Hà Nội sẽ có những ngôi nhà chọc trời; cũng sẽ có những khu đô thị hài hòa giữa thiên nhiên với nhịp sống hiện đại; có những cây cầu mỹ lệ bắc qua các con sông đỏ nặng phù sa với bến du thuyền thơ mộng...
Khi thông tin xây 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống; lấy ý kiến quy hoạch ga Hà Nội; khởi động dự án khu đô thị 4 tỷ đô... được công bố (trong năm 2017), nhiều người kỳ vọng trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ trở thành một đô thị tráng lệ, không thua kém gì các thành phố hiện đại trên thế giới.
Kết nối đồng bộ về hạ tầng
Cuối quý III/2017, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo, đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 6 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống, gồm cầu Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo, Đuống 2 và Giang Biên.
Trong đó, dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại nút giao giữa đường Trần Hưng Đạo với đường Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm), kết thúc tại nút giao cắt với đường Long Biên - Thạch Bàn (Long Biên).
Chiều dài cầu theo dự kiến khoảng 3km, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Để đối ứng nguồn vốn xã hội hóa huy động cho dự án, Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất tại các xã: Dương Xá 34ha, Đông Dư 78,4ha (đều thuộc huyện Gia Lâm).
Ngoài ra còn có quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (Long Biên) với 320ha và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước khoảng 135ha.
Để kết nối chuỗi đô thị phía Bắc với trung tâm thành phố còn có cây cầu Vĩnh Tuy hiện đã hoàn thành giai đoạn 1; giai đoạn 2, Hà Nội sẽ xây dựng thêm một cây cầu nữa với thiết kế và hình dáng giống cầu Vĩnh Tuy hiện nay, hướng trung tâm đi Long Biên.
Tổng chiều dài cầu Vĩnh Tuy 2 vào khoảng 3,5km, với tổng mức đầu tư 2.561 tỷ đồng. Cầu Giang Biên có chiều dài 5,4km, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng được đề xuất thực hiện theo hình thức BT. Hà Nội đã dự trù quỹ đất thanh toán đối ứng tại các ô quy hoạch số 5 - 4 và 7 - 2 phân khu đô thị N9, xã Đình Xuyên, xã Phù Đổng (Gia Lâm).
Kết nối khu vực trung tâm thành phố, từ Tây Hồ đến Đông Anh và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là cây cầu Tứ Liên với tổng chiều dài 3km với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, cũng được đề xuất thực hiện theo hình thức BT.
Dự trù quỹ đất đối ứng 96ha tại các ô quy hoạch số: 4 - 5 của phân khu đô thị N9 xã Yên Thường (Gia Lâm). Còn cầu Thượng Cát giữ vai trò rút ngắn khoảng cách từ khu vực Bắc Từ Liêm, Hoài Đức đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long và Quốc lộ 5 kéo dài.
Dự án cầu Thượng Cát sẽ bao gồm cả đường dẫn hai đầu cầu, dài 4,5km, tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng...
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng cầu qua sông Hồng, sông Đuống không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển giao thông, tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, mà còn tăng mạnh kết nối giao thương, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung và thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng.
"Với triển vọng tương lai về phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối tốt hơn với khu vực trung tâm qua nhiều cây cầu mới, khu vực phía Đông cũng sẽ thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư cũng như người mua nhà để ở.
Hiện đã có một số dự án bên kia cầu đang thu hút một lượng lớn khách hàng quan tâm như ở Việt Hưng, Sài Đồng, Long Biên hay dự án Eurowindow River Park, với nguồn cung khoảng 2.000 căn hộ có giá bán ổn định từ 17 – 20 triệu/m2" – ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản nhận định.
Đẳng cấp và hòa nhập quốc tế
Trong năm qua, Hà Nội cũng đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2000 Khu vực ga Hà Nội và phụ cận, trong đó, đề xuất các công trình xây dựng cao 40 – 70 tầng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Invest, đây là ý tưởng mang tính "cách mạng" và mạnh dạn của thành phố. Bởi nếu muốn cải tạo Hà Nội thành đô thị hiện đại thì không thể giữ nguyên nếp cũ.
Hiện nay, các thành phố lớn của thế giới như New York, Chicago, Tokyo... vô cùng nhiều nhà cao tầng đan xen nhau nhưng vẫn mang vẻ đẹp sang trọng. Với quy hoạch ga Hà Nội, có thể kết nối thành chuỗi nhà cao tầng từ khu vực ga tới khu Kim Liên, tạo thành điểm nhấn cho toàn bộ phía Tây Nam Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc đến mật độ xây dựng cũng như hệ số sử dụng đất để không gây áp lực lớn lên hạ tầng nơi đây.
Trong khi đó, với phía Bắc Thủ đô, giữa năm 2017, thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo cũng đã ký kết hợp tác phát triển thành phố thông minh trị giá hơn 4 tỷ USD.
