Qua câu chuyện của chị Hạnh trong: "Tự làm khổ mình khi mời mẹ chồng sống chung", thấy nhiều góp ý gay gắt quá.

Tôi không ủng hộ việc phản ứng thái quá với người hơn tuổi, đặc biệt là cha mẹ hai bên như vậy, xin đưa ra góc nhìn của bản thân để cùng thảo luận. Tình huống của chị Hạnh khá khó nhưng tôi nghĩ không phải hết cách để phải đẩy mẹ chồng đi càng nhanh càng tốt, chị thử "chịu khó" thay đổi cách tiếp cận vấn đề xem như thế nào. 

Tôi có anh cấp trên người Đài Loan, theo tôi anh tốt tính nhưng kiểu đàn ông "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành", rất mệt mỏi khi làm việc chung. 10 điều anh bắt bẻ thì 8, 9 điều không đáng hoặc tư duy nghề của anh không thật sự tốt, chỉ là làm lâu năm lên lãnh đạo. Ban đầu tôi khá sốc vì lần đầu tiên gặp sếp như vậy, may mắn tôi hay tập thiền nên nhanh chóng giữ được bình tĩnh và tìm cách ứng phó. Tôi thực hiện tư duy như sau:

Tư duy một: "Anh ta phê phán mình vì động cơ gì? Có phải vì lợi ích của anh"? Câu trả lời là: "Không, vì lợi ích công ty và vì để cho mình tốt hơn". Nhờ đó tôi đã giảm bớt 80% phản ứng khi bị chỉ trích không đúng.

Tư duy hai: "Trong 10 điều anh nhận xét có tới 8, 9 điều sai, nhưng còn một hai điều đúng thì sao". Nếu tôi phản ứng lại hay làm cho ra lẽ, sẽ không nhận được những lời nhận xét chân thành trong tương lai, như thế tôi tự đóng cảnh cửa học hỏi, cải thiện bản thân lại.

Hành động: Tôi bỏ cái tôi của mình một bên, chăm chỉ làm việc, tiếp thu, lắng nghe tất cả những lời chỉ trích từ anh, sửa đổi làm theo 100%.

Kết quả: Khi sửa theo cách anh chỉ không tốt, sau này anh dần nhận ra và tăng sự tôn trọng đối với tôi, luôn khen tôi trước mặt sếp trên. Tôi cũng tuyệt đối không đề cập tới việc anh sai trong quá khứ hoặc kể lại với người khác. Anh vẫn dành cho tôi những nhận xét chân thành để tôi cải thiện và học hỏi. Trong 9 nhận xét của anh, tôi cho là kém thì sau này nhận ra cũng có một hai điều là bản thân nhận thức sai. Nhờ cách làm việc như đã nói ở trên, tôi "an toàn".

Gần đây, sếp thường xuyên xin ý kiến tôi và bớt các nhận xét linh tinh. Tôi nghĩ giờ mới là thời điểm thích hợp để tôi mở lời.

Bài học rút ra: Nhìn vào bản chất, mặt tích cực của vấn đề. Thay đổi người khác bằng phương pháp bất bạo động cần thời gian, nỗ lực, cảm thông nhưng kết quả cực kỳ mỹ mãn và giữ được tình cảm hòa khí ban đầu.

Quay lại vấn đề trong gia đình, cụ thể là mẹ chồng nàng dâu. Tôi kể câu chuyện này vì mối quan hệ của mẹ chồng nàng dâu giống tôi với sếp, đó là quan hệ trên dưới. Ta không nên phản kháng hoặc chỉ trích ngược như kiểu bạn bè, vợ chồng. Cái gì chị thấy sai nhưng cũng chưa chắc là mình đúng thì cứ để đấy và làm theo xem kết quả như thế nào. Cái gì chị chắc chắn mình đúng thì nhẹ nhàng giải thích vì sao con làm như thế. Tuy nhiên không mong chờ kết quả ngay tức thời. Có thể họ vẫn phản ứng lại để lấp liếm sự yếu kém của mình. Con người ai cũng có khả năng đánh giá đúng sai, tự trong sâu thẳm họ đang thay đổi và tất nhiên sự tôn trọng của họ dành cho mình sẽ ngày càng tăng. Lúc đó mới là lúc mình giải thích và giành lấy sự tin tưởng và ngưỡng mộ từ đối phương.

Cái gì chị thấy sai, đã giải thích nhẹ nhàng không được, cũng không thể nhắm mắt làm theo vì theo chị hậu quả có thể khá nghiêm trọng (chuyện nuôi dạy con cái, chuyện dinh dưỡng, thuốc men) thì nên thảo luận với chồng và để chồng là người trực tiếp nói với mẹ. Mẹ và con trai là một, hiệu quả sẽ tăng lên nhiều lần, hơn nữa mình cũng dễ tìm được sự cảm thông từ chồng hơn mà không làm mất hòa khí mẹ chồng nàng dâu. 

Như đã đề cập ở trên, mẹ và con trai có mối quan hệ rất thiêng liêng, tuy hai nhưng là một, bởi vậy người vợ có tư tưởng chia tách, ghen tỵ, hoặc coi thường mẹ chồng thì theo tôi là người ngây thơ và chưa tinh tế. Cách tốt nhất để chiếm trái tim của người mẹ là yêu người con trai (chồng). Ngược lại cách tốt nhất để giành được sự ngưỡng mộ và yêu thương tuyệt đối từ chồng đó là yêu thương và quý mến mẹ chồng. Người ta thường nói phụ nữ trong gia đình giống như nước vậy, trung hòa, mềm mại, bao dung mọi vật nhưng cũng cực kỳ mạnh mẽ. Tuy nhiên không phải phụ nữ nào cũng có tố chất làm nước được, tôi xin sửa lại là: "Gia đình nên có ít nhất một người là nước để đảm bảo hạnh phúc, êm ấm". 

Minh 

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top