Từ nhỏ không thể học bò, học đi, học chạy…nhưng chị đã đứng vững trên đôi chân bại liệt của mình, thắp lên cho mình, cho người khác ngọn lửa sống, sáng tạo và cống hiến.

Bước ngoặt cuộc đời

Những ngày tháng 8, chúng tôi tìm đến thôn Nga My Hạ (Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội) để gặp chị Phạm Thị Út - người phụ nữ khuyết tật đã biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để làm cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Nghe người phụ nữ khuyết tật này trải lòng mới thấy việc họ được học, được dấn thân vì công việc như những người bình thường quả thật là một khó khăn. Cứ thế, những chuỗi ngày bất hạnh vì cơn ốm sốt hơn 30 năm trước ùa về. Sau trận ốm quái ác đã làm chị bị teo cơ, mặc dù bố mẹ chị đã chạy chữa khắp nơi chỉ mong con mình khỏe mạnh bình thường nhưng đều “vô phương cứu chữa”.

pham-thi-ut-3-1471657173Bức khảm trai do chính tay chị Út làm.

Nhưng có lẽ, phải bước qua những ngày tháng đầy nước mắt như thế thì người phụ nữ này mới có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Chị kể rằng, ngày nào cũng nghĩ đến việc được đi làm như người bình thường.

Mất đi đôi chân, mọi sinh hoạt của chị Út đều nhờ vào gia đình, miếng ăn, giấc ngủ chị cũng không tự mình thực hiện được. Tuổi thơ của chị không chỉ trên chiếc xe lăn, trên giường bệnh mà chị phải đối diện với cơn đau của bệnh tật, sự giằng co của ý chí khi không được như bao bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường.

Chính vì thế, đêm nào chị cũng nằm mơ mình đang làm công việc mà mình yêu thích. Giấc mơ của chị đã hóa thành sự thật khi một ngày ngồi trông quán nước cho bố mẹ, chị gặp một “ông bụt” tại Phú Xuyên chuyên đi “nhặt” những đứa trẻ khuyết tật về dạy nghề. Chị thêm hy vọng khi xem trên tivi thấy chương trình dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Phú Xuyên. Vậy là chị quyết định đi học bởi nghĩ rằng, ít nhất là có thể nuôi sống được bản thân mình.

“Ban đầu, bố mẹ tôi nhất quyết không cho đi vì sợ tôi không có đủ khả năng để chống chọi với cuộc đời. Tôi khóc và nói với bố mẹ rằng “con nhất định phải làm được như người khác. Cuối cùng, bố mẹ tôi đã đồng ý để tôi được đi học. Ý chí của tôi luôn nhắc nhở "phải tự đi trên chính đôi chân của mình, không thể làm gánh nặng thêm cho gia đình được nữa””, chị Út chia sẻ.

Mối lương duyên định mệnh

Những ngày đầu học nghề, hai tay phải cọ xát nhiều với dùi đục nên các ngón tay trầy xước, chảy máu. Hai chân bị liệt không cử động được, tôi phải ngồi một chỗ hàng tiếng đồng hồ, toàn thân đau nhức. Nhưng nhờ có những người bạn cùng hoàn cảnh, tôi đã vượt qua tất cả. Ở đó, chúng tôi không chỉ học được nghề mà còn học được cách yêu thương, giúp đỡ nhau”, chị Út tâm sự.

Chị Út nói rằng, tại đây chị cũng đã gặp được anh Chiến (ở Chương Mỹ, Hà Nội) người đàn ông của cuộc đời mình. Đó chính là mối lương duyên định mệnh của cuộc đời chị. Khi chị vào trường được hai tháng thì cũng là lúc anh ra trường. Hai người đã thích nhau nhưng không ai dám thổ lộ, họ chỉ dám xin số điện thoại của nhau để tiện liên lạc.

Cứ thế, đến năm 2005,chị ra trường, đi đến đâu xin việc người ta cũng lắc đầu vì những khiếm khuyết trên cơ thể. Nhưng may mắn đã mỉm cười khi một cơ sở nhận, chị bắt đầu liên lạc lại với anh Chiến. Hai người gần như đã đồng cảm cùng nhau.

Nhưng, lúc đó anh chị phải cùng nhau bước qua rào cản của gia đình. Bố mẹ hai bên một mực phản đối kịch liệt. Gia đình anh chiến thì không muốn con trai mình lấy một người vợ cả đời ngồi xe lăn...

Những ngày đó, chị chỉ biết khóc, van xin bố mẹ chấp nhận tình yêu của họ. Họ đã nói với nhau rằng “dù có khó khăn đến đâu cũng sẽ bên nhau đi hết cuộc đời”. Trước tình yêu đó, bố mẹ hai bên đã đồng ý, họ vỡ òa trong hạnh phúc. 

pham-thi-ut-2-1471657054Giờ đây chị đã có một gia đình hạnh phúc.

Vượt qua những rào cản trong cuộc sống, họ đã cùng nhau đưa “niềm tin” đến với những người có cùng hoàn cảnh. Anh chị còn muốn giúp đỡ những người khuyết tật học nghề miễn phí, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Dù những ngày đầu “Đánh thức niềm tin” gặp rất nhiều khó khăn về việc nhận sản phẩm, nguồn vốn… Có thời điểm, suốt cả một tháng không có đơn đặt hàng, cơ sở khảm trai ốc tưởng như tan vỡ, nhưng bằng nghị lực, sự quyết tâm của những con người đã dám đứng lên từ đôi chân tật nguyền, họ đã thành công. Giờ đây, không chỉ chăm lo cho xưởng phát triển, vợ chồng chị Út còn mở thêm quán chè Cô Út nổi tiếng một vùng.

Chia tay vợ chồng chị, chúng tôi mới hiểu được một điều rằng, có rất nhiều người, dù cơ thể không lành lạnh nhưng bằng niềm tin và ý chí họ đã vượt qua số phận nghiệt ngã để có được hạnh phúc như ngày hôm nay.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top