Qua đó nhằm xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á ở hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, góp phần nâng tầm phát triển đô thị tại Việt Nam. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được triển khai ngay đầu năm 2018.
"Việc xây dựng khu đô thị thông minh tại khu vực Bắc sông Hồng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Với năng lực và kinh nghiệm về quy hoạch hạ tầng, xây dựng và phát triển các dự án bất động sản của mình, với tầm ảnh hưởng và uy tín với Chính phủ Nhật Bản, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, Sumitomo sẽ giúp dự án đạt được mục tiêu quan trọng, tạo dựng một thành phố thông minh, hiện đại, cửa ngõ kết nối Hà Nội, Việt Nam với thế giới" - bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ.
Trước đó, tập đoàn này cũng đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 3 với tổng chiều dài khoảng 12 km. Phần diện tích nghiên cứu lập quy hoạch rộng 2.080 ha.
Cụ thể, đoạn 1 gồm các công trình có chiều cao tối đa khoảng 7 tầng; đoạn 2, các công trình có chiều cao tối đa khoảng 20 tầng; đoạn 3, các công trình có chiều cao tối đa lên tới hơn 100 tầng.
Điểm nhấn trong quy hoạch chính là tòa nhà cao 108 tầng nằm ở khu tháp tài chính - thương mại Phương Trạch. Như vậy, chiều cao các tòa nhà dọc tuyến đường sẽ thấp dần về phía Sân bay Nội Bài.
Về không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, đoạn 1, tạo lập hình ảnh đô thị sinh thái, các công trình thấp tầng, kiến trúc hài hòa, xen lẫn với không gian cảnh quan cây xanh, mặt nước.
Đoạn 2, tạo lập hình ảnh đô thị mang tính hiện đại, sôi động, gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ; các cụm công trình cao tầng kết hợp với các khoảng không gian mở tạo ra không gian đô thị hiện đại, sinh động.
Đoạn 3, tạo lập hình ảnh đô thị mang tính biểu tượng, đặc trưng với các công trình kiến trúc điểm nhấn; là không gian đô thị mới gắn với các hoạt động văn hóa.
Theo quy hoạch, đây cũng sẽ là một khu kiến trúc phức hợp theo mô hình của một thành phố hiện đại với trung tâm tài chính quốc tế, làng văn hóa ASEAN, khu vực hội chợ, các trung tâm văn hóa, thương mại và các trung tâm hội nghị quy mô, tầm cỡ.
Tất cả các hợp phần này được đặt nằm dọc trên phía Bắc sông Hồng. Toàn bộ dự án được xây dựng nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, hướng tới đẳng cấp và sự hòa nhập quốc tế của Thủ đô.
Bộ mặt Thủ đô của thế kỷ 21
Nói về các quy hoạch trên, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, giống như xu hướng trên thế giới, hầu hết các đô thị ngoại vi của Việt Nam hiện nay đều có xu hướng phát triển về hướng sân bay, cảng biển hay theo các con sông lớn.
Do đó, trong tương lai khu vực phía Đông Bắc sông Hồng chắc chắn sẽ rất phát triển.
Trên thực tế thì không chờ đến tương lai, mà hiện nay, nhiều "ông lớn" trong ngành bất động sản đã và đang đầu tư mạnh vào khu vực này.
Ngoài BRG thì Vin Group đang triển khai Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia quy mô khoảng 300ha, trong đó, khoảng 200ha đất khu vực xung quanh để phát triển khu đô thị; Sun Group đang triển khai xây dựng dự án Công viên Kim Quy, nằm tại giao lộ giữa đường Võ Nguyên Giáp với Đường 5 kéo dài khoảng hơn 100ha.
Dự án được xây dựng theo mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu với tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng. Đây cũng là đơn vị đảm nhiệm dự án cầu Tứ Liên trong thời gian tới...
Nhận định về tiềm năng khu vực này, ông Trương Văn Quảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đánh giá: "Phía Bắc sông Hồng là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí, đất đai, cảnh quan, văn hoá, lịch sử... Nếu biết khai thác tốt các tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan sông, hồ, đầm, núi Sóc và chân núi Tam Đảo... chắc chắn sẽ xứng đáng là đô thị cửa ngõ ấn tượng, hấp dẫn phía Bắc Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến Quốc lộ 3, Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân - Nội Bài".
Ông Phạm Sỹ Liêm cũng khẳng định: Khu đô thị mới cửa ngõ Bắc Sông Hồng sẽ góp phần tạo nên bộ mặt hiện đại của Thủ đô Hà Nội trong thế kỷ 21, vì vậy, quá trình đô thị hóa phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu, và hàng năm cần được tổng kết, đánh giá. Đây là trách nhiệm không dễ dàng của chính quyền Thủ đô.
Post a Comment