tôi không phải lo lắng trong dịp Tết này. Tôi sẽ làm thủ tục đơn phương ly hôn để giành quyền nuôi con sau Tết. Còn bây giờ tôi chưa có thời gian đi nộp đơn, việc cuối năm lại nhiều không xin nghỉ được. Mong chuyên gia và mọi người cho tôi lời khuyên.
Hòa
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành gợi ý:
Hòa mến,
Để việc ăn Tết dễ chịu, vui vẻ hơn, em có thể bàn với chồng rằng gia đình nhỏ sẽ ăn Tết tại nhà riêng/nhà thuê của 2 vợ chồng; mùng một chồng em sẽ đưa con về Tết bên nội; mùng 2 cả nhà về Tết bên ngoại. Trong trường hợp em không thuyết phục được chồng, thì cứ để anh ấy mang con về ăn Tết bên nội, em ở tại nhà riêng và hẹn ngày cả nhà cùng về Tết bên ngoại.
Còn việc em muốn ly hôn hoặc giữ con bên mình trong dịp Tết không đáng ngại bằng cách yêu con của em hiện nay. Hết lòng vì con là một điều đáng quý, tuy nhiên, khi em dồn tất cả sự quan tâm, mong ước, tình yêu cuộc đời của mình vào con sẽ làm con em bị áp lực, bị “ngộp” và những người xung quanh cảm thấy như bị bỏ rơi. Có lẽ em đã bỏ rơi chính bản thân mình từ khi có con. Thêm vào đó, tình cảm và mối quan hệ với chồng không được như ý nguyện, có thể do em đã dồn nốt phần tình yêu đáng lẽ dành cho chồng sang hết cho con. Việc gắn kết quá chặt vào con khiến em luôn sợ mất bé và sợ bất kì ai làm tổn hại bé. Nỗi sợ đó lớn đến mức chồng đưa con về ăn Tết bên nội cũng khiến em “lạy lục van xin” anh ấy, rằng em không thể sống bình thường khi xa con.
Hãy nghĩ lại quãng thời gian trước khi con đến bên em, em vẫn sống bình thường, không phải sao? Con giúp em cảm nghiệm, thấu hiểu, trưởng thành, học hỏi được nhiều hơn. Nhưng từ khi em giữ khư khư đứa trẻ như là tài sản của mình, em có duy nhất nó, em sợ mất và nó trở thành thứ tình yêu vị kỷ. Con tồn tại chỉ để khẳng định rằng em tồn tại thì không phải đâu! Đừng ràng buộc mình quá chặt với vai trò làm mẹ mà quên mất bản thân mình, em hãy sống một cuộc đời phong phú, đong đầy yêu thương, bình an và hạnh phúc từ trong sâu thẳm tâm hồn chứ không từ những thứ có được bên ngoài. Hãy trở lại với những sở thích, thói quen mà khi làm nó, em thấy hạnh phúc. Và khi em vui vẻ, tỏa ra năng lượng tích cực, cuộc sống và những người xung quanh em sẽ dần tích cực hơn. Em hãy tưởng tượng mình để con về ăn Tết bên nội, rồi thử thả lỏng, "tận hưởng" những ngày thảnh thơi ngắn ngủi ấy. Em có thể quan tâm đến những mối quan hệ quan trọng khác, nuông chiều bản thân một chút như sắm chiếc váy xinh, làm tóc,.... "Tâm an, mọi sự dần an”, người mẹ hạnh phúc là điều giá trị nhất họ có thể trao tặng con mình.
Về việc ly hôn và giành quyền nuôi con, theo luật pháp Việt Nam, quyền nuôi con sẽ được ưu tiên cho người mẹ khi con dưới 36 tháng tuổi. Như vậy, em được ưu tiên nuôi con trước pháp luật. Nhưng em đã từng tìm gặp một người nào đó có khả năng giúp mình học hỏi, điều chỉnh và xây dựng mối quan hệ gia đình tốt hơn chưa?
Thật ra, hơn 3 năm kết hôn chưa phải là dài để vợ chồng em tiếp tục cố gắng xây dựng một tương lai tốt đẹp. Tiếc là có quá nhiều mâu thuẫn trong văn hóa sống giữa 2 vợ chồng, giữa em và gia đình chồng, do không biết cách giải quyết, đã đẩy lên thành xung đột trầm trọng, khiến tổn thương nhau nặng nề. Theo như em kể thì cả 2 đang không muốn hợp tác tìm ra cách giải quyết và dung hòa. Việc chồng đánh em tới mức phải khâu đầu, 5 lần dọa đánh và một lần đuổi vợ ra khỏi nhà chồng chắc đã khiến em cảm thấy ám ảnh, sợ hãi, không an toàn khi sống chung. Và anh ấy không ưu tiên mối quan hệ vợ chồng bằng việc nghe lời bố mẹ, cũng khiến em thấy thiệt thòi, không an tâm với người này. Hơn nữa cách anh ấy sinh hoạt, cư xử cũng làm em lo sẽ ảnh hưởng xấu đến giáo dục con. Vậy nên, em đã tính đến và tự ra quyết định ly hôn đơn phương cho dù con còn nhỏ.
Trong trường hợp em không tìm ra cách để hòa giải mối quan hệ vợ chồng, không còn muốn cố gắng thêm nữa, thì ly hôn cũng là một giải pháp cần thiết giúp cuộc sống của em bớt tệ hơn. Tuy nhiên, em cần nhớ rằng dù có ly hôn thì chồng cũ vẫn là bố của con em và có thể thăm hỏi, dạy dỗ con. Cách sống của anh ấy vẫn phần nào ảnh hưởng đến cuộc đời đứa trẻ. Vì vậy, chị mong em dù tiếp tục sống chung hay ly hôn, hãy cố gắng học cách tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với bố của con mình, có thể trò chuyện và thúc đẩy anh ấy sống tốt thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho đứa trẻ. Chúc em bình an.
Muốn được chuyên gia Trần Kim Thành tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)
Post a Comment