Tôi 32 tuổi, làm công ty, chồng tôi 36 tuổi, làm trong trường đại học, cưới nhau được 5 năm, có một bé trai 4 tuổi. Vợ chồng đến với nhau do mai mối, đều từng trải qua mối tình đầu sâu đậm, yêu và tìm hiểu nhau được gần một năm rồi cưới. Anh có thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn tôi, thu nhập không dưới 6 triệu, nhưng chỉ đưa cho tôi 6 triệu/tháng. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa tôi và gia đình chồng, anh luôn bênh vực nhà mình trước chẳng cần biết đúng sai. Tôi là người tốt tính nhưng không khéo trong giao tiếp, luôn hết lòng vì gia đình và là trụ cột về kinh tế. Tuy nhiên chồng thường nghi ngờ tôi là mang tiền về cho bố mẹ đẻ. Tôi cũng được mọi người bên nhà chồng thương yêu, quý mến.
Thời gian đầu chúng tôi hạnh phúc, nhưng từ khi có con nhỏ đến nay luôn xảy ra mẫu thuẫn trong cách chăm sóc con, con hay ốm vặt. Anh là người trách nhiệm nhưng rất ích kỷ và gia trưởng, luôn cho mình đúng và tính thiệt hơn với vợ. Có lần anh đòi giết tôi rồi sẽ đi tù và lấy đồ chơi của con ném vào tôi, chúng tôi cũng đã làm đơn ly dị nhưng không mang ra tòa. Sự việc xảy ra hơn một năm nhưng tôi vẫn luôn bị ám ảnh. Từ đó tôi thay đổi cách xưng hô, không kêu anh - em nữa mà xưng ông - tui. Vợ chồng cả ngày có khi không nói với nhau một câu. Khi mâu thuẫn, anh chửi tôi bằng những từ ngữ thậm tệ, tôi giận im lặng cả tháng, anh luôn là người làm hòa trước nhưng không xin lỗi.
Vì anh cực kỳ khó tính, kỹ lưỡng nên hàng xóm ngại đến nhà tôi chơi. Anh không hút thuốc, hạn chế nhậu. Tôi làm việc gì cũng bị anh chê, la mắng, dù tôi và mọi người đều thấy sạch sẽ, gọn gàng. Hiện giờ tôi đã bỏ qua chuyện cũ, xưng hô anh em, và viết email gởi anh xem những điều tôi mong muốn, muốn có gia đình hạnh phúc và được đối xử tình cảm như trước đây, tôi cũng đã thấy cái sai của mình và tự khắc phục, nhưng với anh điều tôi nói không còn ý nghĩa.
Anh nói chuyện với người yêu cũ trên mạng xã hội, khi tôi phát hiện anh đã hét vào mặt tôi và chối là không có. Tôi nói đã nhiều lần chặn mạng xã hội, xóa tên cô ta trong điện thoại của anh, sao vẫn còn liên lạc được. Anh nói đó là bạn bè, cần phải quan tâm nhau chứ chẳng lẽ coi như kẻ thù. Tôi dọa nếu thấy thêm lần nữa sẽ gửi nội dung tin nhắn đến chồng cô ta. Khi biết chuyện này tôi thật sự sốc, rất buồn và mất ngủ nhiều.
Vợ chồng tôi không ngủ chung, một năm ngủ với nhau không đến 10 lần, anh nói giờ chỉ sống vì con thôi chứ rất chán rồi, và tôi cũng vậy. Trước mặt mọi người anh tỏ ra thương vợ nhưng thực tế khác hoàn toàn. Tôi nói nếu anh thấy ngột ngạt, muốn ly dị thì cứ viết đơn, tôi sẽ ký, nhưng tôi sẽ không chủ động làm đơn vì không muốn tự mình đánh mất niềm vui của con, con rất quấn ba. Anh im lặng. Sống với nhau mà mặt luôn lầm lì, không nói lời nào khiến tôi cảm thấy thực sự bế tắc. Mong chuyên gia và bạn đọc cho tôi lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn.
Liên
TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN gợi ý:
Chào Liên,
Qua câu chuyện dài bạn chia sẻ, tôi thấy vợ chồng bạn gặp 3 vấn đề lớn. Đó là không thể giao tiếp hiệu quả với nhau, đã và đang tiếp tục gây thêm vết thương tình cảm cho nhau, và cảm nhận về những thứ xung quanh ngày càng trở nên đối nghịch. Ở tuổi các bạn, nếu một năm quan hệ vợ chồng chưa đến 10 lần thì tính chất thực sự của mối quan hệ đang nằm ở khoảng giữa ly thân và ly dị, mặc dù mỗi người đều có những lý do níu kéo. Để giải quyết vấn đề này cần một quy trình tham vấn trị liệu với thời gian thông thường từ 8-16 phiên làm việc.
Trong hoàn cảnh này, nếu bạn càng stress thì vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy bạn hãy tự đánh giá xem những vấn đề gia đình đang ảnh hưởng tới mình ra sao. Nếu suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực luôn bám dính lấy bạn, bắt đầu ảnh hưởng đến việc ăn uống, ngủ nghỉ hoặc các hoạt động thường ngày thì bạn cần được nâng đỡ cảm xúc trước. Bạn nên xác định rõ bản thân muốn đầu tư bao nhiêu phần trăm sức lực để đi tiếp cuộc hôn nhân này. Hãy nghĩ đến những lý do bạn bắt đầu và duy trì cuộc hôn nhân đến hiện tại. Bạn có thể tư vấn luật sư để hiểu rõ quyền lợi, những khó khăn về tài chính, nuôi con khi ly hôn. Đây là những căn cứ để bạn cân nhắc lợi hại tổng thể cho quyết định tương lai.
Trong 3 vấn đề lớn của vợ chồng bạn, cái làm được đầu tiên và dễ nhất là cải thiện giao tiếp. Vợ chồng ít nhất phải thống nhất được với nhau những nguyên tắc khi giao tiếp, ví dụ như người nghe không thể chuyển sang vai người nói cho đến khi người nói khẳng định họ đã được người nghe hiểu đúng. Khi bạn là người nói chỉ nên mô tả vấn đề mà không đổ lỗi, chỉ tập trung vào một chuyện mà không móc nối sang những chuyện tức giận khác; bộc lộ cảm xúc của mình bằng cách nói "em cảm thấy..."; không xúc phạm hay phê phán đối phương. Với vai người nghe, bạn cần tập trung chú ý cẩn thận, không ngắt lời, cố gắng hiểu quan điểm của người nói bằng cách tóm lại ý và phản hồi phù hợp; thể hiện mình đang lắng nghe thông qua điệu bộ cử chỉ.
Nếu có thể bạn hãy gửi bài viết này cho chồng bạn. Hãy nhớ rằng ngay cả khi bạn cố gắng 100% thì cuộc hôn nhân cũng chỉ có 50% cơ hội thành công. Vì vậy, chồng bạn cũng cần được biết và bắt đầu cải thiện mối quan hệ này. Chúc 2 vợ chồng sẽ gặp nhiều may mắn trên hành trình phía trước.
Muốn được TS.Trần Thành Nam tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)
Post a Comment