Tôi hơn 30 tuổi, sống và làm việc ở nước ngoài. Tôi đã có quốc tịch của nước sở tại, thu nhập bình quân như người bản xứ, mỗi tháng để dành được khoảng 50 triệu.

Mấy hôm nay tôi suy nghĩ hoài về tương lai. Thật ra tôi đã suy nghĩ về việc này một vài năm nay. Tôi lo mai sau già, ai sẽ chăm sóc mình khi ốm đau bệnh tật. Niềm vui khi tôi về già sẽ là gì? Tôi không biết liệu trốn tránh việc lập gia đình sẽ tiếp tục được bao lâu?

Ở đây tôi cũng không có bạn, không biết làm gì để vơi đi nỗi buồn khi nghĩ về một gia đình bình thường, có vợ có con như những người bạn cùng lứa. Mỗi lần thấy bạn bè ở tuổi này đăng những tấm hình gia đình nhỏ quây quần trên mạng xã hội, tôi thấy cuộc đời thật bất công với những người như chúng tôi.

Tội phạm hay một cô gái bán hoa rồi cũng có một gia đình bình thường nếu họ thực sự hoàn lương, làm lại cuộc đời. Những người khuyết tật còn có được sự cảm thông của xã hội, được ưu ái và kính trọng. Họ có thể đến với nhau, cuối cùng có một gia đình nhỏ, có những đứa con, chăm sóc và chia sẻ ngọt bùi lúc còn trẻ hay về già. Còn những người như chúng tôi, chắc chỉ có may mắn hơn những người bị bệnh hiểm nghèo, hay những người không may bị tâm thần.

Ở tuổi này, ao ước về một gia đình bình thường không được, rồi sức ép về việc cưới vợ. Tôi là người tình cảm, muốn được gần gũi gia đình, bạn bè, muốn tụ tập gặp gỡ mọi người trong những dịp quan trọng. Tôi sợ về Tết, họp lớp, sợ những suy nghĩ của bạn bè, thầy cô, gia đình. Tôi sợ những lời đàm tiếu. 

Tôi vốn là đứa học giỏi, được học bổng du học ở Mỹ, rồi định cư làm việc tại một nước khác, Cũng là đứa tốt tính thật thà, sẵng sàng chịu phần thiệt trong các mối quan hệ. Có lẽ thế nên tôi hay gặp may mắn và nhiều người giúp đỡ. Trong tình yêu tôi lại không gặp được người tử tế. Về bạn bè, ở đây đã ít, người cùng giới, cùng tuổi lại càng ít. Tôi đi đã lâu, những người có thể tâm sự như ngày xưa không còn, bởi vậy những nỗi buồn ngày càng chất chứa, cộng thêm những lo toan.

Gần đây, nghĩ về điều này, tôi trào nước mắt. Tôi oán trách số phận, có những ý định về thời điểm tự giải thoát và cách giải thoát. Có lần về Việt Nam dịp Tết, gặp một người anh hơn tuổi cũng như tôi, anh đó về ăn Tết, mỗi sáng cơm nước xong đều chạy xe hơn 20 km lên thành phố ngồi cà phê một mình đến 9h tối vì không thể chịu được những sức ép như vậy. Anh gợi ý đến một lúc nào đó xuống tóc đi tu. Tôi cũng phân vân về việc này mãi.

Nhìn đi nhìn lại, giờ bạn bè không có, một người tử tế làm người yêu cũng không, tương lai gia đình cũng không có, đến lúc về già ốm đau không người chăm sóc. Tôi có thể làm được gì? Nói xã hội đã cởi mở, nhưng ngay cả ở đây, hôn nhân đồng giới được công nhận, vậy mà xã hội vẫn còn kỳ thị. Hơn chục năm chịu đựng có lẽ đã đến giới hạn rồi. Mong được các bạn chia sẻ.

Quý

Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top