Vợ chồng tôi đều là nhân viên nhà nước, kết hôn được 2 năm, kinh tế khá giả, không có mâu thuẫn về tiền bạc dù tôi tiết kiệm, còn chồng ngược lại. Anh không tệ nạn, rượu chè, trai gái, tính tình phóng khoáng; đồng hồ, điện thoại, xe cộ mua hết cái này đến cái khác. Tôi không ý kiến vì đàn ông thích máy móc, xe cộ cũng không phải tệ nạn xấu xa. Còn tôi thích mua sắm quần áo, váy vóc gì tuỳ thích. Tuy nhiên, chồng tôi là con trai một nên ở nhà được bố mẹ cưng chiều vô cùng, anh không phải động tay vào bất kỳ việc gì. Từ khi tôi sinh, anh chưa từng dỗ dành, chăm sóc con, cũng yêu con lắm nhưng chưa bao giờ bế nổi 3 phút, mọi việc đều là mẹ ruột tôi phụ. Dù nghỉ hay đi làm, anh vẫn có thể thức đến sáng để xem phim, rồi ngủ thẳng đến trưa hôm sau, mặc kệ 2 bà cháu đánh vật với nhau. Tôi đã nói và cũng nhờ bạn bè anh khuyên bảo, nên thời gian này khi được nghỉ dài, anh cũng dậy sớm hơn nhưng là để đi uống cà phê chứ không giúp mẹ tôi việc gì.

Bố mẹ chồng xót con trai, anh mới bế con một lúc đã bắt tôi bế ngay vì sợ con trai mình mệt. Hình như ông bà chỉ muốn lấy con dâu về để chăm lo cho con trai và sinh cháu mà thôi. Hồi bầu hơn 7 tháng, tôi phải dậy sớm bán hàng cho nhà chồng, còn anh vẫn nằm ngủ, đã thế tôi còn phải coi giờ để gọi chồng dậy và nấu ăn cho anh ta nữa. Ở nhà tôi cũng là con gái út được nuông chiều nên cảm thấy rất tủi thân.

Chồng tôi rất gia trưởng độc đoán. Tôi không phải là mẹ anh ta hay ô sin, lấy nhau về là để chăm lo lẫn nhau chứ không phải để phục dịch chồng. Anh ta hay cáu gắt với tôi kể cả trước mặt anh vợ, mẹ vợ hay đồng nghiệp,.... Có lần đang ngồi ăn cùng anh em bên nhà vợ, tôi không nghe thấy anh ta nhờ rót ly nước, thế là anh ta quăng bát đũa, mặt hằm hằm bỏ đi khiến tôi xấu hổ với mọi người. Anh ta luôn muốn tôi phải răm rắp dạ vâng chẳng cần biết đúng sai thế nào. Tôi cảm thấy tự ti và stress kinh khủng. Hôm nào anh ta không có nhà là tôi thấy thoải mái vô cùng. Con 10 tháng tuổi, nhiều lúc tôi muốn bỏ đi hoặc ly dị nhưng thương con quá, cũng sợ bố mẹ sẽ đau lòng và mất mặt. 

Nói thật tôi rất sợ chồng mình, không phải sợ bị đánh, anh ta cũng chưa từng đánh tôi, mà là sợ mất mặt, xấu hổ với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp khi anh ta mắng mỏ, không tôn trọng vợ. Tôi nghĩ đây cũng là một dạng bạo lực gia đình, thậm chí còn đáng sợ hơn động chân tay, nhất là sau sinh phụ nữ dễ bị trầm cảm. Tôi thấy bí bách và cuộc sống bị ức chế vô cùng nên đã khóc rất nhiều, đến trong mơ cũng thấy mình ly dị chồng. Nhờ chuyên gia và mọi người tư vấn giúp, tôi có nên ly dị người chồng gia trưởng, độc đoán này không?

Hạnh

TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN gợi ý:

Chào chị Hạnh,

Chị mới sinh con 10 tháng và đây là giai đoạn nhiều chị em thường hay xuất hiện các biểu hiện trầm cảm sau sinh. Mà những vấn đề thúc đẩy điều này mạnh nhất là thiếu sự hỗ trợ của chồng, của gia đình chồng, không thống nhất được về quan điểm giá trị giữa vợ chồng, áp lực chăm sóc con, tất cả dường như đều đang hiện diện trong hoàn cảnh của chị. 

Vì vậy, thời điểm này, tốt nhất chị nên cố gắng tránh các kích thích hoặc những việc gây stress, đồng thời tìm thật nhiều nguồn hỗ trợ từ bên ngoài xã hội cho mình. Nếu có thể chị hãy bàn bạc thẳng thắn với chồng để về bên ngoại một thời gian; tìm niềm vui trong công việc và rèn luyện sức khỏe; cân nhắc việc thuê giúp việc để hỗ trợ thêm cho chị việc nhà và chăm sóc bé. Thực hiện được những điều này không chỉ tăng sự trợ giúp cho chị, mà còn giảm bớt những áp lực từ bố mẹ chồng chị cùng các trách nhiệm của con dâu. Về lâu dài, nếu chị muốn chồng có trách nhiệm và biết chia sẻ hơn thì nên suy nghĩ phương án sống riêng.

Về chồng chị, văn hóa gốc của gia đình đã tạo nên thói gia trưởng và không có trách nhiệm đỡ đần việc nhà với vợ. Điều này không thể thay đổi một sớm một chiều, đặc biệt là trong bối cảnh bố mẹ chồng vẫn đang ủng hộ, dung túng cho các thói quen đó. Tuy nhiên, lúc này chị chưa nên nghĩ đến việc ly dị. Thứ nhất, nghĩ về nó chỉ làm chị stress hơn. Thứ hai, tâm trạng hiện tại của chị chưa đủ cân bằng để cân nhắc lợi hại và quyết định sáng suốt. Thứ ba, thói quen của chồng chị một phần lỗi do sự chiều chuộng của gia đình anh ta, một phần lỗi do chị không tìm hiểu kỹ hoặc đã biết nhưng vẫn lựa chọn tiến tới hôn nhân. Vì vậy chị nên cho chồng mình có thêm cơ hội hiểu và thay đổi.

Chị cũng nên tập nói “dừng lại” mỗi khi anh ta có biểu hiện bạo hành lời nói hoặc tinh thần; chia sẻ cảm nhận của bản thân khi phải nghe những lời nói hoặc chứng kiến những hành động dằn dỗi của chồng. Chị hãy nhớ rằng sợ bố mẹ đau lòng và mất mặt cũng giống như sợ phẫu thuật khối ung thư, không quyết đoán thì ung thư sẽ di căn và hậu quả thê thảm hơn rất nhiều. Chúc chị bình an, vượt qua khủng hoảng.

Muốn được TS.Trần Thành Nam tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top