Giống như nhiều người trong chúng ta, ca sĩ Mỹ Linh giờ đây sẽ phải trả một mức giá cao hơn nhiều nếu cô muốn ăn hải sản không có xyanua từ nhà máy Formosa. Trường hợp này hoàn toàn đúng với phát biểu của cô được báo chí dẫn lại trong hôm nay và tạo ra nhiều tranh cãi trên mạng: “Muốn rẻ đừng đòi hỏi thực phẩm sạch”.

Tiếc thay, hải sản – một loại thực phẩm bị bẩn lại không phải vì người nông dân hám lời làm bậy mà bởi vì những người đã tiếp tay đưa Formosa vào để giết chết cả vùng biển miền Trung. Vậy chúng ta đang phải trả tiền nhiều hơn cho món hải sản mà chẳng liên quan gì đến ngư dân hay trình độ của người tiêu dùng.

Ca sĩ Mỹ Linh có thể hát rất hay nhưng khi cô phát biểu: “Thực phẩm sạch thì phải đắt, không thể rẻ được, muốn rẻ thì đừng đòi đồ sạch, bản thân nhà tôi trồng cũng thấy rất đắt” thì tôi đồ rằng cô ngày thường ít quan tâm đến đời sống của người nông dân.

Chỉ đơn giản tìm kiếm trên Google sẽ thấy người nông dân đang gánh trên 1.000 (một ngàn) loại phí, lệ phí khác nhau – theo Vnexpress. Chắc chắn không ai muốn làm cái việc thất đức là rải độc vào rau mình trồng để đem đi bán, nhưng nếu không có thuốc tăng trưởng thì làm sao rau lớn đủ nhanh để đem ra chợ, để kịp quay vòng đồng tiền mà trồng vụ sau, mà kịp lo cái ăn, kịp đóng học phí cho con, kịp đóng cái thứ phí khác nếu không thì bị khiêng luôn cả cái giường. Và để kịp có tiền đóng cả ngàn loại phí kể trên, chẳng phải giá thành sản phẩm được cấu thành từ tất cả điều này đó sao?

Chúng ta không thể lấy vườn rau kiểng được trồng để phục vụ gia đình của mình để khái quát cho cả nền kinh tế nông nghiệp. Như tất cả các lĩnh vực kinh tế khác, giá thành một sản phẩm nông nghiệp luôn luôn phụ thuộc vào các chi phí bỏ ra của người nông dân. Các chi phí này lại phụ thuộc rất lớn vào sự trong sạch của bộ máy chính quyền. Kể cả sự kiểm soát chất lượng nông sản cũng hoàn toàn nằm ở sự trong sạch này. Và, để có được sự trong sạch thì cần có những định chế giám sát khác trong xã hội. 

Tôi không tin vào sự tự giác lâu dài của mỗi cá nhân khi đứng trước cái lợi của bản thân mà thiếu sự kiểm soát, dù đó là người Mỹ hay người Việt. Một anh nông dân Mỹ nếu ngày này qua tháng khác không bị kiểm soát bởi những quy định gắt gao và nhận thấy mình có thể đút lót các cơ quan kiểm soát chất lượng thì rồi đến lúc anh ta cũng sẽ trồng rau phun nhớt, bón phân công nghiệp và tiêm thuốc tăng trưởng.

Giá cả hàng hóa lại phụ thuộc vào thị trường, khi cung – cầu không cân bằng thì thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cả. Phát ngôn về việc muốn ăn sạch thì phải trả mắc của ca sĩ Mỹ Linh là một ví dụ về nhận thức này. Tuy nhiên, phát biểu của cô “giúp” rất nhiều cho việc biện bạch về sự tắc trách của những cơ quan chịu trách nhiệm việc kiểm soát chất lượng thực phẩm. Bởi vì, ngoài rau thì người ta còn ăn cả thịt cá trứng sữa… và những thứ này thì không thể trồng được bằng khu vườn kiểng trên mái hoặc trong sân nhà được.

Còn nhớ khi còn ở Mỹ, tôi và người em mỗi lần đi chợ với đầy đủ thịt cá trứng sữa và rau quả cho đủ 3 tuần nấu ăn chỉ tốn khoảng 100 đô la Mỹ. Đó là vào thời điểm những năm 2009 – 2012 và đến nay giá cả cũng không thay đổi nhiều. Chưa nói đến sự so sánh giá cả mà chỉ nói rằng sự yên tâm và tin tưởng vào chất lượng thực phẩm cũng xứng đáng với số tiền bỏ ra. Có được điều đó là nhờ vào sự kiểm soát gắt gao ngay từ khâu sản xuất cho đến khâu thương mại. 

Thật ngán ngẩm khi nhìn toàn xã hội đang phải quay lại thời tự cung tự cấp để bảo vệ mình trước thực phẩm bẩn tràn lan. Thực phẩm bẩn đã bị gọi là “vấn nạn” nhưng nếu chỉ đổ hết trách nhiệm lên vai người nông dân thì không công bằng, bởi họ cũng chỉ đóng một khâu sản xuất trong chuỗi rất nhiều khâu khác trước khi đến tay người tiêu dùng. Gốc rễ của câu chuyện vẫn phải nằm ở khâu kiểm soát chất lượng. Và muốn có thực phẩm sạch mà không mắc, ngoài sự trung thực của người nông dân, sự khôn ngoan của người tiêu dùng còn cần hơn nữa yếu tố trong sạch của chính quyền khi đóng vai trò kiểm soát.

Trung Bảo

Một Thế Giới

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top