Tuy những ý tưởng về việc cấy tế bào người vào cơ thể động vật đã có từ rất lâu, song nó vẫn gây ra những tranh cãi quyết liệt về vấn đề y học và đạo đức.
Ảnh minh họa: Khoahoc.tv
Theo Live Science, ngày 8/4, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) tuyên bố tổ chức này đang xem xét kế hoạch để gây quỹ cho nghiên cứu cấy tế bào gốc của con người vào phôi thai động vật. Quá trình này sẽ tạo ra một phôi thai với hai bộ tế bào khác nhau, một là của động vật và một là của con người. Trước đó, chính NIH lại cấm không cho tiến hành những nghiên cứu tương tự như vậy.
Vậy lí do gì khiến cơ quan Y tế của Mỹ lại thay đổi quyết định với vấn đề người lai thú nhanh đến vậy?
Nguyên nhân chính nằm ở chỗ người lai thú có thể phục vụ quá trình nghiên cứu các căn bệnh cũng như sự phát triển của con người, theo NIH. Trong tạp chí Khoa học xuất bản năm 2015, các nhà khoa học cho biết họ có thể tìm ra liều thuốc chữa các căn bệnh di truyền của con người bằng cách tận dụng các mẫu người lai thú.
Vấn đề được nhắc đến nhiều nhất chắc hẳn là nghiên cứu để tạo ra các động vật mang nội tạng của con người, thứ có thể sẽ được cấy ghép cho các bệnh nhân. "Chúng ta có thể tạo ra một nguồn cung cấp nội tạng thay thế không giới hạn bằng cách lai giữa người với lợn hoặc cừu", một ý kiến trên tạp chí Khoa học cho biết.
Tiến sĩ Hiromitsu Nakauchi, một trong những tác giả của bài viết trên tạp chí Khoa học, đang triển khai một dự án nghiên cứu về việc phát triển nội tạng con người trong cơ thể lợn và cừu. Khoảng 20 người mẫu người lai cừu và người lai lợn được tạo ra, song các nhà nghiên cứu không vội vàng giới thiệu bất kỳ mẫu nào, trang MIT Technology Review đưa tin.
Mục đích cuối cùng của dự án là tìm ra các kỹ thuật để tạo ra các bộ phận có cấy ghép cho người bệnh. Tuy nhiên, Ủy ban đạo đức giám sát dự án chỉ cho phép các mẫu người lai thú được phát triển trong chưa đầy một tháng.
Dù phương án nội tạng người lai thú rất khả thi song nó cũng có những rủi ro và những vấn đề phức tạp về mặt đạo đức. Nhiều người lo ngại các tế bào con người sẽ di chuyển tới chỗ không mong muốn trong cơ thể động vật như não hay hệ thần kinh và tác động đến nhận thức của con vật, theo NIH. Trong chính sách mới của tổ chức Y tế Mỹ, một quá trình xem xét riêng biệt sẽ được đặt ra với các nghiên cứu mà tế bào của con người có thể "đóng góp đáng kể" cho sự phát triển của não động vật.
"Thử tưởng tượng loài lợn có bộ não người và chúng có thể tự hỏi rằng tại sao chúng ta lại làm thí nghiệm trên cơ thể chúng. Ngược lại, với cơ thể người có não động vật. Nhiều người sẽ cho rằng đó không phải con người và thu thập cơ quan nội tạng của họ", Stuart Newman, một nhà nghiên cứu tại Đại học Y New York, Mỹ, chia sẻ.
Ông Robert Klitzman, giám đốc chương trình Thạc sĩ ngành đạo đức sinh học, thuộc Đại học Columbia, Mỹ còn kêu gọi tuyển thêm các nhà đạo đức để giám sát quá trình nghiên cứu và thử nghiệm về người lai thú.
Chính sách của NIH cũng cấm nghiên cứu mà cấy các tế bào con người vào phôi của các loài linh trưởng như khỉ ha tinh tinh ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu không được phép tạo ra người lai thú khi các tế bào con người tác động tới tế bào tinh trùng hoặc trứng của động vật.
Hiện tại, NIH vẫn thực hiện thời hạn 30 ngày để thu thập các ý kiến bình luận về vấn đề người lai thú trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về kế hoạch gây quỹ mới. Tuy những ý tưởng về việc cấy tế bào người vào cơ thể động vật đã có từ rất lâu, song nó vẫn gây ra tranh cãi quyết liệt về vấn đề y học và đạo đức.
Post a Comment