Tôi 39 tuổi, sinh sống ở nước ngoài. Năm 11 tuổi tôi bị tai nạn, ba mẹ khóc rất nhiều, ngất lịm đi khi thấy tôi nằm trên băng ca.

Sau ca phẫu thuật với các bác sĩ giỏi nhất, tôi may mắn giữ lại được tính mạng nhưng không thể giữ đôi tay. Một đứa trẻ trong độ tuổi chạy nhảy như tôi bỗng chịu một cú sốc lớn, tưởng chừng tương lai đã đóng lại, nhưng số phận nghiệt ngã không đánh gục được tôi. Động lực duy nhất để tôi vượt qua đó là tình yêu thương của gia đình. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để thích ứng với cuộc sống không có đôi tay, để có thể đi học trở lại sau khoảng thời gian điều trị chấn thương.

Ngày tôi vào đại học, có nhiều báo đài đưa tin. Sau đó tôi nhận được rất nhiều thư của bạn bè xa lạ khắp mọi miền gửi về muốn được làm quen và chia sẻ. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng hơn, và mối tình đầu của tôi cũng bắt đầu từ một trong những bức thư tay ấy. 

Tình đầu của tôi người Hà Tĩnh, là sinh viên ở Hà Nội. Chúng tôi ban đầu chỉ là bạn bè quen qua thư, cô ấy chủ động viết thư làm quen, động viên và chia sẻ với hoàn cảnh của tôi. Trong những thư gửi về, cô ấy luôn viết cho tôi nhiều nhất, ngoài động viên còn kể tôi nghe về cuộc sống, việc học hành. Sau 2 năm thư từ, cô ấy nói yêu tôi, muốn bù đắp và chăm sóc cho tôi. Tình yêu cô ấy dành cho tôi bắt nguồn từ sự cảm phục con người và nghị lực vượt khó. Ngày đó chúng tôi kẻ Bắc người Nam nên chỉ là yêu xa, tình cảm gửi gắm qua thư, có gặp nhau chỉ vào những ngày lễ hoặc vài tháng một lần.

Sau khoảng 7 năm, chúng tôi tính việc thưa chuyện với bố mẹ cô ấy ở quê. Tình yêu giữa một người khuyết tật và một người bình thường luôn có sự ngăn cách vô hình, gia đình cô ấy phản đối quyết liệt, không cho tiếp tục quen tôi và tất nhiên là không có một đám cưới mà chúng tôi mong muốn. Họ muốn con gái lấy chồng ở quê, lấy một người bình thường và cắt đứt mọi liên lạc với tôi. Tôi tuyệt vọng nhưng không thể làm khác được, cũng không thể trách cứ gì cô ấy.

Sau thời gian dài không liên lạc, tôi ra trường và đi làm cho một vài công ty với chuyên môn thiết kế đồ hoạ, thời gian trôi qua cũng giúp tôi cân bằng lại cuộc sống. Năm 2018, tôi sang Mỹ định cư cùng gia đình. Cuộc sống ở một đất nước có nền văn hoá, ngôn ngữ khác biệt ban đầu khiến tôi gặp không ít khó khăn, nhất là một người khuyết tật như tôi. May thay ở Mỹ không có sự phân biệt đối xử nên những trường hợp như tôi, họ có nhiều chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, từ đó tôi dần thích nghi và ổn định.

Rồi tôi có mối tình thứ hai, em quê miền Trung, 32 tuổi, rất xinh đẹp, có công việc ổn định tại Sài Gòn, tự chủ về kinh tế. Em từng trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc và có bé gái 5 tuổi. Chúng tôi quen biết qua mạng xã hội, nơi số ít tin tưởng vào sự hiện hữu của tình yêu. Khi mới quen, tôi giấu em chuyện mình là người khuyết tật, định sẽ nói khi đến thời điểm thích hợp. Riêng em, ngay từ đầu kể cho tôi nghe về hoàn cảnh, công việc và cuộc hôn nhân đã qua, cũng như về con gái mình. Lúc mới quen, em có nói: "Anh suy nghĩ kỹ chưa khi quyết định tìm hiểu một người phụ nữ từng qua cuộc hôn nhân và đang làm mẹ đơn thân"? Tôi trả lời: "Với anh, tâm hồn, tính cách và con người hiện tại của em mới thật sự quan trọng chứ không phải những gì thuộc về quá khứ".

Thời gian đầu, tôi chia sẻ cho em nghe về cuộc sống, gia đình, công việc trong quá khứ và hiện tại, chỉ có khác biệt về múi giờ. Em vui vẻ, hài hước, còn tôi ngoài đời ít nói, hơi nhút nhát, cũng không có khiếu chọc cười nên em luôn khiến tôi cười nhiều nhất. Sau đó giữa chúng tôi có nhiều điểm hợp nhau, có thể bổ sung ưu khuyết cho nhau và tình cảm cũng nảy sinh một cách tự nhiên, cả hai quyết định cho nhau cơ hội. Lúc này em muốn gọi video, tôi có chút lo lắng, bất an, sợ em biết được sự thật sẽ thất vọng, hụt hẫng và có khi sẽ không còn muốn nói chuyện với tôi nữa. Khi ấy tôi nghĩ nếu như vậy sẽ xin lỗi em vì đã không cho em biết ngay từ đầu, muốn em dành cơ hội cho một người khác. Một mặt tôi muốn nói hết sự thật cho em biết, mặt khác lại sợ nói ra sẽ mất em, tôi trì hoãn và tìm lý do để không phải gọi video.

