Phụ nữ ở Nhật khi đến với dịch vụ 'khóc cùng trai đẹp' sẽ được xem những bộ phim có nội dung buồn, dễ khiến họ cảm động và thời điểm họ khóc, các mỹ nam sẽ tới lau nước mắt cho họ.

Khoảng 10 người ngồi trong một phòng họp tại một dãy nhà văn phòng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản và một người đàn ông bật các clip phim được lựa chọn trước đó.

Thời điểm tiếng nhạc vang lên từ chiếc loa nhỏ cũng là lúc bộ phim đau lòng về một người cha điếc và con gái của ông bắt đầu được chiếu. Cô gái trong phim mắc bệnh nặng và được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Người cha, không thể giao tiếp với nhân viên tiếp tân để họ biết ông là cha cô bé và họ không cho ông vào thăm. Kết thúc của phim là cảnh người cha ngồi khóc trong đau đớn khi không thể ở bên con gái những giây phút cuối đời.

Khi bộ phim thứ 2, nói về một chú chó bị bệnh và sắp chết, bắt đầu, tiếng khóc xuất hiện ở một góc phòng. Vài phút sau, vài tiếng sụt sịt cũng xuất hiện. Chỉ chưa đầy 15 phút, nửa số người trong phòng bắt đầu rơi nước mắt.

Người đàn ông lúc đầu bật phim bắt đầu đi xung quanh phòng với một chiếc khăn mùi xoa lớn, nhẹ nhàng lau nước mắt cho từng người. Sau đó, người đàn ông này gấp chiếc khăn và lặp lại hành động ân cần.

trai đẹp 1Người đàn ông điển trai dùng khăn mùi xoa lau nước mắt cho cô gái. Ảnh: BBC

"Khi tôi bắt đầu điều hành dịch vụ này, tôi có những giây phút vụng về và ngượng ngùng. Vì trước đó, không thực hành nhiều nên tôi không thể khóc dễ dàng và nó đồng nghĩa với việc các khách hàng của tôi cũng vậy. Nhưng giờ tôi đã có thể làm điều đó tốt hơn", Ryusei, người đàn ông với chiếc khăn mùi xoa, cho biết. Ryusei là một người điển trai và thực hiện việc lau nước mắt với thái độ vô cùng nghiêm túc.

Công việc của người đàn ông Nhật Bản này được gọi với cái tên ikemeso danshi (trai đẹp cũng khóc). Mục đích của Ryusei khi điều hành dịch vụ này là để cho mọi người có thể khóc. "Người Nhật không quen khóc trước nhiều người. Nhưng khi bạn làm điều đó, môi trường sẽ thay đổi, nhất là trong một công việc kinh doanh", Ryusei chia sẻ.

Bởi việc khóc sẽ thể hiện rằng bạn dễ xúc động và bị tổn thương. Khi mọi người thấy điều này, họ sẽ dễ đồng cảm và 'xích lại' gần bạn hơn và các bạn sẽ làm việc tốt hơn trong một nhóm đoàn kết.

Hầu hết bộ phim mà Ryusei chiếu cho khách hàng đều liên quan tới các thú cưng bị bệnh hay quan hệ giữa cha và con gái. Mục tiêu là đánh vào tâm lý nhạy cảm của phái đẹp. Vì hầu hết người tới đây là phụ nữ.

Những chàng trai với ngoại hình bảnh bao có thể là một nha sĩ, huấn luyện viên thể hình, thậm chí còn có thể là giám đốc tang lễ hay người đánh giày. Ryusei cũng là một trong số những trai đẹp trong dịch vụ nhưng lớn tuổi hơn. Đa số mỹ nam làm công việc này chỉ ở độ tuổi từ 20 đến 29.

Tại Tokyo, các công ty khác đã triển khai những dịch vụ tương tự như dịch vụ ôm không sex hay thuê bạn.

trai đẹp 2Doanh nhân Hiroki Terai là chủ nhân của ý tưởng về các dịch vụ khóc lóc. Ảnh: BBC

Ý tưởng về các dịch vụ khóc lóc là của doanh nhân Hiroki Terai, người từng trải qua nhiều cảm xúc tồi tệ khi còn trẻ. Năm 16 tuổi, Hiroki không có bạn bè ở trường và từng phải ăn cơm một mình trong nhà vệ sinh.

Tuy nhiên, các dịch vụ khóc lóc không phải là những dự án đầu tiên của doanh nhân này. Trước đó, ông từng làm dịch vụ cho các cặp đôi không lấy được nhau. Khi tiếp xúc với những cặp đôi này, họ cho biết khóc là việc giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm nhất. Ngay lúc ấy, trong đầu Hiroki lóe lên ý tưởng về các dịch vụ khóc.

"Mọi người sẽ đến và khóc cùng nhau. Sau khi khóc xong họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ mọi người luôn cho rằng một người đàn ông khóc tức là người đó quá yếu đuối. Đó là lí do tôi chọn nam giới là những người khóc cùng khách hàng", Hiroki nói. Doanh nhân này muốn hình ảnh người đàn ông khóc không còn lạ lẫm với người dân Nhật Bản.

"Người Nhật không giỏi trong việc biểu lộ cảm xúc. Những nhân viên công sở không bày tỏ thái độ hay cảm xúc của họ quá nhiều", Terumi, người đang làm một phóng sự về dịch vụ, cho hay.

"Đó cũng là lý do tôi muốn người Nhật khóc nhiều hơn nữa, không chỉ ở nhà mà cả ở nơi làm việc. Bạn luôn nghĩ nếu bạn khóc ở nơi làm việc, đó là một hình ảnh không hay và đồng nghiệp sẽ không muốn ở gần bạn. Nhưng tôi biết rằng sau khi bạn khóc trước mặt các đồng nghiệp và họ biết bạn đang tổn thương, bạn sẽ nhận được sự đồng cảm và cách đối xử tốt từ đồng nghiệp", Hiroki nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top