Khi đó tôi mới sang Australia, có nhiều thứ mới mẻ. Nhưng nhiều khi tôi vẫn không khỏi thắc mắc tại sao các kỹ sư lại có thể quan tâm tới một thứ như vậy.

Khi đã vào học, một ngày, chúng tôi được anh phụ giảng (tutor) dẫn ra xem cục vật liệu đó. Hóa ra đó là mảnh ghép của một cây cầu lớn nhưng đã bị sập do không chịu được sức nặng. Nhà trường xin một miếng về trưng bày để cho các kỹ sư tương lai nhớ rằng công việc của mình rất quan trọng. Các sinh viên năm nhất sau đó được hướng dẫn vẽ lại hình thù của các “hạt” (grain) vật liệu bị kéo dài trong hợp kim kèm theo vài lời giải thích về cơ chế kéo dài của vật liệu dưới nhiệt độ cao.

Trường trung cấp hay cao đẳng để dạy thợ, còn đại học dạy “thầy”. Việc dạy nghề thường gói gọn trong việc dạy để biết làm. Còn bậc đại học thì phải học “làm sao, làm cái gì, và vì sao làm như vậy”.

Tôi ra trường và trở thành một kỹ sư hóa. Ngành này có nhiều kiến thức về các quá trình hóa học như chưng cất, phản ứng nhưng thiên về việc thiết kế máy móc cho các quá trình đó. Chúng tôi học cách thiết kế và sử dụng máy móc, sau đó là các vấn đề liên quan tới tài chính và luật pháp trong ngành kỹ sư hóa. Bản thiết kế nhà máy trong đề tài tốt nghiệp có cả một phần trình bày về ngân sách, các loại giấy phép về môi trường, bất động sản…

Nhưng khi đi làm, tôi làm việc cho một công ty sản xuất hóa chất điện tử và công việc chỉ liên quan tới quá trình chưng cất chất lỏng (distillation) và thăng hoa chất rắn (sublimation), với mục tiêu là loại bỏ tạp chất. Công việc của kỹ sư là thiết kế các hệ thống sản xuất hóa chất, sản xuất thử nghiệm, thiết kế quy trình, đào tạo thợ rồi quản lý, sửa chữa nếu cần.

Vai trò của đại học phương Tây là dạy nghề, nhưng là ở một cấp cao hơn hẳn. Một mặt dạy các kiến thức cơ bản của ngành, với mục tiêu phải hiểu làm cái gì và vì sao lại làm như vậy. Mặt khác giúp các sinh viên có khả năng phát triển xây dựng thêm trên nền tảng kiến thức đó. Các bạn học của tôi ra trường mỗi người làm một ngành, từ luyện kim, dầu mỏ, sản xuất thực phẩm, sản xuất hóa chất, sản xuất thiết bị y học… nhưng tất cả đều sử dụng một ít kiến thức mà mình học được rồi phát triển thêm.

Như tôi dùng rất nhiều kiến thức về chưng cất và thiết kế trao đổi nhiệt nhưng ít phải dùng tới các kiến thức về chuyển động của tuabin trong chất lỏng hay tốc độ phản ứng hóa học trên chất rắn. Nhưng các bạn của tôi thì dùng tới mấy thứ đó.

Tôi không ngạc nhiên khi nhiều người băn khoăn về việc trường đại học Việt Nam có gì hay hơn các trường dạy nghề. Nguyên nhân là các kiến thức dạy quá hàn lâm và rất ít thời gian để học các vấn đề thực tế. Bên cạnh đó là sự khó chịu của những người tuyển dụng đối với sinh viên mới ra trường. Thực tế thì lúc ra trường đại học ở Australia, tôi cũng đâu biết gì về các quy trình cụ thể khi làm việc. Khi được thuê, tôi phải “training” suốt ba tháng mới tạm có ích, mặc dù tôi biết rõ các nguyên lý khoa học trong hầu hết công việc phải làm.

Trong trường đại học ở Australia vào đầu những năm 2000, có rất nhiều máy vi tính để chúng tôi sử dụng. Làm thí nghiệm xong, thu thập dữ liệu cho Excel tính rồi vẽ biểu đồ. Trước đó một năm, tôi học trường Bách Khoa, phải tự vẽ biểu đồ bằng tay, tính phương sai rồi kẻ bằng thước, mất cả tiếng rồi đem cho thầy chấm điểm. Về kiến thức thì cả hai đều dạy như nhau, nhưng Australia dạy bằng một cách dùng được, còn Việt Nam thì không. Ra trường trên thế giới này chả có ai bắt các kỹ sư ngồi đó tính phương sai bằng tay hết.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ. Nói tới những thứ phức tạp hơn như các loại máy móc thì ở Việt Nam ít có. Sự tụt hậu giữa nhà trường và thực tế trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam là nguyên nhân chính khiến các nhà tuyển dụng hậm hực với sinh viên mới ra trường. Như năm đó tôi mà học tiếp ở Đại học Bách Khoa thì chưa chắc đã biết dùng Excel thành thạo. Tuy tôi sẽ hiểu việc phân tích dữ liệu nhưng đi làm mà ngồi đó vẽ biểu đồ bằng tay thì chắc chẳng ai tuyển tôi.

Việc học đại học không phải học tư duy, cũng không hẳn kỹ năng. Đó là quá trình học hỏi các kiến thức chuyên sâu được sử dụng trong thời hiện đại, nhưng đó là các kiến thức cốt lõi. Các kỹ thuật viên cười cợt các kỹ sư mới ra trường không biết cách nối mạng cho hệ thống máy tính đơn giản là chưa được đi học đại học. Các kỹ sư đó phải biết cách thiết kế các vi mạch hay các phần cứng bên trong máy tính. Chuyện nối mạng không phải của họ.

Đại học ở Việt Nam tạo ra cơ hội cho các kỹ thuật viên cười cợt các kỹ sư bằng cách không dạy được các kiến thức cốt lõi một cách thực tế. Các kỹ sư có thể hiểu được nguyên nhân vì sao một bộ phận phải thế này nhưng lại chưa được tiếp xúc với các thứ đó. Vì vậy ra trường họ không thể làm được việc của kỹ sư thực sự và bị chê cười.

Tôi ngày xưa vất vả với mấy cây cờ-lê, mỏ- lếch nhưng đâu ai dám cười. Bởi vì tôi cần phải mở mấy cái van đó ra để coi vấn đề nó nằm ở đâu mà sửa chữa. Các anh thợ có thể mở van giỏi hơn tôi nhưng họ sẽ không hiểu được vấn đề trao đổi nhiệt bên trong, nguyên nhân khiến tôi phải đi mở cái van đó.

Khanh

vnexpress.net

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top