Chuyện cũng chẳng giấu mãi được, bằng giác quan và sự tinh ý, em nhận thấy có gì đó khang khác về tôi. Những lần nói chuyện sau đó, em luôn gạn hỏi: "Anh có gì muốn nói cho em biết không? Mối quan hệ giữa chúng ta vẫn như trước và sẽ không có gì thay đổi". Lúc này tôi mới đủ can đảm kể cho em nghe về tai nạn năm xưa, về mối tình thời sinh viên. Kể xong, em nói đã đoán biết phần nào về tôi trước đó (tôi đã cho em trang cá nhân), em muốn tôi tự nói ra mà thôi. Em nói sau khi xem hình ảnh trên mạng xã hôi, có chút hụt hẫng về tôi, nhưng bản thân đã đấu tranh tư tưởng và suy nghĩ về những điều có thể xảy ra khi quen với một người khuyết tật.

Em trân trọng con người của tôi, khâm phục nghị lực và ý chí vượt khó, sẽ xem tôi như một người đàn ông bình thường, tôi đáng được trân trọng hơn những người đàn ông em từng biết. Nghe em nói vậy, nỗi mặc cảm trong tôi không còn nữa, thay vào đó là niềm hy vọng, niềm tin về một tình yêu đẹp. Tình cảm của chúng tôi ngày một lớn, chúng tôi mỗi ngày đều gọi video để thấy nhau và nói chuyện với con gái của em nữa. Với tôi, khi đã yêu thương ai đó, những gì thuộc về người đó đều quan trọng và thân thuộc như chính gia đình của mình vậy, cũng giống như câu em nói: "Nếu yêu em, anh hãy yêu cả đường đi lối về".

Cuối năm ngoái tôi quyết định về Việt Nam gặp em sau mấy tháng chỉ trò chuyện qua mạng. Gần em, tôi cảm nhận được tình yêu em dành cho tôi là chân thật, tôi hạnh phúc khi ở bên và được em chăm sóc. Em chở tôi và con đi khắp Sài Gòn, cùng nhau xem phim, đi ăn... Tôi thương con gái em và xem bé như con của mình vậy, có cảm giác như một gia đình mà tôi ao ước.

Một tháng sau ngày gặp nhau, em dẫn tôi về quê để giới thiệu với ba mẹ. Ở TP HCM tôi đã đến nhà em chơi, gặp và nói chuyện với 3 người em của em. Hai bác là người làm nông, hiền lành giản dị và đối xử với tôi chu đáo, nhiệt tình. Ba mẹ em không phản đối hay cấm quen tôi, chỉ có khoảng cách xa xôi giữa hai đất nước và không người thân, họ hàng ở Mỹ khiến họ lo lắng; sợ con gái ở quá xa không về thăm gia đình thường xuyên, sợ về già đau ốm con cháu không có mặt, rồi sống bên đó phải làm lại từ đầu khi em đang làm ổn định ở Việt Nam.

Tôi hiểu điều đó nên cần phải làm nhiều việc để bố mẹ em yên tâm và cố gắng tạo điều kiện mỗi năm cùng em về nước thăm gia đình. Về công việc, hiện tôi đang làm thiết kế cho một tạp chí của cộng đồng người Việt ở Mỹ, thu nhập không quá cao nhưng thuận lợi là tôi có thể làm tại nhà (tôi chưa lái được ôtô). Tôi dự định sẽ xin vào công ty chuyên về lĩnh vực thiết kế của Mỹ, nơi họ có xe bus đưa rước nhân viên. Để làm được thì tôi phải rèn luyện khả năng ngoại ngữ của mình. Có công việc ổn định và khả năng tài chính cao sẽ tốt cho tôi khi làm hồ sơ bảo lãnh mẹ con em sau này. Em có nói: "Nếu việc bảo lãnh khó khăn thì anh hãy cân nhắc về Việt Nam sống cùng mẹ con em, được sống gần nhau thì ở đâu cũng tốt".

Tôi đã suy nghĩ về điều đó, nhưng suy đi nghĩ lại tôi thấy dù sao môi trường và cuộc sống ở Mỹ vẫn tốt hơn, có nhiều điều kiện để phát triển tương lai khi con gái em sang đây. Vì vậy tôi thuyết phục em, sau kết hôn cố gắng chờ đợi tôi trong hai năm, khi hồ sơ bảo lãnh diện hôn nhân hoàn tất, mẹ con em sẽ đoàn tụ cùng tôi. Tôi hy vọng tình yêu và sự cố gắng của mình sẽ thuyết phục được ba mẹ em để sớm có một đám cưới trong năm nay.

Hiện tôi đã về lại Mỹ, tiếp tục công việc của mình. Tôi biết, trong tình yêu quan trọng nhất là niềm tin và sự trân trọng dành cho đối phương. Yêu xa là nhiều thử thách nhưng với tôi chuyến trở về nước để gặp em là một quyết định đúng đắn, như một giấc mơ có thật và chứng minh một điều: Tình yêu chân chính sẽ luôn hiện hữu, những định kiến về tình yêu giữa người khuyết tật và người bình thường sẽ không còn nữa. Tình yêu qua mạng xã hội cũng là thật chứ không hề ảo, nó sẽ đẹp và lãng mạn như bao câu chuyện tình khác vậy.

Nguyên

Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top